Mang song thai tăng cân thế nào là vừa?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Nếu như người mẹ không tăng đủ cân trong thai kỳ thì sẽ có nguy cơ sinh con nhẹ cân. Những trẻ này có nhiều nguy cơ bị những vấn đề về sức khỏe trong quá trình phát triển.

1. Vì sao bà bầu cần phải tăng cân trong thai kỳ?

Sức khoẻ và trọng lượng lúc sinh của trẻ liên quan nhiều đến việc người mẹ tăng cân như thế nào trong thai kỳ. Trẻ phát triển nhanh trong tử cung và từ tuần thứ 26 thai kỳ trở đi, một thai nhi tăng khoảng 30g trọng lượng mỗi ngày. Vì thế trẻ cần rất nhiều năng lượng và đây là lý do cần phải tăng cân trong thai kỳ.

2. Tăng cân khi mang song thai thế nào là vừa?

Với cặp song sinh, bà bầu mang song thai cần tăng cân nhiều bởi vì họ có hai em bé, hai nhau thai và nhiều nước ối hơn. Bà bầu cũng cần nhiều calo hơn để mang thai song sinh.

Do vậy, sự tăng cân trung bình cho mang thai đơn là 11,5 kg và tăng cân khi mang thai đôi là 16-20,5 kg. Các bà mẹ mang song thai không nên tăng nhiều hơn 21 kg hoặc ít hơn 7 kg.

3. Mang thai đôi cần chú ý những gì?

  • Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc

Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc đảm bảo sức khỏe tốt
Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc đảm bảo sức khỏe tốt

Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc đảm bảo sức khỏe tốt. Mang bầu song thai, nghĩa là cơ thể đang làm việc gấp đôi bà bầu bình thường nhằm nuôi dưỡng và giúp thai nhi phát triển hoàn chỉnh. Bà bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức hơn so với những thai phụ khác, vì vậy hãy cố gắng nghỉ ngơi bằng cách nằm gác đầu trên gối, nhắm mắt thư giãn và nghe nhạc thật nhẹ nhàng. Đừng cố gắng làm việc quá sức vì sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ đến bản thân, mà còn với các bé trong bụng.

  • Không để cơ thể bị mất nước

Nước đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và bé, nhất là với các bà bầu mang song thai. Uống đủ 3 lít nước mỗi ngày trong suốt thai kỳ sẽ giúp tăng lượng nước ối quanh bào thai; giúp bà bầu đi tiểu đều từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu; đảm bảo nhu cầu máu tăng cao trong cơ thể mẹ và tránh mất nước khi người mẹ đổ mồ hôi quá nhiều. Cách uống hiệu quả nhất là cách 2 giờ uống 1 ly nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội, mỗi ngày nên uống từ 7 – 8 lần. Đồng thời, có thể uống thêm nước rau luộc, nước canh, nước ép trái cây không đường, sữa ít béo ....

  • Cần bồi bổ nhiều hơn

Để đảm bảo cho cả 2 thai nhi phát triển tốt nhất trong bụng, người mẹ cần phải tăng từ 16 – 20,5 kg trong suốt thời gian thai nghén. Tương đương với việc bà bầu song thai phải dung nạp gấp đôi năng lượng so với bà bầu đơn thai, tức là 600 calo/ngày. Nếu ăn quá ít, không hấp thụ đủ dưỡng chất và năng lượng đồng nghĩa với việc bà bầu đang “đặt cược” với sức khỏe và tính mạng của các bé.

  • Cần theo dõi thai cẩn thận

Chị em mang thai đôi cần được theo dõi thai kỳ sát sao tại các bệnh viện hoặc phòng khám sản uy tín. Vì vậy, các mẹ hãy nhớ khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ và đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy bất cứ vấn đề gì không ổn trong thai kỳ vì nguy cơ sảy thai hoặc sinh non với mẹ mang song thai sẽ cao hơn nhiều.

  • Dễ bị chảy máu âm đạo hơn

Chảy máu âm đạo không phải là chuyện bình thường, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đây được coi là một trong những dấu hiệu dọa sảy thai, sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, chảy máu âm đạo lại rất phổ biến khi mang song thai ở bà bầu. Khi thấy máu chảy kèm triệu chứng co thắt, xuất hiện cục máu đông, người mẹ cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra thai kỳ.

  • Nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao

Nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao khi mang thai
Nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao khi mang thai

Nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao khi mang thai. Với mẹ mang song thai, nguy cơ tiểu đường thai kỳ sẽ cao hơn nhiều so với mẹ mang đơn thai. Vì khi mang song thai, bà bầu sẽ phải bồi bổ nhiều và tăng cân nhiều. Khi đó nguy cơ sinh mổ cũng sẽ cao hơn.

  • Nguy cơ tiền sản giật cao hơn

Tiền sản giật bắt đầu với chứng huyết áp và protein trong nước tiểu cao. Biểu hiện của căn bệnh này là sưng phù bàn chân, bàn tay và mặt. Tiền sản giật vô cùng nguy hiểm và đối với chị em mang song thai thì nguy cơ sẽ cao hơn rất nhiều.

  • Chuyển dạ sẽ đến sớm hơn

Hầu hết các bà mẹ mang thai đôi thường sinh ở tuần 36-37 của thai kỳ và rất hiếm người có thể chờ đến tuần 40. Trên thực tế, nếu các cặp song sinh ra đời sau tuần 34 đều được an toàn bởi sự chăm sóc của các bác sĩ khoa sản. Những cặp song sinh cũng thường phải đối mặt với nguy cơ xấu về đường hô hấp vì chúng chào đời sớm hơn ngày dự sinh. Các bé cũng thường nhẹ cân hơn so với bé sinh thường. Dù mẹ mang song thai có một thai kỳ khỏe mạnh thì việc ngăn ngừa sinh non là điều không thể. Đây là rủi ro mà các mẹ song thai phải chấp nhận.

  • Sinh mổ là phổ biến

Khả năng phải sinh mổ đối với các mẹ mang song thai chiếm đến 80%. Ngoài ra, chị em cũng cần biết rằng, tỷ lệ mang thai ngược ở các cặp song sinh là rất phổ biến. Chính vì vậy, những tuần cuối thai kỳ, chị em nên khám thai thường xuyên để chọn được phương pháp sinh con an toàn nhất.

4. Chăm sóc bà bầu thai đôi

cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cả ba mẹ con và đảm bảo người mẹ tăng cân đủ để em bé phát triển tốt.

Mẹ mang song thai nên tăng thêm khoảng 600 Calo mỗi ngày. Ăn theo nhu cầu và nên chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày nếu có điều kiện và để có chế độ ăn vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo nguồn năng lượng cần thiết, bà bầu cần phải đáp ứng những nguyên tắc sau:

  • Năng lượng protein (thịt nạc, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, trứng, sữa): Bổ sung nhiều protein có thể giúp ngăn ngừa tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ và sinh non (tất cả các bệnh này phổ biến hơn khi mang đa thai). Protein cũng cần thiết để củng cố chất xơ cơ tử cung và thúc đẩy lượng máu cần thiết để nuôi dưỡng các thai nhi. Bốn khẩu phần protein và bốn khẩu phần thực phẩm từ sữa – theo chế độ ăn quy định cho bà bầu đa thai – sẽ giúp có được 80g – 100g protein mỗi ngày.
  • Nhiều rau quả và trái cây: Thai nhi đang phát triển cần các vi chất dinh dưỡng (như axit folic, sắt, vitamin) và cũng cần các chất xơ. Việc ăn rau quả tươi mỗi ngày có thể giảm thiểu hoặc tránh được chứng táo bón (và hậu quả của táo bón – bệnh trĩ).
Mang song thai tăng cân thế nào là vừa?
  • Bổ sung sắt: Sắt giúp cơ thể sản sinh các tế bào máu và ngăn ngừa thiếu máu, một vấn đề phổ biến khi mang song thai. Thiếu máu có thể làm cho sự thèm ăn giảm xuống và sự mệt mỏi tăng lên cũng như làm giảm lượng oxy được vận chuyển đến các cơ quan và em bé đang phát triển trong bụng.

Các loại thực phẩm như thịt đỏ và trái cây sấy khô là những nguồn tuyệt vời của sắt. Bà bầu bổ sung 30-60mg sắt mỗi ngày trong suốt thai kỳ. Thuốc bổ sung sắt có thể gây táo bón hoặc buồn nôn, vì thế hãy cố gắng uống kèm với bữa ăn.

  • Cung cấp đủ nước: Mất nước có thể dẫn đến sinh non và đặc biệt, các bà mẹ mang đa thai có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.
  • Bổ sung magie: Magie giúp sản sinh và củng cố các mô của cơ thể, đồng thời điều chỉnh nồng độ insulin và lượng đường trong máu, giúp xây dựng xương và răng của em bé. Việc duy trì đủ lượng magie trong khi mang thai có thể giúp giữ cho tử cung không bị có cơn gò quá sớm – điều chắc chắn xảy ra khi mang đa thai. Các nguồn thực phẩm cung cấp tốt nhất là ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, các loại hạt, thịt, sữa, bí ngô, hạt hướng dương, mầm lúa mì; mì ống với rau bina; hạnh nhân; đậu hũ, sữa chua.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe