Thính giác là một giác quan đóng vai trò hết sức quan trọng trong mối liên hệ giữa con người và thế giới xung quanh. Trong đó, màng nhĩ là một yếu tố không thể thiếu. Màng nhĩ là một màng kín ngăn cách tai giữa và tai ngoài, có chức năng dẫn truyền âm thanh và bảo vệ tai giữa khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và vật lạ. Vậy có phải màng nhĩ dễ bị thủng không và thủng màng nhĩ có tự liền được không?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Cấu tạo của màng nhĩ con người
Màng nhĩ rất mỏng, bán trong suốt, có hình elip và hơi lõm vào trong. Kích thước màng nhĩ là: chiều cao khoảng 9mm, rộng khoảng 8mm và dày khoảng 0,1mm. Phần trước - dưới của màng nhĩ hơi nghiêng vào trong tạo với đáy của ống tai ngoài một góc khoảng 45 – 50 độ.
Màng nhĩ của con người có cấu tạo 3 lớp: lớp thượng bì ở ngoài, lớp tổ chức sợi ở giữa và lớp niêm mạc ở trong. Ở trẻ em, màng nhĩ mỏng và có độ đàn hồi, trở nên dày hơn và cứng hơn khi trưởng thành.
Khi có những rung động của âm thanh, năng lượng âm thanh được tăng dần bởi vành tai và sự cộng hưởng của ống tai, làm cho màng nhĩ dễ di chuyển ra sau và ra trước, đáp ứng với những rung động.
2. Vì sao màng nhĩ dễ thủng?
Chức năng của màng nhĩ là tiếp nhận sóng âm thanh từ bên ngoài, tạo nên rung động rồi dẫn truyền thông qua chuỗi xương con, đến với tế bào cảm nhận ở tai trong. Các rung động cơ học sẽ biến thành xung điện truyền lên não bộ. Để làm tốt chức năng truyền âm, màng nhĩ phải nguyên vẹn, giữ được độ mỏng và độ đàn hồi cần thiết.
Do đặc điểm màng nhĩ rất mỏng nên khi ngoáy tai, lấy ráy tai hoặc dị vật trong tai, nếu không cẩn thận sẽ có thể làm màng nhĩ bị thủng. Khi phẫu thuật xương bàn đạp trong tai hoặc khi chấn thương có nứt xương sọ thái dương cũng có thể dẫn đến rách màng nhĩ. Thậm chí, trong trường hợp áp lực không khí thay đổi đột ngột, khi máy bay thay đổi độ cao cũng có thể làm tổn thương màng nhĩ nếu những hành khách đó đang bị viêm tắc vòi tai.
Khi bị chấn thương có va đập mạnh và trực diện vào vùng cửa tai (ví dụ bị trái banh đập vào khi chơi bóng đá, bóng chuyền, tennis hoặc bị tát mạnh vào đúng vùng tai), gây tăng đột ngột áp lực khí ở ống tai ngoài có thể phá rách màng nhĩ.
Ngoài nguyên nhân chấn thương, màng nhĩ bị thủng còn có thể do viêm tai giữa. Khi tai giữa bị viêm, mủ tích tụ nhiều đến một lúc nào đó thì màng nhĩ và hệ mao mạch của tai giữa sẽ không trụ được với áp lực mủ quá cao, khiến cho màng nhĩ và thành mao mạch tai giữa bị đè nén, căng mỏng, gây thiếu máu cục bộ, thiếu oxy tổ chức, dẫn đến hoại tử làm thủng màng nhĩ để mủ thoát ra từ lỗ thủng đó.
3. Thủng màng nhĩ có tự liền được không?
Các lỗ thủng nhỏ làm giảm độ nhạy nghe khoảng 10 – 15dB, tuy nhiên các lỗ thủng màng nhĩ nhỏ thường sẽ tự lành trong khoảng một vài tuần. Trường hợp thủng màng nhĩ lớn hoặc mất hoàn toàn màng nhĩ, mất cơ chế đòn bẩy để tăng áp suất âm thanh sẽ gây giảm thính lực từ khoảng 20 – 30 dB.
Trong thang phân các mức độ khiếm thính thì mất khả năng nghe đến 30dB thuộc khiếm thính nhẹ (cách 1m không nghe được giọng nói thầm nhưng nghe được giọng nói bình thường). Loại khiếm thính này mọi người hay gọi là nghe kém hay nghễnh ngãng.
Đối với các lỗ thủng lớn hơn, bệnh nhân đòi hỏi phải được phẫu thuật vá màng nhĩ, bịt lỗ thủng nhanh chóng, ngoài mục đích tăng sức nghe đã mất còn giúp bảo vệ tai giữa. Như vậy, nếu chỉ rách màng nhĩ, thủng màng nhĩ hay mất màng nhĩ đơn thuần thì chưa gây ra mất thính lực (điếc tai) hoàn toàn mà chỉ gây nghe kém tùy mức độ nặng nhẹ. Trong một vài trường hợp hiếm, dị dạng, chấn thương hoặc viêm nhiễm nặng làm màng nhĩ và chuỗi xương nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số hoặc tất cả các âm thanh sẽ bị mất đi gây điếc nặng.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị thủng màng nhĩ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.