Thế nào được gọi là rong kinh? Rong kinh có cảnh báo bệnh gì không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Rong kinh rong huyết là vấn đề sức khỏe không hiếm gặp ở phụ nữ. Rong kinh có thể là biểu hiện của tình trạng rối loạn nội tiết thông thường hoặc là dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm như polyp tử cung, u xơ tử cung, rối loạn đông máu di truyền,...

1. Rong kinh là bệnh gì?

Một chu kỳ bình thường có thời gian hành kinh trung bình là 3 – 5 ngày. Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt ra nhiều, thời gian có kinh kéo dài bất thường (trên 7 ngày) và lượng máu mất đi hơn 80ml/chu kỳ (trong khi bình thường phụ nữ chỉ mất khoảng 50 – 80ml máu/chu kỳ kinh nguyệt).

Cách triệu chứng của rong kinh rong huyết bao gồm:

  • Xuất huyết nặng trong kỳ kinh nguyệt, liên tục trên 7 ngày, phụ nữ phải thay băng vệ sinh mỗi giờ một lần do xuất huyết và tiếp diễn trong nhiều giờ.
  • Xuất huyết nặng bất thường trong 2 kỳ kinh nguyệt liên tiếp.
  • Kinh nguyệt ra nhiều vào ban đêm.
  • Máu kinh đóng thành cục lớn.
  • Hay bị đau bụng dưới.
  • Mệt mỏi, thở dốc, có triệu chứng của thiếu máu nếu rong kinh kèm cường kinh kéo dài.
Thế nào được gọi là rong kinh? Rong kinh có cảnh báo bệnh gì không?
Mệt mỏi, thở dốc, có triệu chứng của thiếu máu nếu rong kinh kèm cường kinh kéo dài

Rong kinh kéo dài dễ dẫn đến bệnh thiếu máu ở phụ nữ. Không chỉ vậy, tình trạng rong kinh rong huyết còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục, dễ gây vô sinh sau này. Về mặt tâm lý, rong kinh cũng tạo cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho phái đẹp.

2. Rong kinh là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?

2.1 Rối loạn nội tiết tố

Nguyên nhân chính gây rong kinh rong huyết là do rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ. Hàng tháng, hormone sinh dục estrogen và progesterone sẽ tác động làm nội mạc tử cung dày lên. Khi không có tinh trùng kết hợp với trứng làm tổ trong tử cung, phần nội mạc này sẽ bong ra và tạo thành kinh nguyệt. Nếu hai hormone sinh dục mất cân bằng, nội mạc tử cung quá dày sẽ dẫn tình trạng xuất huyết nặng khi có kinh - rong kinh.

Tình trạng rong kinh rong huyết hay gặp nhất ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ hoạt động sinh sản – tức thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh của phụ nữ. Ngoài ra, trong độ tuổi sinh sản, phái đẹp cũng có thể bị rong kinh ở thời điểm sau sinh, dùng thuốc phá thai hoặc dùng các loại thuốc tránh thai.

2.2 Dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác

Kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài còn là biểu hiện của một số bệnh lý tổn thương ở tử cung như: polyp tử cung, u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, sẩy thai, mang thai ngoài tử cung, ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng,...

Ngoài ra, những phụ nữ gặp các vấn đề về sức khỏe như bị rối loạn đông máu di truyền, suy giáp, đái tháo đường, viêm gan mạn tính, bệnh tim hoặc thận mạn tính, bệnh lupus ban đỏ,... cũng dễ bị rong kinh rong huyết.

Đặc biệt, rong kinh tập trung nhiều ở những phụ nữ bị béo phì, sinh con nhiều lần, hút thuốc lá, đang sử dụng vòng tránh thai hoặc đang điều trị bằng thuốc kháng viêm chứa steroid,...

Thế nào được gọi là rong kinh? Rong kinh có cảnh báo bệnh gì không?
Ở phụ nữ đang sử dụng vòng tránh thai hoặc đang điều trị bằng thuốc kháng viêm chứa steroid gây nên hiện tượng rong kinh

3. Chẩn đoán rong kinh rong huyết bằng cách nào?

Những kỹ thuật y tế được sử dụng để chẩn đoán rong kinh là:

  • Chẩn đoán dựa trên tiền sử, khám thực tế và xét nghiệm máu kiểm tra thiếu máu. Thiếu máu xảy ra khi phụ nữ mất máu quá nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt kéo dài.
  • Siêu âm.
  • Thử pap’s: bác sĩ lấy một mẫu nhỏ các tế bào từ bề mặt cổ tử cung để kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường nào hay không.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung, nong nạo tử cung: lấy mẫu mô nội mạc tử cung để kiểm tra ung thư nếu nghi ngờ nguyên nhân gây rong kinh là do ung thư ở tử cung.
  • Soi ổ bụng: quan sát các cơ quan trong bụng thông qua một đường rạch nhỏ.
  • Chụp tử cung vòi trứng: đưa một chất cản quang vào tử cung và ống dẫn trứng để chụp và bác sĩ sẽ quan sát tử cung trên phim X-quang.
  • Soi tử cung: sử dụng một ống kim loại có gắn máy ghi hình đưa qua cổ tử cung đến tử cung để quan sát.

Tình trạng rong kinh rong huyết xảy ra ở mỗi người là khác nhau, nguyên nhân gây bệnh không giống nhau nên việc điều trị cũng sẽ được áp dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, khi nghi ngờ mình bị rong kinh, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp, tránh để kéo dài gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và khả năng sinh sản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

296.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan