Các mốc quan trọng về xã hội, nhận thức và thể chất của trẻ 3 đến 4 tuổi

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều háo hức chờ đợi những cột mốc quan trọng của trẻ 3 - 4 tuổi. Về mặt xã hội, bé tự tin và thoải mái hơn, có các mối quan hệ bạn bè mới và bắt đầu tham gia chơi trong nhóm nhỏ. Vậy trẻ 3 tuổi và trẻ 4 tuổi biết những gì?

1. Các mốc phát triển nhận thức của trẻ

1.1. Nói chuyện

Đến 3 tuổi, con bạn đã có thể nói được hầu hết mọi thứ. Vậy trẻ 4 tuổi biết những gì? Nhìn chung trẻ mẫu giáo 4 tuổi có thể:

  • Nói thành câu bằng 5 từ trở lên;
  • Có thể trả lời những câu hỏi đơn giản và phát âm đủ tốt để những người lạ hiểu được;
  • Bắt đầu sử dụng từ “đã / rồi” trước và sau các động từ để thể hiện thì quá khứ (“con ăn rồi”);
  • Trẻ 3 - 4 tuổi sẽ có thể hiểu một câu gồm 2 - 4 phần, chẳng hạn như “Nhặt tờ giấy lên, gấp lại và đưa cho mẹ.”

Ở độ tuổi này, trẻ thường trôi chảy và dễ dàng mà không cần lặp lại các từ, tuy nhiên bé vẫn có thể phát âm sai một số từ. Bạn không cần phải lo lắng vì có nhiều trẻ em nói ngọng và hầu hết sẽ tự hoàn thiện mà không cần can thiệp.

Tật nói lắp cũng khiến các bậc cha mẹ lo lắng, nhưng đây là giai đoạn bình thường mà nhiều trẻ phải trải qua. Con bạn đang phát triển vượt bậc về kỹ năng ngôn ngữ, vì vậy bé có thể gặp khó khăn khi ghép các câu lại với nhau một cách trôi chảy. Bộ não của con đang cố gắng tạo ra các từ phù hợp theo đúng thứ tự. Do đó trong quá trình này, bé có thể lặp lại từ.

Một số chuyên gia suy đoán rằng trẻ em có thể thụt lùi một bước trước khi học một kỹ năng mới. Nói cách khác, não bộ sẽ nghỉ ngơi trước khi thực hiện một bước nhảy vọt. Bạn có thể nhận thấy con mình nói lắp nhiều hơn khi mệt mỏi, phấn khích hoặc khó chịu. Hầu hết trẻ em sẽ tự vượt qua mà không cần can thiệp.

Khi nói chuyện cần cho trẻ 5-7 giây để suy nghĩ
Đến 3 tuổi, con bạn đã có thể nói được hầu hết mọi thứ

1.2. Bố mẹ có thể làm gì?

  • Đọc sách cho con là một cách tuyệt vời để tăng cường kỹ năng ngôn ngữ của trẻ. Bác sĩ nhi khoa cho biết: Sách giúp trẻ tăng thêm vốn từ vựng, hiểu ngữ pháp và liên kết ý nghĩa với hình ảnh.
  • Tương tự, nói chuyện với con cũng rất hữu ích. Nhiều bậc cha mẹ nhận thấy giờ ăn và giờ đi ngủ là cơ hội tuyệt vời để trò chuyện. Đây có thể là những khoảng dừng duy nhất trong một ngày bận rộn để bạn thực sự lắng nghe con mình.
  • Khi trẻ không biết từ hoặc không hiểu một cái gì đó, có thể sẽ hỏi: “... là gì?” Đây là cơ hội để giúp con mở rộng vốn từ vựng của mình, thậm chí bạn nên chủ động giới thiệu những thứ mà con không hỏi.

2. Phát triển xã hội và cảm xúc

2.1. Tách biệt và độc lập

Trẻ em ở độ tuổi này có thể bị dằn vặt giữa việc muốn tự lập và cần sự an toàn, thoải mái trong vòng tay của bố mẹ. Những cột mốc trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi có thể đạt được là:

  • Phát triển tình bạn ngoài tình cảm gia đình, ví dụ như ở trường mầm non;
  • Chơi với những đứa trẻ khác, thay vì chỉ chơi với một bạn ngồi cạnh.

Xung quanh câu hỏi trẻ 3 tuổi biết những gì, các chuyên gia cho biết bé sẽ ít phụ thuộc vào bố mẹ hơn. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy con cảm thấy an toàn, cũng như ý thức về bản thân mạnh mẽ hơn.

2.2. Bố mẹ có thể làm gì?

  • Một chuyên gia cho rằng: Thách thức của việc nuôi dạy con cái là tìm ra sự cân bằng giữa nuôi dưỡng, bảo vệ và hướng dẫn, cho phép con khám phá, thử nghiệm để trở thành một người độc lập. Vì vậy, hãy để con thử điều mới một cách an toàn thay vì can thiệp, làm hộ. Sai lầm này có thể thúc đẩy sự phụ thuộc và làm giảm sự tự tin của trẻ.
  • Ở nhà, bạn nên tìm hiểu xem bé sợ điều gì, chẳng hạn như sợ đi ngủ một mình và sau đó giải quyết nhẹ nhàng, đảm bảo rằng con đang an toàn. Hỏi con về những điều có thể khiến con khó chịu và tìm cách loại bỏ giúp con.
  • Ở lại trường mầm non một lúc trong vài buổi sáng đầu tiên để con cảm thấy thoải mái với khung cảnh xa lạ. Hoặc chỉ cho con đi học trong vài giờ ban đầu và sau đó dần dần tăng lên nửa ngày hoặc cả ngày.
  • Đề nghị con mời những người bạn mẫu giáo về nhà.
  • Ý thức độc lập của trẻ cũng được nuôi dưỡng khi bạn tôn trọng con. Ví dụ, đừng ép buộc con hôn hoặc ôm người khác nếu bé không muốn.
Trẻ 36 tháng biếng ăn
Ý thức độc lập của trẻ cũng được nuôi dưỡng khi bạn tôn trọng con

3. Phát triển thể chất

3.1. Tự chăm sóc bản thân

Càng lớn hơn, trẻ sẽ càng muốn học và tự làm nhiều việc hơn. Mặc dù bé chưa thể thành thạo và hoàn thành xuất sắc, nhưng dạy con cách chăm sóc bản thân là một phần quan trọng trong sự phát triển cá nhân và xã hội của trẻ.

Vào khoảng 3 - 4 tuổi, trẻ mẫu giáo có thể:

  • Sử dụng thìa và nĩa như người lớn;
  • Sử dụng bồn cầu thay vì bô trẻ em, hiếm khi tè dầm trong đêm và bé trai chuyển từ đi vệ sinh ngồi sang đứng;
  • Tự mặc quần áo và đánh răng dưới sự giúp đỡ và giám sát của bố mẹ;
  • Giúp cha mẹ một số việc nhà như nhặt đồ chơi và dọn giường của mình, phụ mẹ khuấy hỗn hợp trong bếp hoặc phụ bố tưới cây.
trẻ đánh răng
Càng lớn hơn, trẻ sẽ càng muốn học và tự làm nhiều việc hơn

3.2. Bố mẹ có thể làm gì?

  • Khuyến khích khi trẻ mẫu giáo thử một kỹ năng mới, nói với con rằng bạn tự hào vì con đã cố gắng (bất kể kết quả như thế nào) và yêu cầu con tiếp tục.
  • Đừng luôn giúp đỡ và làm thay con. Trẻ phải có đủ thời gian để tự mình hoàn thành công việc, theo tốc độ của riêng mình. Cố gắng không tạo áp lực cho con khi chưa sẵn sàng.
  • Quan sát cẩn thận khi con bắt đầu thử những điều chưa từng làm trước đây và giải thích lý do tại sao con không thể làm một số việc nguy hiểm, như bật lò nướng hoặc cắt trái cây bằng dao.

Nhìn chung, các mốc phát triển nhận thức của trẻ, cũng như mặt xã hội và thể chất quan trọng sẽ đạt được trong năm nay. Điều quan trọng là cần nhớ rằng tất cả trẻ sẽ tốc độ phát triển riêng, vì vậy đừng quá lo lắng nếu con bạn đạt được một số trong những cột mốc này sớm hoặc muộn hơn. Bố mẹ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ con, bởi bé luôn cần bạn hướng dẫn, khuyến khích và yêu thương.

Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ là một quá trình dài, vì thế cha mẹ hãy là người bạn đồng hành giúp trẻ phát huy tốt khả năng về thể chất, sự nhận thức cũng như tinh thần của mình.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan