Cấp cứu ngừng tuần hoàn trẻ em

Tình trạng ngừng tim ngừng thở ở trẻ em thường là hậu quả của chấn thương mạnh hoặc một số bệnh lý như tim bẩm sinh. Trẻ cũng có thể ngừng tim ngừng thở do bị đuối nước, ngạt thở, điện giật, ngộ độc, sốc phản vệ... Trong các trường hợp này, việc cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em là vô cùng quan trọng.

1. Nhận biết ngừng tuần hoàn ở trẻ em

Ở trẻ gặp tình trạng nguy hiểm thì nhịp tim chậm là dấu hiệu của hiện tượng ngừng tim. Trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thường có sự xuất hiện của nhịp chậm, trong khi trẻ lớn hơn thường có nhịp tim nhanh.

Trẻ nhũ nhi hoặc trẻ em có nhịp tim dưới 60 lần/phút và dấu hiệu tưới máu kém mà không cải thiện khi được sự hỗ trợ hô hấp nên được ép tim.

Chẩn đoán ngừng tim, ngừng thở ở trẻ em dựa vào:

  • Trẻ hôn mê, lay gọi không tỉnh.
  • Quan sát lồng ngực trẻ không thấy di động.
  • Kiểm tra mạch trung tâm không bắt được. Đối với trẻ nhũ nhi bắt mạch khuỷu, mạch bẹn; còn với trẻ lớn hơn cần kiểm tra mạch cổ hoặc mạch bẹn.

2. Ép tim trong cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em

Khi ép tim cho trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, ngực phải được ép xuống sâu đến 1⁄3 đường kính trước sau của lồng ngực, tức là khoảng 4 - 5 cm. Ở thanh thiếu niên hoặc trẻ em > 55kg, độ sâu khi ép tim được đề nghị tương tự như ở người lớn, tức là từ 5 - 6 cm.

Phương pháp ép tim cũng khác nhau đối với trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Tần số ép tim ở trẻ nhũ nhi và trẻ em tương tự như ở người lớn, đó là từ 100 đến 120 lần/phút.

Ép tim bằng cách dùng ngón tay cái ép trực tiếp lên vị trí ép tim, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi nhỏ có thể vòng tay quanh ngực. Ngón tay cái 2 bên nên chồng chéo nhau đối với trẻ nhũ nhi rất nhỏ. Ngón tay của bạn nên được duy trì ở vị trí thẳng đứng trong khi ép tim.

Đối với trẻ từ 1 - 8 tuổi, dùng 1 bàn tay của bạn để ép tim cho trẻ. Với trẻ trên 8 tuổi, sử dụng cả 2 bàn tay như ép tim cho người lớn.

Vị trí tay để ép tim cho trẻ em:

  • Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi): Vị trí để tay ép tim nằm ở trên xương ức, dưới đường nối 2 vú một khoát ngón tay.
  • Đối với trẻ trên 1 tuổi: Vị trí để tay ép tim ở trên mỏm xương ức 1 khoát ngón tay với trẻ 1 - 8 tuổi và 2 khoát ngón tay với trẻ trên 8 tuổi.
cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em
Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em là vô cùng quan trọng, cần tiến hành ngay

3. Thông khí trong cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em

Cấu trúc đường hô hấp trên ở trẻ em theo từng độ tuổi rất khác. Đầu trẻ có kích thước lớn với mặt hàm dưới và lỗ mũi ngoài nhỏ, cổ ngắn. Kích thước lưỡi trẻ tương đối lớn so với miệng, thanh quản của trẻ nằm cao hơn ở cổ và có góc cạnh phía trước.

Nắp thanh quản của trẻ dài và phần hẹp nhất của khí quản nằm ở phía dưới dây thanh tại sụn giáp, điều này cho phép sử dụng các ống nội khí quản không cuff.

Nếu không dụng cụ hỗ trợ đường thở tại chỗ, ở trẻ nhũ nhi và trẻ em hồi sinh tim phổi thì tỷ lệ ép tim - thông khí sẽ là 30:2 nếu chỉ có một người cứu hộ duy nhất, còn nếu có nhiều hơn một người cứu hộ thì tỷ lệ này là 15:2.

Với đường thở nâng cao tại chỗ, cứ mỗi 6 giây lại bóp bóng 1 lần (10 lần/phút) cho trẻ nhũ nhi, trẻ em và người lớn.

4. Liều Adrenalin trong cấp cứu ngừng tuần hoàn trẻ em

Sau khi được cung cấp oxy và thông khí thỏa đáng, Epinephrin (Adrenalin) là thuốc được lựa chọn. Liều epinephrine là 0,01 mg/kg truyền tĩnh mạch, có thể được lặp lại mỗi 3 đến 5 phút.

Amiodarone 5 mg/kg truyền tĩnh mạch nhanh có thể được dùng nếu khử rung không thành công sau khi dùng Epinephrine. Thuốc này có thể được lặp đi lặp lại tới 2 lần đối với rung thất (VF) hoặc nhịp nhanh thất vô mạch (VT).

Nếu không có Amiodarone thì có thể dùng Lidocain tiêm tĩnh mạch liều 1mg/kg, sau đó truyền tĩnh mạch từ 20 đến 50 mcg/kg/phút.

cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em
Tỷ lệ sống của bệnh nhi sẽ phụ thuộc vào việc cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em sớm hay muộn

5. Kiểm soát nhiệt độ trong cấp cứu ngừng tuần hoàn trẻ em

Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ có khả năng mất nhiệt cao hơn so với trẻ lớn, nguyên nhân là do diện tích bề mặt lớn so với khối lượng cơ thể và mô dưới da. Một môi trường có nhiệt độ bên ngoài trung tính là rất quan trọng trong suốt quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn ở trẻ em và sau khi hồi sinh.

Tình trạng hạ thân nhiệt với nhiệt độ lõi < 35°C khiến cho quá trình hồi sinh tim phổi khó khăn hơn.

Tóm lại, ngừng tim ngừng thở ở trẻ thường do bị đuối nước, ngạt thở, điện giật, sốc phản vệ... Tỷ lệ sống của bệnh nhi sẽ phụ thuộc vào việc cấp cứu ngừng tuần hoàn sớm hay muộn. Do đó, kỹ thuật này rất quan trọng trong trường hợp trẻ bị ngừng tim ngừng thở.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan