6 tháng - mốc quan trọng cho giai đoạn ăn dặm của trẻ sơ sinh

Ăn dặm quá sớm hay quá muộn không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển mà còn là một trong những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức y tế Thế giới, 6 tháng là thời điểm thích hợp nhất để trẻ bắt đầu ăn dặm.

1. Vai trò của sữa mẹ với sự phát triển của trẻ

Sữa mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

  • Sữa mẹ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng nhất là từ 10 -15 ngày sau sinh nên bác sĩ khuyên các mẹ hãy cho con bú ngay từ khi lọt lòng.
  • Sữa mẹ chứa 50% calo chất béo, 45% calo chất bột đường và 5% calo chất đạm (protein). Phần lớn chất bột đường trong sữa mẹ là đường lactose, có tác dụng giúp cho trẻ hấp thụ canxi tốt nhất.
  • Trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu trẻ sẽ được tăng cường kháng thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh ngoài da, hen suyễn, béo phì...
  • Sữa mẹ giúp trẻ phát triển hệ miễn dịch tự nhiên bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, giúp diệt trừ các vi khuẩn có hại từ đó đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật...
  • Đối với trẻ sinh thiếu tháng, được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn những trẻ được nuôi bằng sữa ngoài.

Với bà mẹ, việc cho con bú sẽ mang đến nhiều lợi ích cho bà mẹ như giảm cân sau sinh, tử cung thu hồi nhanh, giảm chảy máu sau sinh.

Chăm sóc trẻ thời kỳ chu sinh (7 ngày đầu sau sinh)
Trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu trẻ sẽ được tăng cường kháng thể,

2. Thời điểm quyết định nên cho trẻ ăn dặm

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trẻ nên bắt đầu cho ăn dặm (còn gọi là ăn sam) khi tròn 6 tháng tuổi, vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thu những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ, trẻ thật sự cần những thức ăn bổ sung để cơ thể phát triển khỏe mạnh vì nguồn sữa mẹ sau 6 tháng đã không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ nữa.

Từ khuyến cáo trên, những chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu giai đoạn cho trẻ 6 tháng tháng ăn dặm và kết thúc ở tháng thứ 24. Từ tháng thứ 6 trở đi sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 450 kcal / ngày trong khi đó trẻ cần tới 700 kcal/ngày cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản và sự phát triển của cơ thể.

Cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm nên cho trẻ ăn từ từ, ít một rồi tăng dần lên 200ml mỗi bữa, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Mỗi lần chỉ cho một loại thức ăn mới. Loại thức ăn nào khi bắt đầu cho bé ăn cũng cho ăn ít một sau đó ăn tăng dần. Không nên bắt ép trẻ ăn đủ số lượng nhiều từ ban đầu và không nên lo lắng khi trẻ chưa chịu ăn. Khi cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm nên cho trẻ tập ăn sữa chua, hoa quả. Mỗi ngày có thể cho trẻ uống 20ml nước hoa quả hoặc hoa quả nghiền

3. Vì sao phải ăn dặm đúng thời điểm?

Ăn bổ sung quá sớm hay quá muộn là sai lầm khá phổ biến trong việc chăm sóc trẻ ở nước ta hiện nay, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển mà còn là một trong những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn nhiều bà mẹ có quan niệm sai lầm rằng cho trẻ ăn bổ sung sớm, trẻ sẽ cứng cáp hơn và trẻ không bị đói. Vì vậy nhiều trẻ được ăn bổ sung từ tháng thứ 4, 5 thậm chí cũng không ít trường hợp còn được ăn bổ sung từ tháng tuổi thứ 3. Điều này đã ảnh hưởng đến việc tận dụng nguồn sữa mẹ, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng. Đặc biệt một số bà mẹ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn cho trẻ ăn cơm nhai, cơm mớm rất mất vệ sinh, thậm chí còn là nguồn lây lan truyền bệnh cho trẻ.

Khi cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ không có lợi cho trẻ vì hệ tiêu hóa của trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ chấp nhận và thích hợp với việc tiêu hóa các thức ăn lỏng như sữa mẹ. Nếu thức ăn bổ sung chế biến ở mức độ lỏng như sữa mẹ thì thường có giá trị dinh dưỡng thấp hơn sữa mẹ, không đủ để đảm bảo cho sự phát triển bình thường của trẻ.

Bên cạnh đó, hiện nay, trên thị trường một số loại thực phẩm trẻ em được công bố là phù hợp cho trẻ từ bốn tháng tuổi, hay trẻ ăn dặm 5 tháng nhưng tốt nhất các mẹ nên đợi đến sáu tháng trước khi cho bé ăn dặm, vì những lý do sau:

  • Cho bé ăn dặm sớm có thể có nghĩa con sẽ bỏ lỡ một số chất dinh dưỡng thiết yếu từ sữa mẹ. Điều này có nghĩa là con có thể không nhận được tất cả năng lượng, vitamin và khoáng chất cần thiết để giúp bé phát triển.
  • Hệ thống tiêu hóa của bé vẫn đang phát triển và hoàn thiện. Đến sáu tháng tuổi, bé sẽ dễ dàng tiêu hóa thức ăn hơn.
  • Sự phối hợp các cơ vẫn đang phát triển. Sau sáu tháng, bé sẽ thấy dễ dàng hơn để xử lý và nuốt thức ăn, giúp giảm nguy cơ bị nghẹn.
  • Sữa mẹ hoặc sữa công thức cung cấp cho bé tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết trong sáu tháng đầu tiên. Do vậy, trước thời điểm này, các mẹ không cần phải cho con dặm để giúp con phát triển hoặc tăng trưởng toàn diện.

Ngược lại, cho trẻ ăn bổ sung quá muộn sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của bé, bé thường bị thiếu dinh dưỡng do đậm độ các chất dinh dưỡng trong thức ăn lỏng không đủ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của trẻ trên 6 tháng tuổi, làm cho trẻ chậm lớn và dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng vì hệ miễn dịch của trẻ quá yếu kém. Sau 6 tháng tuổi, sữa mẹ không còn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng duy nhất cho bé, không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên của trẻ, nên cần phải cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung. Ngoài việc bú sữa mẹ, cần cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm thêm từ 1 – 2 bữa bột trong một ngày.

Cho con ăn dặm không chỉ đúng cách, mà còn phải đúng thời điểm, để đảm bảo bé hấp thu tốt nhất. Mẹ nên lập kế hoạch cho con ăn dặm khoa học, kiên nhẫn và tuân theo lộ trình phát triển khi bé đã sẵn sàng. Nếu các mẹ vẫn cảm thấy chưa yên tâm, hoặc bé tỏ ra đói, hãy nói chuyện với điều dưỡng viên hoặc bác sĩ gia đình. Điều này đặc biệt quan trọng con bạn sinh non, vì bé có thể sẽ cần cai sữa vào một thời điểm khác muộn hơn.

Ăn dặm
Cho con ăn dặm không chỉ đúng cách, mà còn phải đúng thời điểm

4. Dấu hiệu trẻ sẵn sàng ăn dặm

Giai đoạn 6 tháng tuổi là cột mốc quan trọng cho việc quyết định tập cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm, chính là giai đoạn giúp trẻ dần làm quen với những 'thức ăn mới lạ' rất cần thiết cho sự phát triển sau này của trẻ. Tuy nhiên để xác định xem trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm đã thực sự sẵn sàng chưa, phụ huynh cần dựa vào những biểu hiện sau đây của trẻ sẽ giúp cho việc ăn dặm của trẻ thuận lợi hơn:

  • Cân nặng của trẻ đã tăng gấp đôi so với cân nặng khi sinh.
  • Trẻ đã biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi để mẹ có thể đút thức ăn dễ dàng cho trẻ.
  • Trẻ biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa/muỗng khi cho trẻ ăn.
  • Trẻ đã biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó, điều này giúp người nuôi trẻ chọn lựa những món ăn thích hợp đối với khẩu vị của từng trẻ.
  • Lưỡi trẻ không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (lúc trẻ còn nhỏ khi cho bất cứ vật gì vào miệng trẻ cũng đẩy ra, trừ núm vú).
  • Trẻ thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà gia đình hay cha mẹ cho ăn.

Đôi khi, bé có thể làm những việc khiến mẹ nghĩ rằng bé đã hoàn toàn sẵn sàng ăn dặm trong khi thực tế không phải như vậy. Những dấu hiệu dưới đây là hoàn toàn bình thường cho sự phát triển của trẻ, không phải là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng cho ăn dặm:

  • Ngậm nắm tay
  • Đòi ăn thêm sữa
  • Thức dậy trong đêm (ngay cả khi bé đã ngủ say giấc trước đó).

Nếu con bạn thường ngủ không yên giấc vào ban đêm, ba mẹ thường cho bé ăn bổ sung với hy vọng rằng điều này sẽ giúp bé ngủ ngon hơn.

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy ăn dặm sẽ giúp con bạn ngủ ngon hơn. Nếu con thức dậy vào ban đêm, nhưng không có dấu hiệu thể hiện bé đã sẵn sàng như nêu trên, các mẹ hãy cho bé bú thêm sữa.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan