Môi khô quanh năm là thiếu chất gì?

Môi nứt nẻ, bong tróc, thậm chí chảy máu là tình trạng không ai muốn nhưng thường xảy ra. Môi nứt nẻ quanh năm còn có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt các vitamin thiết yếu trong cơ thể. Lúc này, việc chăm sóc môi khô thiếu chất đòi hỏi một chiến lược toàn diện hơn.

1. Môi khô do thiếu hụt vitamin nhóm B

Da trên môi rất nhạy cảm và môi của mỗi người luôn phụ thuộc vào vitamin để giữ cho chúng khỏe mạnh. Nếu một người đang phải đối mặt với tình trạng môi khô, nứt nẻ thì có thể nguyên nhân một phần cần nghĩ đến là do chế độ ăn uống của bản thân. Trong đó, các vitamin nhóm B luôn có vai trò to lớn hỗ trợ làn da; vì vậy, nếu mắc phải môi khô nứt nẻ quanh năm, hãy xem có thể do thiếu các loại vitamin nhóm B sau:

  • Vitamin B-2

Cơ thể cần vitamin B-2, hoặc riboflavin, để giữ cho tóc, móng tay, da và môi luôn khỏe mạnh. Nếu không có nó, người bệnh có thể nhận thấy các vết loét trong miệng hoặc trên môi. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin B-2 là từ các sản phẩm sữa, trứng, đậu, thịt nạc, các loại hạt và rau lá xanh.

  • Vitamin B-3

Nếu không có đủ vitamin B-3 hoặc niacin, người bệnh có thể bị khô, nứt môi hoặc lưỡi và miệng sưng đỏ. Sự thiếu hụt loại sinh tố này cũng có thể dẫn đến viêm da. Mọi người có thể bổ sung niacin trong chế độ ăn uống của mình bằng cách ăn thịt bò, thịt lợn, cá bơn, cá ngừ, thịt gia cầm, hạt ngũ cốc, sữa và rau lá xanh.

  • Vitamin B-6

Sự thiếu hụt vitamin B-6 có thể dẫn đến các vết nứt ở khóe miệng, cũng như viêm da. Chế độ dinh dưỡng giàu vitamin B-6 là ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt và rau lá xanh.

Môi nứt nẻ: Các triệu chứng, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Môi khô do thiếu các loại vitamin nhóm B

2. Môi khô do thiếu sắt

Cũng giống như những người không ăn thịt thường bị thiếu hụt vitamin B12, các đối tượng này cũng phải đối mặt với các vấn đề về sắt. Mặc dù sắt có trong các loại rau như rau bina và bông cải xanh, vấn đề là phytates trong chúng ức chế sự hấp thụ sắt. Polyphenol trong rau, trái cây, các loại đậu, trà, cà phê và rượu vang cũng ức chế sự hấp thụ sắt. Vì phụ nữ còn có thể bị mất sắt do mất máu trong kỳ kinh nguyệt, những người không ăn thịt thậm chí còn có nguy cơ bị thiếu sắt nghiêm trọng hoặc cả đe dọa tính mạng.

Theo đó, trước khi thiếu máu nặng do thiếu sắt, đôi môi khô nứt nẻ đã có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm. Lúc này, việc điều trị cải thiện môi khô còn là chiến lược bổ sung sắt lâu dài.

3. Môi khô do thiếu kẽm

Kẽm là một trong những khoáng chất bổ sung quan trọng nhất giúp giữ cho đôi môi luôn căng mọng, quyến rũ. Hơn nữa, kẽm còn rất quan trọng cho một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Nguồn thực phẩm có chứa kẽm có thể được tìm thấy trong mọi thứ, từ thịt và cá đến các loại đậu. Mặc dù tình trạng thiếu hụt kẽm rất hiếm khi gặp phải nếu có một chế độ ăn uống đủ chất, việc chủ động bổ sung kẽm có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, tăng cường sự đàn hồi cho làn da và cả làn môi.

4. Môi khô do quá nhiều vitamin A

Trái ngược với các tình huống môi khô do thiếu chất, quá nhiều Vitamin A cũng có thể là một nguyên nhân gây khô môi. Vì Vitamin A có trong retinoid từ động vật và carotenoid từ thực vật, hầu hết mọi người đều có đủ trong chế độ ăn uống. Tất cả mọi thứ từ rau lá xanh đến thịt bò và trứng đều có vitamin A cần thiết cho lượng vitamin hàng ngày.

Do đó, khi sử dụng các chất bổ sung mà không có chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể dễ dàng vượt quá giới hạn tiêu thụ vitamin A. Lúc này, môi khô không phải là hậu quả đáng lo sợ do quá nhiều vitamin A mà còn gây ngộ độc, dị tật thai bẩm sinh trên thai phụ hay thậm chí có thể gây tử vong.

5. Môi khô do thiếu nước

Uống đủ nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước là rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, không chỉ giúp cải thiện chứng môi khô. Nếu một người khó uống đủ nước theo yêu cầu, việc trang bị máy tạo độ ẩm trong phòng có thể giúp ích.

7 lời khuyên của bác sĩ da liễu để chữa lành đôi môi khô nứt nẻ
Uống đủ nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước là rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể

6. Môi khô do dùng một số loại thuốc

Bên cạnh các nguyên nhân môi khô là thiếu chất khoáng, vitamin, một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ là môi khô, ví dụ như thuốc cao huyết áp.

Đồng thời, ngay cả các sản phẩm chăm sóc da có chứa retinoids cũng có thể là nguyên nhân gây nứt nẻ môi. Kem đánh răng, son môi hoặc son dưỡng môi nếu gây kích ứng môi đều có thể trở thành nguyên nhân. Vì vậy, tránh dùng son môi có chứa propyl gallate và kem đánh răng có sodium lauryl sulfate. Son dưỡng môi có paraben, phthalates hoặc các thành phần làm căng mọng như phenol và carmol có thể gây hại cho môi cũng như nếu chứa thành phần tinh dầu bạc hà.

Tóm lại, nếu một người gặp phải tình trạng môi khô nứt nẻ quanh năm và không thể ngừng sử dụng son dưỡng môi trong ngày, môi khô nứt nẻ là một trong những triệu chứng của thiếu vitamin. Hơn nữa, đây còn là một dấu hiệu cảnh báo sớm cho các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thay vì chỉ nghĩ đến nguyên nhân do thời tiết lạnh, khô đơn thuần. Lúc này, một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân đối các thành phần sẽ trở thành liệu pháp điều trị đơn giản, vừa cải thiện vẻ đẹp cho đôi môi, vừa đảm bảo sức khỏe tổng quát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: deteroutdoor.com, doctorpedia.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

120.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan