Chảy máu mũi ở trẻ nhỏ: Những điều cần biết

Chảy máu mũi ở trẻ nhỏ là vấn đề sức khỏe thường gặp và được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, khi trẻ bị chảy máu mũi chúng ta nên xử trí như thế nào cho đúng cách, phòng ngừa chảy máu mũi ở trẻ nhỏ như thế nào?

Trẻ nhỏ từ 2 - 10 tuổi là đối tượng dễ bị chảy máu mũi nhất. Trẻ thường bị chảy máu một bên mũi, rất hiếm khi chảy cả hai bên mũi. Đa phần các trường hợp chảy máu mũi ở trẻ nhỏ là chảy ở phía trước mũi và thường xuất hiện vào buổi sáng, đặc biệt là khi trời khô lạnh.

Chảy máu mũi ở trẻ có thể nhiều hoặc ít. Nếu máu chảy nhiều, có thể chảy ngược vào trong họng khiến trẻ ho, nôn, khạc ra máu, thậm chí là đại tiện ra máu do máu xuống dạ dày. Khi bị chảy máu mũi nhiều, trẻ có thể kèm theo hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, rối loạn tri giác, ...

1. Tại sao trẻ bị chảy máu mũi?

Rất khó xác định được tại sao trẻ bị chảy máu mũi vì có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, chúng có thể xảy ra đơn lẻ hoặc phối hợp với nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu mũi ở trẻ nhỏ:

  • Chấn thương ở mũi: Chấn thương (do té ngã, va chạm mạnh hoặc xì mũi, ngoáy mũi không đúng cách, phẫu thuật mũi) là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị chảy máu mũi do hệ thống niêm mạc mũi bị rách và chảy máu.
  • Viêm mũi: Khi bị viêm mũi (viêm mũi dị ứng, viêm xoang, dị tật bẩm sinh ở hốc mũi làm viêm mũi), niêm mạc mũi bị tổn thương ảnh hưởng đến các mạch máu dưới lớp niêm mạc và gây chảy máu mũi ở trẻ nhỏ.
  • Vật lạ trong mũi: Trẻ nhỏ thường hay nhét đồ chơi, vật lạ vào trong mũi, làm viêm loét niêm mạc mũi và dẫn đến chảy máu mũi.
  • U xơ vòm mũi họng: Đây là bệnh chỉ gặp ở trẻ từ 6 - 15 tuổi, chủ yếu là trẻ trai, với triệu chứng ban đầu là thường xuyên chảy máu mũi với lượng máu chảy tăng dần.
  • Các nguyên nhân khác: Một vài nguyên nhân có thể kể đến như: ngoáy mũi cho trẻ sơ sinh bị chảy máu, do sống trong môi trường khô, nóng kéo dài hoặc dùng thuốc xịt mũi trong thời gian dài hoặc một số loại thuốc khác. Đôi khi, chảy máu mũi ở trẻ nhỏ cũng là dấu hiệu của một số bệnh như dị ứng toàn thân, sốt xuất huyết, tăng huyết áp, suy tim, rối loạn chức năng đông máu, giảm tiểu cầu, bệnh gan thận, ung thư máu, ...
trẻ bị chảy máu mũi
Trẻ bị chảy máu mũi có thể do vật lạ trong mũi

2. Làm gì khi trẻ bị chảy máu mũi?

Khi thấy trẻ nhỏ bị chảy máu mũi, cha mẹ thường hốt hoảng và lo lắng, không biết xử trí như thế nào. Dưới đây là những việc nên làm khi thấy trẻ bị chảy máu mũi:

  • Bình tĩnh, dỗ dành để trẻ không sợ hãi.
  • Để trẻ ngồi thằng, tựa lưng vào ghế, đầu hướng về phía trước và hơi cúi xuống. Với tư thế này, áp lực mạch máu ở mũi sẽ giảm, máu chảy ra ngoài làm giảm nguy cơ trẻ nuốt hoặc hít máu vào trong.
  • Dùng hai ngón cái và trỏ kẹp hai cánh mũi lại trong khoảng 5 - 10 phút (yêu cầu trẻ thở bằng miệng) để ngưng chảy máu mũi.

Chú ý, không nên cầm máu bằng cách đặt trẻ nằm xuống hoặc ngửa cổ ra sau vì có thể khiến máu chảy ngược vào trong, khi đó, không thể biết được lượng máu chảy nhiều hoặc ít để xử trí phù hợp.

3. Chảy máu mũi ở trẻ nhỏ khi nào thì đến bệnh viện?

Đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất trong những trường hợp sau:

  • Nếu sau khi đã xử trí bằng biện pháp trên mà chảy máu mũi ở trẻ nhỏ vẫn không thuyên giảm trong 10 - 20 phút và lượng máu chảy ra nhiều hơn.
  • Trong khoảng thời gian ngắn trẻ bị chảy máu mũi nhiều lần.
  • Trẻ nôn ra máu hoặc đại tiện, tiểu tiện ra máu.
  • Trẻ bị hoa mắt, choáng, khó thở, tim đập nhanh, da tái, quấy khóc, khó chịu, phát ban, sốt cao.
  • Trẻ bị bầm tím hoặc được chẩn đoán mắc bệnh về máu, gan thận hoặc đang điều trị bằng thuốc chống đông máu.
  • Trẻ bị tai nạn, chấn thương ở đầu, mũi và chảy máu.
điều trị chảy máu mũi ở trẻ
Khi chảy máu mũi ở trẻ kèm các dấu hiệu khác, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra

4. Phòng ngừa chảy máu mũi ở trẻ nhỏ

Nếu xác định nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu mũi là do viêm mũi, cha mẹ cần điều trị bệnh viêm mũi cho trẻ ngay và lưu ý không để trẻ tự ngoáy mũi vì có thể gây nhiễm khuẩn ở mũi và dẫn đến chảy máu.

Nếu thấy trẻ bị chảy máu mũi tái phát nhiều lần, nên đưa trẻ thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân gây bệnh, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp, hạn chế chảy máu mũi ở trẻ.

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng 2 lần/tuần để giữ mũi luôn sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn. Tránh sử dụng nước muối sinh lý thường xuyên, vì có thể làm khô hoặc mất lớp nhầy bảo vệ niêm mạc mũi.

Nếu trẻ bị chảy máu mũi khi thời tiết khô lạnh, cha mẹ cần lưu ý tăng độ ẩm trong nhà, nơi sinh hoạt của trẻ để duy trì độ ẩm cho mũi. Khi thấy trẻ bị chảy máu mũi, cha mẹ cần bình tĩnh để xử trí cầm máu mũi cho trẻ đúng cách. Nếu sau khi xử trí mà trẻ không hết chảy máu mũi, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan