Cách xử lý chứng trào ngược của trẻ sinh non

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Thanh đã có thời gian công tác 25 năm trong điều trị các bệnh lý Nhi sơ sinh.

Nhiều trẻ sinh non được chẩn đoán mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Sự non nớt về thể chất và cách cho trẻ ăn cũng đóng một vai trò trong hội chứng này. Vậy bố mẹ cần làm gì để xử lý chứng trào ngược ở trẻ sinh non.

1. Nguyên nhân dẫn đến chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sinh non

Trào ngược xảy ra do sự giãn nhất thời của cơ thắt thực quản dưới (LES), đây là một vòng cơ tròn nằm ở phần cuối của thực quản mở ra một cách tự nhiên để thức ăn đi vào dạ dày, nhưng sau đó thắt chặt và đóng lại để ngăn chặn tất cả mọi thứ có chứa trong dạ dày trào ngược lên thực quản.

Trào ngược xảy ra khi LES không đóng hết (giãn ra), cho phép các chất trong dạ dày của trẻ trào lên thực quản với số lượng nhỏ hoặc lớn, mà đôi khi có thể nhìn thấy được như trẻ khạc ra hoặc nôn trớ.

Sự thư giãn thoáng qua của LES thực ra là một hiện tượng bình thường, nhưng nó có thể xảy ra với tần suất cao hơn ở trẻ sinh non do trẻ nhận được lượng thức ăn lỏng tương đối lớn trong khi trẻ nằm ngửa.

Với tư thế cho trẻ bú nằm ngửa, thay vì cho phép trọng lực kéo sữa vào dạ dày, một phần sữa lại nằm ở vị trí nối dạ dày thực quản. Ở đây, sữa dễ trào ngược trở lại thực quản hơn khi LES giãn ra.

Trẻ có thực quản ngắn hơn và hẹp hơn, làm thay thế LES, cũng có thể góp phần gây trào ngược ở trẻ sinh non.

Trẻ sinh non 28 tuần
Trẻ sinh non rất dễ bị chứng trào ngược dạ dày

2. Các triệu chứng và biến chứng của chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sinh non

Có nhiều triệu chứng do chứng trào ngược dạ dày thực quản (GER) ở trẻ sinh non, chẳng hạn như:

  • Trẻ rất khó chịu.
  • Từ không chịu ăn hoặc chỉ bú rất ít.
  • Nghẹt thở, nôn trớ ở trẻ sinh non hoặc ho khi bú.
  • Dấu hiệu khó chịu khi bú như cong lưng hoặc nhăn mặt.
  • Thường xuyên và/hoặc nôn ói dữ dội.

Ngoài các triệu chứng trên, GER có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau, bao gồm chậm phát triển, viêm thực quản và hít vào phổi (lung aspiration).

Nghiên cứu cho thấy trẻ sinh non mắc GER có thời gian nằm viện lâu hơn so với trẻ sinh non không bị GER. Một số biến chứng trên có thể góp phần làm cho những lần trẻ phải nhập viện lâu hơn.

Bé 4 tháng tuổi lười bú sữa kèm theo chậm tăng cân là bệnh gì?
Khi bị trào ngược trẻ có thể bú ít hoặc không bú

3. Chẩn đoán và điều trị trào ngược ở trẻ sinh non

3.1. Chẩn đoán chứng trào ngược ở trẻ sinh non

Hầu hết các trường hợp GER ở trẻ sinh non đều được chẩn đoán lâm sàng, có nghĩa là bác sĩ sẽ đánh giá trẻ về các triệu chứng điển hình của GER và cũng loại trừ các lý do và chẩn đoán do bệnh lý khác (ví dụ, dị ứng đạm sữa bò, táo bón, nhiễm trùng hoặc rối loạn thần kinh).

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị dùng thử thuốc ức chế axit cho trẻ để chẩn đoán.

Ít phổ biến hơn, các xét nghiệm chẩn đoán như đo pH thực quản và theo dõi nhiều trở kháng trong miệng được sử dụng để chẩn đoán GER ở trẻ sinh non. Những xét nghiệm này có thể khó thực hiện về mặt kỹ thuật và kết quả có thể khó giải thích.

  • Đầu dò pH thực quản: Xét nghiệm này yêu cầu đặt một ống mỏng gọi là ống thông qua mũi của trẻ để đi vào phần dưới thực quản của trẻ. Ở đầu ống thông là một cảm biến, có thể đo độ pH của chất chứa trong dạ dày. Thông tin này được ghi lại trong khoảng thời gian 24 giờ trên màn hình được kết nối với ống thông.
  • Kháng trở nội tâm mạc (Multiple Intraluminal Impedance): GER được phát hiện bằng những thay đổi đo được trong điện trở của một bơm chất lỏng, khi chất lỏng di chuyển giữa hai điện cực nằm trên ống thông. Thông tin này có thể giúp xác định xem chất lỏng đang di chuyển ngược dòng (được nuốt và đi về phía dạ dày) hay ngược dòng (bị trào ngược trở lại từ dạ dày).

3.2. Điều trị chứng trào ngược ở trẻ sinh non

Mục tiêu của việc điều trị GER là giữ cho các chất trong dạ dày ở trong dạ dày và không di chuyển lên thực quản. Có nhiều tùy chọn để trợ giúp việc này.

Mặc dù thuốc có thể được khuyến nghị nhưng thường chỉ được chỉ định sau khi thử các biện pháp can thiệp không dùng thuốc trước.

Tư thế: Sau khi cho trẻ bú, nhiều bác sĩ nhi khoa khuyên bố mẹ nên giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng càng nhiều càng tốt. Giữ trẻ ở tư thế nằm sấp và nghiêng trái cũng có thể có hiệu quả, nhưng chỉ khi trẻ tỉnh táo và được theo dõi chặt chẽ.

Khi ngủ, trẻ cần nằm ngửa, bất kể bé có bị GER hay không. Ngoài ra, trẻ nên ngủ trên một tấm đệm phẳng và chắc chắn, không kê gối, chăn, đồ chơi hoặc đệm. Hơn nữa, theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, không nên sử dụng các thiết bị dùng để nâng đầu cũi trẻ em. Do các thiết bị này không hiệu quả trong việc giảm GER và còn nguy hiểm, vì chúng làm tăng nguy cơ trẻ lăn để thay đổi tư thế có thể gây khó thở.

Sữa mẹ và sữa công thức: Đôi khi, trào ngược có thể liên quan đến việc trẻ không dung nạp một số loại protein trong sữa của mẹ. Những bà mẹ đang cho con bú sữa mẹ bị trào ngược có thể được khuyên loại bỏ một số loại thực phẩm có nguyên nhân phổ biến liên quan đến trào ngược như sữa, trứng, đậu nành hoặc một số loại thịt vì những protein này có thể đi qua sữa mẹ.

Khi trẻ bị trào ngược được bú sữa công thức, điều tương tự cũng có thể xảy ra khi một thứ gì đó trong sữa công thức có thể gây ra tình trạng tiêu hóa kém hoặc gây khó chịu cho con bạn. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị một loại sữa công thức thuỷ phân tích cực (extensively-hydrolyzed formula).

Về mặt kỹ thuật, những công thức này dành cho những trẻ không thể tiêu hóa hoặc bị dị ứng với đạm sữa bò, đồng thời chúng cũng có thể giúp giảm các triệu chứng ở trẻ bị GER.

Điều chỉnh việc cho trẻ ăn: Nghiên cứu cho thấy rằng việc cho ăn với khối lượng nhỏ thường xuyên hơn có thể hữu ích với trẻ mắc hội chứng trào ngược. Đôi khi, bố mẹ được khuyên sử dụng các chất làm đặc như bột ngũ cốc thêm vào sữa, với lý do là chất lỏng đặc hơn khó trào ngược và đi ra khỏi dạ dày. Tuy nhiên, phương pháp này ngày càng ít được sử dụng do lo ngại về nguy cơ tăng nguy cơ viêm ruột hoại tử (NEC) ở trẻ sinh non. Trên thực tế, hiện nay người ta khuyến cáo không nên sử dụng các chất làm đặc, chẳng hạn như xanthan gum ở trẻ sinh non hoặc thiếu tháng trong năm đầu đời.

Trẻ bú sữa công thức có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn so với trẻ bú mẹ
Thành phần trong sữa công thức có thể là nguyên nhân gây trào ngược ở trẻ

Sử dụng thuốc: Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thuốc ức chế axit không làm giảm các triệu chứng của GER. Chúng cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh non phát triển các biến chứng rất nghiêm trọng, bao gồm viêm ruột hoại tử (NEC), nhiễm trùng huyết, viêm phổinhiễm trùng đường tiết niệu. Tác dụng phụ có thể xảy ra do thuốc vô tình làm thay đổi vi khuẩn "tốt" sống trong đường ruột của trẻ .

Do đó, hiệu quả và độ an toàn đáng nghi ngờ của các loại thuốc ức chế axit này cần hạn chế việc sử dụng chúng.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế axit nếu các liệu pháp không dùng thuốc không hữu ích. Có hai loại thuốc chính được sử dụng để điều trị GER ở trẻ sinh non:

  • Thuốc chẹn thụ thể histamine-2: Ví dụ, Pepcid (famotidine)
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Ví dụ: Prilosec (omeprazole) hoặc Nexium (esomeprazole)

Cả hai loại thuốc (thông qua các cơ chế khác nhau) đều có tác dụng giảm tiết axit trong dạ dày. Điều đó có nghĩa là trào ngược vẫn xảy ra, nhưng nó không gây tổn hại đến thực quản.

Phẫu thuật: Fundoplication là một loại phẫu thuật trong đó phần trên dạ dày của trẻ được quấn quanh LES, kỹ thuật này thường chỉ được chỉ định nếu trẻ không đáp ứng với thuốc và tình trạng trào ngược của trẻ có liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng (đôi khi đe dọa tính mạng). Những biến chứng này có thể bao gồm:

  • Viêm phổi hít phải tái phát
  • Trẻ có ngưng thở
  • Nhịp tim chậm
  • Loạn sản phổi phế quản
  • Nôn ói nghiêm trọng
  • Chậm phát triển
  • Viêm thực quản
  • Hẹp thực quản

Phẫu thuật Fundoplication có thể được thực hiện ở trẻ sơ sinh rất nhỏ và nhỏ. Trong các nghiên cứu cho thấy, phẫu thuật này đã được thực hiện ở trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi và nặng khoảng 2.000 gram.

Sử dụng thuốc như các loại kháng sinh, NSAID...cũng có thể gây tăng bạch cầu ái toan tại đường tiêu hoá
Sử dụng thuốc không được bác sĩ chỉ định có thể làm tăng nguy cơ ở trẻ sơ sinh

4. Khi nào đến gặp bác sĩ?

GER rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non và thường tự khỏi. Vì vậy, nếu em bé nôn ói nhiều nhưng vẫn vui vẻ và tăng trưởng đều đặn thì bố mẹ có thể an tâm, triệu chứng nôn ói sẽ giảm dần và biến mất.

Mặc dù, GER có thể gây khó chịu, nhưng việc trẻ sinh non thường xuyên nôn ói không được phát hiện có thể gây ra các vấn đề về tăng trưởng hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, nếu trẻ có các dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng lo ngại hơn, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám, đặc biệt nếu trẻ có các triệu chứng như:

  • Không muốn ăn
  • Bị nghẹn khi nôn ói
  • Trẻ sinh non bị trớ thường xuyên
  • Biểu hiện sự khó chịu khi bú (ví dụ: khóc hoặc cong lưng)
  • Không tăng cân.

Trào ngược dạ dày thực quản là căn bệnh phổ biến ở trẻ, vì thế, nếu thấy tình trạng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, mẹ cần sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để phòng tránh triệu chứng đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày, cha mẹ nên bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, verywellhealth.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan