Miệng bạn "đang khỏe hay đang bệnh"?

Sức khỏe răng miệng không chỉ ảnh hưởng tới sự tự tin và khả năng giao tiếp nói riêng, mà còn có mối liên hệ tới các cơ quan khác cũng như sức khỏe nói chung của toàn bộ cơ thể.

1. Vi khuẩn ở miệng có thể ảnh hưởng tới tim không?

Một số nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh nha chu thường có nguy cơ cao hơn mắc bệnh lý tim mạch so với những người bình thường. Nguyên nhân thực sự của vấn đề này chưa được rõ, nhưng không có bằng chứng cho thấy bệnh nha chu là lý do gây nên các bệnh khác. Tuy nhiên bệnh nhân cần chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt hơn.

2. Bệnh nha chu và đái tháo đường

Đái tháo đường có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể trước sự nhiễm khuẩn. Nồng độ đường huyết tăng cao trong máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu, đồng thời bệnh nha chu khiến việc kiểm soát nồng độ đường huyết gặp khó khăn hơn. Hãy bảo vệ răng miệng bằng cách giữ nồng độ đường huyết càng gần về mức bình thường càng tốt. Đừng quên sử dụng chỉ nha khoa, đánh răng sau mỗi bữa ăn và sử dụng nước súc miệng sát khuẩn hàng ngày. Khám nha khoa định kỳ tối thiểu một năm hai lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

3. Miệng và lưỡi khô gây hư hại cho răng

Những người không may mắc hội chứng Sjögren dễ bị mắc các vấn đề sức khỏe răng miệng hơn so với những người bình thường. Hội chứng Sjögren khiến hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh tấn công vào tuyến lệ và tuyến nước bọt, gây ra tình trạng khô mắt và khô miệng mạn tính. Nước bọt giúp bảo vệ răng và lợi khỏi các mảng bám và sự viêm nướu do vi khuẩn gây ra. Do đó việc miệng bị khô mạn tính hiển nhiên sẽ gây nguy cơ tổn hại cho răng và mắc bệnh nha chu.

Sức khỏe răng miệng
Miệng và lưỡi khô gây hư hại cho răng

4.Các thuốc điều trị làm khô miệng

Khô miệng mạn tính làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám và bệnh nha chu, nhưng cũng nên để ý tới những loại thuốc điều trị hiện đang sử dụng. Thuốc kháng histamine, thuốc chống sung huyết, thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm là những loại thuốc có thể gây ra khô miệng. Hãy tham vấn bác sĩ và nha sĩ nếu thuốc mang lại các tác dụng không mong muốn để có thể có phương pháp giải quyết.

5. Căng thẳng và chứng nghiến răng

Nếu đang bị căng thẳng, lo âu, hay trầm cảm, nguy cơ gặp các vấn đề răng miệng sẽ cao hơn. Những người bị căng thẳng sẽ sản xuất nhiều nội tiết tố cortisol hơn, và điều này gây tổn hại lớn không chỉ cho răng miệng mà còn cho cả cơ thể. Hơn nữa tình trạng căng thẳng khiến con người ít quan tâm hơn tới răng miệng, đến 50% số người căng thẳng không sử dụng chỉ nha khoa hoặc đánh răng thường xuyên. Bên cạnh đó, những thói quen có hại thường gắn với tình trạng căng thẳng là hút thuốc lá, uống rượu, nghiến răng.

6. Loãng xương và mất răng

Bệnh loãng xương ảnh hưởng tới toàn bộ các xương của cơ thể, bao gồm cả xương hàm và có thể gây nên tình trạng mất răng. Các vi khuẩn trong bệnh nha chu cũng có thể tác động tới xương hàm. Một loại thuốc điều trị loãng xương có tên biphosphonate có thể làm tăng nhẹ nguy cơ xảy ra tình trạng hiếm gặp là hoại tử xương, gây hoại tử xương hàm. Tuy nhiên thường người ta chỉ quan tâm vấn đề này sau một cuộc phẫu thuật hàm mặt. Hãy thông báo cho nha sĩ biết nếu đang điều trị với biphosphonate.

Sức khỏe răng miệng
Bệnh loãng xương ảnh hưởng tới toàn bộ các xương của cơ thể, bao gồm cả xương hàm và có thể gây nên tình trạng mất răng

7. Lợi nhạt màu và thiếu máu

Miệng có thể bị tổn thương và trông nhạt màu nếu cơ thể bị thiếu máu, và lưỡi có thể bị viêm. Khi bị thiếu máu, cơ thể không có đủ hồng cầu, hoặc hồng cầu không chứa đủ hemoglobin, kết quả là không đủ oxy nuôi cơ thể. Có nhiều loại thiếu máu khác nhau với cách điều trị khác nhau. Hãy thăm khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp.

8. Rối loạn ăn uống khiến men răng dần bị hủy hoại

Nha sĩ có thể sẽ là người đầu tiên nhận ra chứng rối loạn ăn uống của người bệnh (như chứng chán ăn tâm lý). Acid dạ dày từ những lần nôn lặp đi lặp lại sẽ bào mòn nghiêm trọng men răng, gây sưng miệng họng, ảnh hưởng tuyến nước bọt cũng như tạo ra hơi thở có mùi khó chịu. Các chứng rối loạn ăn uống có thể gây ra thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng.

9. Nấm miệng và HIV

Những người nhiễm HIV và AIDS có thể xuất hiện nấm miệng, mụn cóc ở miệng, lở môi, loét miệng tái diễn, bạch sản niêm mạc miệng (các mảng màu trắng hoặc xám trên lưỡi hoặc bên trong má). Hệ miễn dịch của người bệnh đã suy yếu và không thể chống lại sự nhiễm khuẩn. Những người nhiễm HIV và AIDS cũng hay bị khô miệng, làm tăng nguy cơ các bệnh răng miệng, khiến việc nhai, ăn, nuốt và nói chuyện gặp khó khăn.

10. Điều trị bệnh nha chu có thể có ích với viêm khớp dạng thấp

Những người bị viêm khớp dạng thấp đối mặt với nguy cơ cao hơn 8 lần mắc bệnh nha chu so với những người không mắc các bệnh lý tự miễn. Cả hai bệnh có điểm chung đó là tình trạng viêm. Nhưng có một điều tồi tệ là những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể gặp khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng bởi các khớp ngón tay bị tổn thương cản trở hành động sử dụng chỉ nha khoa cũng như dùng bàn chải đánh răng. Có một tin tốt là nếu điều trị khỏi những viêm nhiễm răng miệng mắc phải sẽ giúp giảm viêm nói chung và giảm đau khớp.

11. Mất răng và bệnh lý thận

Những người trưởng thành bị mất răng sẽ dễ bị bệnh thận mạn hơn những người bình thường. Nguyên nhân và mối liên hệ chính xác hiện còn chưa được biết rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu gợi ý tình trạng viêm mạn tính có thể là mối đe dọa. Do đó hãy chăm sóc răng miệng cẩn thận để phòng ngừa các vấn đề về bệnh thận mạn.

12. Bệnh nha chu và sinh non

Sức khỏe răng miệng
Nếu thai phụ mắc bệnh nha chu sẽ đối mặt với nguy cơ sinh non

Nếu thai phụ mắc bệnh nha chu sẽ đối mặt với nguy cơ sinh non và sinh con nhẹ cân. Cơ chế và giải thích mối tương quan hiện còn chưa được sáng tỏ, nhưng có thể lý do bắt nguồn từ tình trạng viêm và sự nhiễm khuẩn. Mang thai và thay đổi nội tiết tố cũng làm nặng thêm tình trạng viêm nha chu. Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ sản khoa và nha khoa để có phương hướng thích hợp.

13. Răng lợi khỏe mạnh sẽ trông như thế nào?

Răng lợi khỏe mạnh sẽ có màu hồng và chắc khỏe, không có tình trạng đỏ và sưng tấy. Để giữ răng miệng chắc khỏe hãy thực hành vệ sinh tốt. Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, sử dụng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày, súc miệng bằng nước sát khuẩn từ một tới hai lần một ngày, thăm khám nha khoa định kỳ và không hút thuốc lá.

Hệ thống Y tế Vinmec với trang thiết bị máy móc hiện đại được nhập khẩu trên thế giới....Cùng đội ngũ y bác sĩ tận tâm có kinh nghiệm, chuyên môn cao sẽ giúp các bé và gia đình bạn không phải lo âu về các bệnh răng miệng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan