Cách tập cho trẻ ăn cơm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Thường thì sau khi được 19 tháng tuổi, khi mà trẻ có từ 16 răng sữa trở lên, bạn có thể bắt đầu tập cho trẻ làm quen với cơm nhão để bé cứng cáp, khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc tập cho trẻ ăn cơm chưa bao giờ là điều dễ dàng.

1. Khi nào tập cho trẻ ăn cơm?

Tập cho trẻ ăn cơm cũng là một bước tiến chứng tỏ trẻ đã lớn. Nhưng không phải vì vậy mà bạn cho trẻ ăn quá sớm hay quá muộn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Vì khi trẻ chưa có đủ răng để có thể nhai và nghiền nát thức ăn, thì việc ăn cơm sẽ làm cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ bị tổn thương. Ngược lại, nếu bạn tập cho trẻ ăn cơm quá muộn, trẻ sẽ khó thích nghi với việc ăn nhai, thậm chí trẻ sẽ biếng ăn khiến cho bạn vất vả hơn trong quá trình tập cho trẻ ăn.

Theo các chuyên gia y tế, thường sau 19 tháng tuổi, khi trẻ đã có ít nhất 16 chiếc răng sữa, bạn có thể cho trẻ làm quen với cơm nhão tán nhuyễn. Đến khi trẻ được 24 tháng tuổi và có khoảng 20 răng sữa thì có thể tập cho trẻ ăn cơm mềm vì lúc này bé đã biết cắn, nhai để nghiền nát thức ăn trước khi nuốt chúng xuống dạ dày.

Sau khi trẻ được 30 tháng tuổi, bạn có thể cho trẻ ăn cơm hạt bình thường tuy nhiên bạn nên chọn lọc các loại thức ăn dễ nhai nuốt hoặc băm nhỏ thức ăn cho trẻ.

Khi bạn lựa chọn đúng thời điểm để tập cho bé ăn cơm, trẻ sẽ hứng thú với việc ăn uống, bởi vì với trẻ mỗi bữa ăn đều là một buổi học thú vị, trẻ được khám phá các mùi vị khác nhau, khám phá thế giới ẩm thực vô cùng phong phú mà cháo hay bột ăn dặm không thể thỏa mãn trẻ.

2. Tập cho trẻ ăn cơm đúng cách như thế nào?

Bên cạnh việc lựa chọn đúng thời điểm, bạn cũng cần lưu ý đến cách cho trẻ ăn, bởi vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý hào hứng với đồ ăn và thói quen ăn uống về sau của trẻ.

Các giai đoạn ăn của một đứa trẻ bình thường là ăn bột, ăn cháo nhuyễn, ăn cháo đặc, rồi đến ăn cơm nát, cuối cùng là cho trẻ ăn cơm hạt bình thường như người lớn. Vì vậy, bạn nên cho trẻ tập ăn cơm nát trước tiên để bé thích nghi dần.

Ở giai đoạn làm quen, bạn không nên nóng vội ép trẻ ăn nhiều. Nên cho trẻ ăn từng chút một và tăng dần số lượng lên. Cũng có thể cho trẻ ăn mỗi ngày một bữa cơm kết hợp với ăn cháo như cũ, trong tuần đầu sau đó mới thay thế hoàn toàn cháo.

Cho bé ăn cơm
Ở giai đoạn đầu, bạn không nên cho bé ăn cơm quá nhiều

Để tạo thói quen ăn uống tự giác cho trẻ, mỗi bữa ăn bạn chỉ nên kéo dài trong 30 phút. Nếu trẻ ngậm không nuốt hoặc không hứng thú với đồ ăn, thì bạn không nên ép, làm như vậy sẽ gây ra sự ức chế và chán ăn hơn cho trẻ.

Trong giai đoạn tập ăn, bạn có thể phải chấp nhận “hy sinh” không thể cho trẻ ăn đủ số lượng như mong muốn và trẻ có thể sụt cân. Lúc này, bạn cũng nên cứng rắn, không nên xót con mà cần phải có sự thống nhất trong cách tập ăn cho bé với thành viên khác trong gia đình để rèn luyện thói quen tự giác cho trẻ.

Bạn cần ghi nhớ điều quan trọng là phải tạo niềm vui để trẻ thích ăn, thèm ăn. Khi tập cho bé ăn cơm, bạn cần rất kiên nhẫn, không được nóng vội bắt trẻ ăn cơm hạt ngay sẽ khiến trẻ sợ hãi và không dám ăn cơm về lâu dài.

3. Những lưu ý bạn cần nhớ khi tập cho trẻ ăn cơm

Sai lầm phổ biến mà nhiều bà mẹ mắc phải đó là thường nghiền cơm thật nhuyễn rồi chan nước canh vào. Cách làm này khiến cho trẻ rất dễ chán và không khuyến khích được cử động nhai ở trẻ.

Trước các bữa ăn, bạn không được cho bé ăn bánh kẹo, uống sữa... Ðường ngọt sẽ làm cho trẻ có cảm giác no giả nên không muốn ăn cơm hay các thức ăn khác nữa.

Ăn cơm cũng giống như ăn dặm, bạn cần cho bé ăn đủ chất. Mỗi bữa ăn của trẻ nên có đủ tinh bột (cơm), chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu hũ...) và rau xanh.

Thực phẩm nhóm chất đạm cần được chế biến mềm, thái miếng nhỏ. Thực phẩm nhóm rau xanh cần mềm, màu sắc đẹp để thu hút trẻ, giàu chất xơ, giàu vitamin. Thực phẩm nhóm chất béo cần chọn lựa theo sở thích của trẻ, theo điều kiện kinh tế gia đình.

Khi tập cho bé ăn cơm, bạn cần linh hoạt trong việc sử dụng đầy đủ chất béo trong quá trình chế biến các món ăn, để đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng rất lớn của trẻ trong những năm đầu đời.

Cho bé ăn cơm
Đừng để bé ăn vặt trước khi ăn cơm, tránh để trẻ bị no giả

Để trẻ không sợ đồ ăn, bạn nên lựa chọn hoặc chế biến thức ăn phù hợp với sức nhai của trẻ. Nên hầm hoặc nấu mềm đồ ăn hơn so với việc chế biến cho người lớn hoặc băm nhỏ trước khi chế biến. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế dùng máy xay khiến thức ăn quá nát, vụn. Như vậy trẻ sẽ không được thưởng thức đúng hương vị của thức ăn và mất phản xạ nhai mà bạn đang luyện tập cho bé.

Ở giai đoạn tập ăn, bé sẽ rất hứng thú khi được nếm thử các món ăn mới. Vì vậy, bạn cũng nên thường xuyên thay đổi cách chế biến để tạo cảm giác ngon miệng. Để đảm bảo trẻ được ăn đủ chất, bạn cũng nên bổ sung các bữa ăn phụ với hoa quả, sữa chua, váng sữa cho trẻ mỗi ngày. Ngoài ra, bạn nên cho trẻ uống đủ nước để hấp thu tốt các chất dinh dưỡng từ đồ ăn và đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.

Khi nấu cơm bình thường cho cả gia đình, bạn có thể chọn ra một phần dùng muỗng đánh nhẹ làm cho vỡ hạt cơm ra rồi sau đó đem chưng trong nồi cơm một lần nữa. Hoặc bạn có thể có thể để nghiêng nồi cơm về một bên để có được một phần cơm hơi nhão hơn cho trẻ.

Một vấn đề phổ biến mà các bà mẹ thường mắc phải khi tập cho trẻ ăn cơm hạt đó là tỏ ra căng thẳng khi trẻ không thích ăn cơm, chỉ thích ăn mì, bún... Theo các chuyên gia, không nên để không khí gia đình quá căng thẳng vì bữa ăn của trẻ, để cho bé tự lựa chọn thứ mà mình thích.

Nếu trẻ không thích ăn cơm, bạn có thể cho trẻ ăn các món khác cơm nhưng vẫn đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Như nếu trẻ thích ăn mì thì bạn có thể cho thêm chả, xúc xích, trứng để đảm bảo có chất đạm, sau đó cho trẻ ăn thêm rau, trái cây.

Bạn cần kiên trì để dỗ cho bé ăn cơm dù chỉ là một ít trước rồi mới cho trẻ ăn các món trẻ thích sau để duy trì thói quen ăn cơm. Một biện pháp giúp trẻ biết ăn cơm và thức ăn khác đó là cho trẻ tự xúc và ngồi ăn chung trong bữa cơm gia đình. Hãy để trẻ tự xúc những gì trẻ muốn, kể cả bốc thức ăn, không ép trẻ ăn những gì trẻ không muốn.

Ngoài ra, để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa... bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),...

Cũng theo các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng khuyến cáo, trẻ ở độ tuổi này cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học, cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan