Bé trai phát triển chiều cao đến bao nhiêu tuổi thì dừng?

Sự phát triển chiều cao ở bé trai và bé gái là khác nhau. Giai đoạn dậy thì chính là thời điểm để các bé trai phát triển chiều cao đáng kinh ngạc nhất của mình. Tuy nhiên, độ tuổi bắt đầu dậy thì ở mỗi bé trai là không giống nhau, do đó rất khó để có thể dự đoán chính xác được khi nào trẻ sẽ ngừng phát triển chiều cao.

1. Khi nào các bé trai ngừng phát triển chiều cao?

Dậy thì là một quá trình phát triển và thay đổi diễn ra trong cơ thể khi các bé trai bắt đầu trưởng thành. Giai đoạn dậy thì là khác nhau đối với mỗi người, nó có thể bắt đầu khi trẻ ở độ tuổi từ 8 – 14.

Độ tuổi trung bình mà các bé trai có thể nhận thấy được những dấu hiệu đầu tiên của dậy thì là khoảng 12 tuổi, và thường muộn hơn khoảng 1 năm sau khi các bé gái bắt đầu dậy thì.

Tốc độ phát triển chiều cao nhanh nhất ở các bé trai thường là từ 1 – 2 năm sau khi bắt đầu dậy thì. Trong khi đó, quá trình để trẻ có thể phát triển thể chất thành người trưởng thành sẽ cần từ 2 – 5 năm. Nhìn chung, các bé trai sẽ ngừng phát triển chiều cao vào năm 16 tuổi, và phát triển toàn diện nhất vào năm 18 tuổi.

2. Tuổi dậy thì ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao như thế nào?

Khi bước vào độ tuổi dậy thì, hầu hết các bé trai sẽ trải qua một giai đoạn phát triển đáng kinh ngạc về chiều cao của mình. Tuy nhiên, mỗi bé trai sẽ có tốc độ tăng trưởng chiều cao khác nhau vì tuổi dậy thì của chúng có thể bắt đầu ở những độ tuổi không giống nhau. Thông thường, các bé trai sẽ có xu hướng tăng trung bình khoảng 3 inch, tương đương với 7,6cm vào mỗi năm trong giai đoạn dậy thì.

Nhìn chung, tuổi tác của bé trai trong giai đoạn dậy thì sẽ không ảnh hưởng đến chiều cao cuối cùng mà cậu bé ấy đạt được, tuy nhiên nó sẽ tác động đến thời điểm bắt đầu và ngừng phát triển chiều cao của trẻ.

Tuổi dậy thì ở các bé trai thường được chia thành hai loại chính sau:

  • Dậy thì sớm: Bé trai sẽ bắt đầu dậy thì vào khoảng 11 hoặc 12 tuổi
  • Dậy thì muộn: Bé trai sẽ bắt đầu dậy thì vào khoảng 13 hoặc 14 tuổi.
Trẻ dậy thì
Dậy thì ở bé trai tùy thuộc vào thời điểm lứa tuổi của trẻ

Cả hai loại dậy thì trên đều đạt được chiều cao trung bình như nhau (tính bằng inch), nhưng những cậu bé dậy thì muộn thường có xu hướng phát triển chiều cao với tốc độ nhanh hơn để bù đắp lại cho quãng thời gian chưa phát triển trước đó. Trong giai đoạn dậy thì, chiều cao cực đại mà các bé trai sẽ đạt được là 92% của chiều cao trưởng thành.

Ngay cả những bé trai bị hạn chế về tốc độ tăng trưởng chiều cao trước khi bắt đầu dậy thì sẽ vẫn đạt được mức chiều cao trung bình trong giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên, sự phát triển này sẽ không bù đắp lại cho quãng thời gian bị hạn chế tăng trưởng trước đó.

3. Các yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của bé trai không?

Thực tế, các yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của các bé trai. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã dựa trên chiều cao của bố mẹ để có thể đánh giá được chiều cao của con cái họ. Ngoài ra, một số yếu tố khác như mức độ hoạt động thể chất, chế độ dinh dưỡng (bao gồm cả dinh dưỡng của người mẹ trong thời kỳ mang thai) cũng có thể ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển chiều cao của một đứa trẻ.

Bạn có thể dự đoán chiều cao của một bé trai thông qua cách tính sau: Cộng chiều cao của cả bố và mẹ với nhau (tính bằng inch), tiếp theo chia số đó cho 2 và cộng thêm 2,5 inch để ra kết quả dự đoán chiều cao của trẻ. Đối với bé gái, bạn sẽ lấy kết quả trung bình cộng của chiều cao cả bố và mẹ, sau đó trừ đi 2,5 inch.

Ví dụ, một bé trai có mẹ cao 62 inch và bố cao 70 inch, vậy chiều cao dự đoán của cậu bé này sẽ được tính theo các bước sau:

  • B1: 62 + 70 = 132
  • B2: 132/2 = 66
  • B3: 66 + 2,5 = 68,5

Vậy chiều cao dự đoán của cậu bé sẽ là 68,5 inch, tương đương với 5 feet 8,5 inch.

Tuy nhiên, cách tính trên chỉ mang ý nghĩa tương đối mà không thể dự đoán được chiều cao một cách chính xác hoàn toàn. Mặt khác, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiều cao thường có xu hướng tăng trưởng theo một đường cong, vì vậy việc đánh dấu chiều cao của trẻ theo từng mốc ngay từ thời thơ ấu có thể dự đoán được chiều cao trưởng thành của trẻ sau này.

Ngoài ra, một số căn bệnh mãn tính, ví dụ như viêm khớp nặng hoặc các tình trạng di truyền như hội chứng Down, có thể khiến một người ở độ tuổi trưởng thành có chiều cao thấp hơn so với dự kiến ban đầu.

Phenylceton niệu là một bệnh di truyền
Yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ

4. Chiều cao trung bình ở con trai là bao nhiêu?

Chiều cao trung bình ở các bé trai trên thế giới là không giống nhau. Theo nghiên cứu, chiều cao trung bình của một người đàn ông trưởng thành Hoa Kỳ sẽ là 70,8 inch hoặc 5 feet 9 inch. Mức chiều cao trung bình này được tính bằng cách cộng các số đo chiều cao của một nhóm người nhất định, sau đó chia cho số người được khảo sát. Điều này không có nghĩa là những người thấp hơn hoặc cao hơn so với chiều cao trung bình này là có vấn đề bất thường, bởi lẽ mỗi một cá nhân đều khác biệt nhau.

Một nửa số bé trai khi bước vào thời điểm bắt đầu dậy thì sớm nhất (10 tuổi) thường đạt chiều cao dưới 54,5 inch, tương đương với 138,5 cm. Dưới đây là một bảng thống kê biểu thị chiều cao trung bình theo tuổi của các bé trai, cụ thể là:

Tốc độ phát triển chiều cao của bé trai có khác bé gái không?

Thực chất, cơ thể bé trai và bé gái sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Các bé trai dường như có xu hướng phát triển với tốc độ nhanh hơn so với các bé gái trong thời thơ ấu. Theo cách tính trung bình thì chiều cao của bé trai thường cao hơn so với các bé gái. Đây cũng là lý do vì sao các chuyên gia sử dụng biểu đồ tăng trưởng riêng biệt cho bé trai và bé gái để có thể đo lường được sự phát triển chiều cao của trẻ theo thời gian.

5. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chậm phát triển ở bé trai?

Những yếu tố, bao gồm môi trường và chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển chiều cao của các bé trai. Nghiên cứu đã cho thấy, những bé trai có một chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng hoặc bị suy dinh dưỡng thường không cao hoặc khỏe mạnh bằng những bé trai có chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối.

Ngoài ra, các tình trạng di truyền, bệnh tật hoặc việc sử dụng một số loại thuốc, ví dụ như corticosteroid, đều có thể hạn chế hoặc làm chậm sự phát triển chiều cao của các bé trai.

Bên cạnh đó, sự mất cân bằng của các hormone trong cơ thể cũng góp phần làm chậm hoặc thậm chí làm tăng vọt tốc độ phát triển chiều cao của trẻ. Các bậc phụ huynh nên đưa con tới khám bác sĩ chuyên khoa nếu trẻ có các biểu hiện sau:

  • Trẻ bị thừa cân hoặc béo phì
  • Suy dinh dưỡng
  • Đang phát triển nhanh hoặc chậm hơn nhiều so với dự kiến ban đầu
  • Cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với những đứa trẻ đồng trang lứa khác
  • Trẻ đang phát triển rất cao mặc dù bố mẹ có chiều cao thấp hơn
  • Trẻ chưa bắt đầu dậy thì trước 14 tuổi

Tình trạng chậm phát triển chiều cao ở các bé trai có thể dễ dàng nhận thấy nhất trong thời thơ ấu. Vì vậy, việc đưa trẻ đi thăm khám sức khỏe định kỳ là một điều vô cùng quan trọng. Vào mỗi lần khám, bác sĩ nhi khoa có thể theo dõi được sự phát triển của trẻ, chẳng hạn như chụp X-quang bàn tay và cổ tay của trẻ, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời nếu có sự bất thường xảy ra đối với sự tăng trưởng của trẻ.

Béo phì
Tình trạng béo phì có thể ảnh hưởng đến tình trạng chậm phát triển ở bé trai

6. Làm thế nào để đảm bảo tăng trưởng tốt cho các bé trai?

Nhìn chung, mỗi một cá nhân đều có chiều cao tiềm năng tối đa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không đạt được mức tăng trưởng tốt nếu thường xuyên ăn các loại thực phẩm không lành mạnh hoặc sử dụng các chất bổ sung mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Mặt khác, khi áp dụng theo một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các chất dinh dưỡng, ngủ đúng giờ, đủ giấc và kết hợp với việc luyện tập thể dục thường xuyên sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển chiều cao của các bé trai trong giai đoạn dậy thì. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo rằng, thanh thiếu niên sẽ cần ngủ đủ từ 8 – 9 tiếng vào mỗi đêm. Một giấc ngủ được coi là lành mạnh khi trẻ đi ngủ đúng giờ và không thức dậy quá muộn vào buổi sáng.

Trong độ tuổi dậy thì có thể xảy ra sự chênh lệch về chiều cao giữa các bé trai cùng tuổi với nhau. Đây là một vấn đề khá nan giải, tuy nhiên nếu hiểu được những thay đổi mà cơ thể trẻ đang trải qua cũng như những khác biệt trong tuổi dậy thì có thể giúp ích cho việc thúc đẩy phát triển chiều cao ở trẻ.

Sự trưởng thành ở các bé trai sẽ cần đến một khoảng thời gian nhất định để hoàn thiện và điều quan trọng là nó xảy ra khác nhau đối với mỗi người. Hơn nữa, giai đoạn dậy thì sẽ khiến cho các bé trai có nhiều sự thay đổi về mặt cảm xúc, do đó các bậc cha mẹ và người thân nên cố gắng quan tâm và trải lòng với trẻ nhiều hơn, giúp trẻ hiểu và đối phó tốt với tuổi dậy thì. Ngoài ra, để kích thích sự tăng trưởng chiều cao cho trẻ, bạn nên khuyến khích con tham gia các bộ môn thể thao, chẳng hạn như bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ hoặc bơi lội.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là lựa chọn đúng đắn của cha mẹ để có những kết luận chính xác về tình trạng sức khỏe và sự phát triển của con. Bé sẽ được thăm khám với chuyên gia về Nội tiết nhi, được thực hiện các xét nghiệm nội tố sinh dục trong máu, xét nghiệm đánh giá tuổi xương, chụp MRI não hoặc một số xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định đúng nguyên nhân gây dậy thì sớm/ muộn và can thiệp kịp thời.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vui lòng đăng ký khám trực tuyến trên Website để được phục vụ tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: parents.com, healthline.com, medicalnewstoday.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan