Suy tuyến thượng thận mạn là tình trạng giảm hormon glucocorticoid hoặc mineralocorticoid hoặc giảm cả hai, do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh xảy ra từ từ trong thời gian dài mới bộc lộ triệu chứng.
1. Nguyên nhân suy tuyến thượng thận mạn
1.1. Nguyên nhân do suy tuyến thượng thận tiên phát (tổn thương tại tuyến thượng thận)
Suy thượng thận tiên phát do nguyên nhân tự miễn: Gây phá huỷ tổ chức tế bào ở vỏ thượng thận và một số các cơ quan khác của người bệnh.
- Lao thượng thận: Chủ yếu thường gặp thập kỷ 20 - 30, ở các nước chậm phát triển. Ngày nay hiếm gặp suy tuyến thượng thận có nguyên nhân do lao.
- Phá huỷ tuyến thượng thận: Cắt bỏ tuyến thượng thận hai bên trong điều trị bệnh Cushing hoặc dùng thuốc Mitotan (op’DDD) trong điều trị ung thư thượng thận.
- Các nguyên nhân hiếm gặp khác:
- Nhiễm nấm, nhiễm HIV, giang mai gây hoại tử tuyến thượng thận.
- Xuất huyết tuyến thượng thận do rối loạn đông máu, điều trị bằng thuốc chống đông, nhồi máu tuyến thượng thận hai bên, viêm tắc động mạch, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn...
- Các bệnh thâm nhiễm xâm lấn tại tuyến thượng thận như: Nhiễm sắt, sarcoidose, ung thư di căn...
- Thoái triển tuyến thượng thận bẩm sinh, loạn dưỡng chất trắng ở tuyến thượng thận (hiếm gặp).
- Rối loạn gen.
1.2. Nguyên nhân do suy tuyến thượng thận thứ phát (tổn thương ở tuyến trung ương)
- Sử dụng hormon glucocorticoid ngoại sinh kéo dài.
- U tuyến yên hoặc u vùng dưới đồi: U tuyến yên, u sọ hầu, nang rathke, tổn thương cuống yên.
- Chấn thương sọ.
- Viêm tuyến yên lympho.
- Bất thường tuyến yên do đột biến gen.
- Nhiễm khuẩn: Lao, di căn ung thư, sarcoidosis thần kinh.
- Nhồi máu não, chảy máu não: Bệnh Sheehan, phình mạch.
- Thiếu hụt hormone ACTH đơn độc.
- Thiếu hụt globulin gắn cortisol có tính chất gia đình.
2. Triệu chứng của suy tuyến thượng thận mạn
Bệnh suy tuyến thượng thận mạn thường xảy ra từ từ trong thời gian dài mới bộc lộ triệu chứng, vì vậy bệnh thường được chẩn đoán muộn. Đến khi 90% vỏ thượng thận bị phá huỷ thì các triệu chứng mới bộc lộ rõ. Đặc biệt khi có xuất hiện các yếu tố thuận lợi như: Stress, nhiễm trùng, phẫu thuật, chấn thương, sẽ xuất hiện cơn suy tuyến thượng thận cấp tính.
- Mệt mỏi là triệu chứng rất thường gặp và thường xuất hiện sớm nhưng dễ bị bỏ qua, mệt về thể xác, tinh thần và chuyện sinh dục. Mệt thường xuất hiện lúc mới ngủ dậy, buổi sáng ít mệt hơn buổi chiều. Mệt tăng dần theo tỷ lệ gắng sức, có khi người bệnh không đi lại được. Mệt mỏi dẫn đến chậm chạp, vô cảm và trầm cảm. Nữ giới sẽ có triệu chứng lãnh cảm, mất kinh do suy kiệt hơn là do suy chức năng buồng trứng, bị rụng lông do giảm tiết androgen. Nam giới bị suy sinh dục chiếm 4 -17%.
- Gầy sút từ từ (2 - 10kg) do mất nước kèm theo suy giảm chức năng dạ dày ruột, biếng ăn, ăn kém.
- Rối loạn tiêu hoá: Đau bụng không khu trú có thể nhầm với bệnh lý ngoại khoa cấp tính. Buồn nôn, nôn, tiêu chảy làm bệnh tình nặng lên. Các rối loạn tiêu hoá do rối loạn nước, điện giải, bài tiết dịch vị giảm.
- Sạm da niêm: Sạm da màu nâu đồng điển hình, sạm da ở vùng da hở (tiếp xúc với ánh sáng mặt trời), vùng da thường xuyên cọ xát, vùng da có sẹo mới. Cụ thể ở nếp gấp bàn tay, bàn chân, đầu gối, ngón chân, khớp khuỷu tay có màu nâu hoặc đen. Đầu vú và da niêm ở bộ phận sinh dục bị thâm đen. Má, lợi, sàn miệng và mặt trong má có những đốm màu đen.
- Hạ huyết áp rất thường gặp, chiếm 90% trường hợp, phụ thuộc vào thời gian mắc bệnh và mức độ tổn thương thượng thận. Có thể bị tụt huyết áp tư thế. Mạch yếu, huyết áp kẹt, sốc truỵ mạch. Tim của người bệnh thường nhỏ hơn bình thường.
- Hạ đường huyết thường gặp ở trẻ em. Các triệu chứng hạ đường huyết thường gặp khi người bệnh bỏ bữa hoặc ăn quá bữa, bị sốt, nhiễm trùng hoặc khi nôn ói. Suy thượng thận mạn do nguyên nhân thứ phát thường gặp triệu chứng hạ đường huyết hơn suy thượng thận mạn do nguyên nhân nguyên phát.
- Triệu chứng tâm thần kinh: Bồn chồn, lãnh đạm hoặc lú lẫn, không tập trung suy nghĩ, xen kẽ giai đoạn buồn ngủ, lơ mơ, xen kích thích thần kinh hiếm gặp.
- Đau khớp, đau cơ, chuột rút cũng có thể gặp.
Lưu ý các yếu tố có thể gây mất bù của bệnh suy thượng thận: Tự ý ngừng điều trị. Chế độ ăn ít muối, gắng sức nhiều, nôn ói, đi ngoài, đổ nhiều mồ hôi dẫn đến mất muối, nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật. Dùng thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, thuốc cản quang. Phụ nữ có thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.