Các tác dụng phụ khi cho trẻ uống sắt

Sắt là một nguyên tố vi lượng quan trọng, giúp cơ thể sản xuất các tế bào hồng cầu. Khi bị thiếu sắt, trẻ có thể được bổ sung các chế phẩm có chứa sắt. Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ khi cho trẻ uống sắt mà các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm.

1. Cơ chế hấp thụ sắt từ các chế phẩm bổ sung

Chất sắt là thành phần dinh dưỡng thiết yếu đối với mọi đối tượng, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em. Bên cạnh việc sử dụng thực phẩm có chứa sắt, những trẻ bị thiếu sắt sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thêm các chế phẩm bổ sung sắt.

Cơ chế hấp thụ sắt như sau: Quá trình hấp thu sắt bắt đầu ở dạ dày, nhưng chủ yếu ở hành tá tràng, một phần nhỏ còn lại ở đoạn đầu ruột non. Để cơ thể hấp thu được, sắt từ dạng ferric Fe3+ sẽ chuyển thành dạng ferrous Fe2+.

Đối với những trường hợp thiếu sắt, một lượng lớn sắt sẽ được hấp thu qua diềm bàn chải, đi tới tế bào niêm mạc ruột, máu và đến tĩnh mạch cửa. Khi cơ thể thừa sắt thì lượng sắt hấp thu sẽ giảm bớt.

2. Một số tác dụng phụ khi cho trẻ uống sắt

Bổ sung sắt với liều lượng không phù hợp hoặc lạm dụng sắt trong một thời gian dài là nguyên nhân gây ra nhiều tác dụng phụ. Phần lớn các tác dụng phụ khi uống sắt đều có thể kiểm soát hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, việc lạm dụng sắt trong thời gian dài có thể hình thành nhiều bệnh lý nguy hiểm.

2.1 Tác dụng phụ tại thời điểm uống sắt

Không phải mọi trẻ em đều gặp các tác dụng phụ khi uống sắt. Tuy nhiên, do cơ địa, loại thuốc đang uống kèm (nếu có), tình trạng sức khỏe,... mà chất sắt bổ sung có thể gây ra những tác dụng phụ tạm thời ở trẻ như:

  • Nhóm triệu chứng tiêu hóa: Tiêu chảy, táo bón, ăn không ngon miệng, đi ngoài phân có lẫn máu, màu đen đậm hoặc có mùi bất thường. Đây có thể là biểu hiện của tình trạng trẻ uống sắt bị nóng trong;
  • Nhóm triệu chứng dị ứng: Nổi mề đay gây ngứa ngáy, phát ban đỏ, khó thở, sưng mặt/môi/miệng,...;
  • Biểu hiện khác: Sốt cao, nôn mửa sau vài giờ uống sắt.

2.2 Tác dụng phụ khi lạm dụng sắt

Tác dụng phụ khi cho trẻ uống sắt quá nhiều, trong thời gian dài bao gồm:

  • Tổn hại chức năng gan: Lượng sắt trong cơ thể nếu không được kiểm soát thì sẽ làm gia tăng áp lực lên gan. Lúc này, quá trình oxy hóa gan sẽ diễn ra mạnh hơn so với bình thường, gây tổn thương, mô sẹo ở gan. Đây là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan, đặc biệt là bệnh suy gan và ung thư gan;
  • Mắc bệnh liên quan tới hệ tim mạch: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ sắt trong cơ thể ở mức quá cao có thể gây ra nhiều vấn đề như rối loạn nhịp tim, suy tim,.... Ngoài ra, dư thừa sắt còn gây ảnh hưởng tới việc bơm máu, lưu thông máu trong cơ thể trẻ;
  • Gây viêm khớp: Lượng sắt dư thừa lâu ngày mà không được đào thải ra khỏi cơ thể có thể tồn đọng ở các khớp xương, gây tổn thương, viêm nhiễm tại các mô. Nếu không phát hiện và điều trị sớm thì bệnh nhi có thể bị viêm khớp hoặc gặp những biến chứng nguy hiểm khác;
  • Thay đổi sắc tố da: Những trẻ có nồng độ sắt trong cơ thể vượt quá mức cho phép thường có màu da sạm đen, bạc màu, nhạy cảm khi tiếp xúc với tia cực tím,... Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do lượng sắt dư thừa di chuyển từ máu tới các mô trong cơ thể, lưu lại ở tế bào da;
  • Tổn thương buồng trứng ở trẻ gái: Khi uống sắt quá liều thường ngày, các trẻ em gái có thể gặp những biến chứng nguy hại ở buồng trứng. Đây là tác dụng phụ khi cho trẻ uống sắt khá thường gặp. Biểu hiện có thể là dậy thì muộn hoặc rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, trứng không rụng,...;
  • Gây bệnh tiểu đường: Uống sắt quá liều có thể hình thành bệnh tiểu quá đường. Cụ thể, lượng sắt dư thừa tích tụ lâu ngày ở tụy sẽ gây cản trở quá trình tổng hợp insulin. Từ đó, bệnh nhi bị gia tăng lượng đường trong máu, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường;
  • Dễ mắc bệnh viêm nhiễm: Nhiều bệnh nhi lạm dụng sắt dẫn đến dư thừa thường có triệu chứng mắc các bệnh truyền nhiễm mãn tính. Điều này là do sắt có vai trò vận chuyển oxy cho cơ thể. Dư thừa sắt tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh sôi, phát triển của vi khuẩn;
  • Mắc một số bệnh lý liên quan tới thần kinh: Bệnh Parkinson, Alzheimer, ADHD, tinh thần không ổn định, sợ hãi, mệt mỏi, kích động,...

3. Lưu ý khi cho trẻ uống sắt

Để phòng ngừa các tác dụng phụ khi cho trẻ uống sắt, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

  • Chọn mua chế phẩm bổ sung sắt ở những cơ sở uy tín, chất lượng. Không được sử dụng sản phẩm chưa qua kiểm định hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ;
  • Thận trọng, xin ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng sắt bổ sung cho trẻ có tiền sử dị ứng với sắt hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác;
  • Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi hoặc đang mắc một số bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa như viêm đại tràng, viêm dạ dày, loét túi thừa,... chỉ được sử dụng sắt bổ sung khi có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ;
  • Cha mẹ nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc mà trẻ đang sử dụng, đặc biệt là nhóm thuốc kháng sinh, thuốc điều trị các bệnh ở tuyến giáp;
  • Nên cho trẻ uống sắt trong bao lâu? Cha mẹ nên xin ý kiến bác sĩ về liều lượng, thời gian dùng sắt bổ sung cho trẻ;
  • Không cho trẻ uống sắt khi đang nằm. Nên cho bé uống sắt trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ (khi bụng đói);
  • Không dùng sắt dạng viên nén, viên nang cho trẻ em dưới 12 tuổi. Trẻ em nên dùng thuốc giọt hoặc siro;
  • Trong trường hợp trẻ sử dụng sắt quá liều hoặc xuất hiện những dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.

Các tác dụng phụ khi cho trẻ uống sắt hoàn toàn có thể xảy ra nếu lạm dụng sắt với liều lượng cao, trong thời gian dài. Do đó, các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng chế phẩm bổ sung sắt để hạn chế những tác dụng phụ nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan