Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Theo tổ chức Y tế thế giới ( WHO): Trẻ được coi là đẻ non khi được sinh ra trong khoản thời gian 22- 37 tuần (tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối). Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi, nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe càng cao, trong đó có vấn đề rối loạn thân nhiệt và rối loạn tiêu hóa.
1. Thế nào là sinh non?
Trẻ sinh non khi chào đời từ 22 - 37 tuần thai kỳ. Trẻ sinh càng non, các nguy cơ sức khỏe càng nghiêm trọng, Trong đó có những biểu hiện như:
- Trọng lượng thấp khi sinh.
- Phổi trẻ chưa trưởng thành nên dễ bị suy hô hấp và tử vong. Nếu trẻ sống được cũng dễ mắc các bệnh hô hấp về sau như viêm phổi, viêm phế quản, loạn sản phổi...
- Trẻ chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần. Dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như tim bẩm sinh, mù, điếc, ...
Ngoài ra, khi lớn lên những trẻ đẻ non có thể mắc di chứng thần kinh rõ rệt hoặc tiềm tàng và thường là gánh nặng về tâm lý và tài chính cho cha mẹ.
Mẹ có thể chẩn đoán sớm cơn chuyển dạ sinh non qua các dấu hiệu như: Nặng bụng hoặc đau bụng; Ra nhớt hồng hoặc dịch nhầy cổ tử cung; Đau thắt lưng, đau quặn bụng có thể kèm tiêu chảy....
Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh non tháng?
Trẻ sơ sinh non tháng rất cần được chăm và điều trị thật tốt để giúp giảm nguy cơ gặp phải các di chứng về tinh thần, vận động và sự phát triển sau này. Cùng theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây để có thể nhận biết trẻ sơ sinh non tháng và có thêm kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Các nguyên nhân sinh non
Trên 50% các trường hợp chuyển dạ sinh non không biết được lý do. Một số yếu tố có thể gây sinh non:
Từ phía người mẹ:
Do tiền căn sinh non nhiều lần, tiền căn sảy thai
Do các yếu tố bất lợi từ mẹ như: ăn uống kém, suy dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu, lao động nặng nhọc quá sức. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một số bệnh mạn tính từ phía mẹ: cao huyết áp trong thai kỳ, bệnh lý thận, đái tháo đường týp 1, thiếu máu. Một số bệnh lý tự miễn sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non (ví dụ: bệnh lý tuyến giáp tự miễn, bệnh nhiễm khuẩn đường ruột). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các bệnh tự miễn và sinh non cần được nghiên cứu thêm.
Do nhau : nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau.
Do cổ tử cung, tử cung: Cổ tử cung ngắn, phẫu thuật trên cổ tử cung, tử cung dị dạng bẩm sinh hay mắc phải, hở eo tử cung.
Từ phía bào thai:
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung cũng có liên quan đến sinh non tự nhiên hoặc chỉ định chấm dứt thai kỳ khi trẻ sinh non tháng. Các nguyên nhân sinh non do thai chính bao gồm:
- Thai dị dạng: Thai dị dạng là một trong những nguyên nhân gây sinh non. Nguyên nhân có thể là hậu quả của dị dạng thai làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non (đa ối do hẹp thực quản) hoặc do dị dạng có chỉ định chấm dứt thai kỳ sớm.
- Ngoài ra giới tính nam cũng là yếu tố thuận lợi của sinh non tự nhiên. Hai nghiên cứu về mô học của bánh nhau cho thấy rằng bánh nhau của bé trai có tỉ lệ viêm mạn tính nhiều hơn bánh nhau của bé gái. Tác giả cho rằng có thể hệ thống miễn dịch của người mẹ đáp ứng với mô của bé trai nhiều hơn bé gái.
3. Vấn đề trẻ sinh non thường gặp và cách xử trí
3.1. Rối loạn thân nhiệt
Hạ thân nhiệt làm tăng cao nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh. Do đó, việc phòng tránh hạ thân nhiệt cho trẻ sơ sinh là rất cần thiết. Bình thường thai nhi khi nằm trong tử cung thường có thân nhiệt cao hơn thân nhiệt người mẹ từ 0,5 đến 1 độ C, nên ngay khi ra đời, bé có nguy cơ bị giảm nhiệt rất nhanh. Đối với trẻ sinh non tháng và thấp cân giảm lớp cách nhiệt và thiếu lớp mỡ dưới da nên nhiệt độ ngoài da tăng gây sự chênh nhiệt độ nhiều làm tăng sự mất nhiệt.
Vì vậy, khi nuôi dưỡng cha mẹ cần để ý cách ủ ấm, mặc quần áo, quấn tã đúng cách, tránh để bé ướt, luôn lau khô và quấn tã lót cho bé, nếu không nhiệt lượng mất đi khiến bé dễ bị mất nhiệt. Nhiệt độ trong phòng bé nằm tối thiểu là 30-32 độ C trong tuần đầu và 28-29 độ C trong những tuần tiếp theo. Bé cần nằm chung với mẹ vì nhiệt độ ngoài da của mẹ cao hơn sẽ truyền hơi ấm cho con. Sử dụng các phương tiện ủ ấm như lồng ấp, túi chườm ấm... hoặc ủ vào lồng ngực mẹ theo phương pháp chuột túi trong trường hợp cần di chuyển bé.
Trường hợp trẻ bị tăng thân nhiệt, nguyên nhân do trung tâm điều hòa nhiệt của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, khi đó thân nhiệt trẻ trên 38 độ C, da nóng và đỏ, vã mồ hôi. Thêm nữa, trẻ bị tăng cả nhịp tim, và nhịp thở, gây suy hô hấp và mất nước.
Khi đó, ba mẹ cần hạ bớt nhiệt độ trong phòng ngay lập tức, cởi bớt quần áo, chú ý tránh gió lùa và cho trẻ bú mẹ ngay. Sau đó cần kiểm tra xem có điều gì gây nên tình trạng này không, ví dụ: Ủ ấm quá kỹ, nhiệt độ trong phòng quá cao,hoặc trẻ bị viêm nhiễm ở rốn, họng,... nếu tình trạng không cải thiện cần cho bé tới cơ sở y tế để được kiểm tra.
3.2. Rối loạn tiêu hóa
Trẻ sơ sinh nhất là trẻ sinh non rất dễ có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như trẻ sơ sinh hay nôn trớ, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, bú kém... Biến chứng nguy hiểm nhất là viêm ruột hoại tử. Ruột của bé không được tưới máu nuôi đầy đủ sẽ mỏng dần rồi hoại tử hoặc thủng. Do đó, khi thấy bé có biểu hiện nghi ngờ như: trẻ sơ sinh hay nôn trớ, nôn dịch xanh thì phải đến bác sĩ ngay. Cần cho bé ăn sớm những giờ đầu sau sinh. Cần vệ sinh tay sạch sẽ khi chăm sóc, cho trẻ ăn. Theo dõi lượng sữa trẻ không bú hết trong một bữa ăn. Theo dõi tình trạng của trẻ để phát hiện kịp thời nếu trẻ có rối loạn hô hấp, thở nhanh, thở co kéo, tím quanh môi- đầu chi, rối loạn bài tiết phân, nước tiểu,...
Mọi hiện tượng bất thường ở trẻ sinh non dù nhỏ, đều phải được sớm phát hiện, ghi nhận để xử trí kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.