Các thành phần bị cấm & hạn chế trong mỹ phẩm

Độ an toàn của một sản phẩm mỹ phẩm phần lớn sẽ phụ thuộc vào độ an toàn của từng thành phần bên trong đó. Nhiều quốc gia đã xây dựng danh sách quy định của riêng mình về các thành phần bị cấm hay hạn chế trong mỹ phẩm. Theo đó, việc hiểu biết và biết cách kiểm tra thành phần mỹ phẩm là một điều cần thiết để lựa chọn mua mỹ phẩm an toàn và thông minh.

1. Các thành phần độc hại có được phép có trong mỹ phẩm không?

Mỹ phẩm có chứa bất kỳ thành phần nào gây hại cho người tiêu dùng khi sử dụng thường ​​là vi phạm pháp luật. Điều này đúng cho mọi sản phẩm tiêu dùng nói chung, không riêng trong lĩnh vực sản xuất và thương mại mỹ phẩm.

Tuy nhiên, có một ngoại lệ là với thuốc nhuộm tóc có thành phần bằng nhựa than đá có thể được chấp nhận. Theo luật, FDA vẫn chấp nhận thuốc nhuộm tóc bằng nhựa than đá, vì lý do vẫn có tính an toàn cho người sử dụng đúng mục đích và miễn là sản phẩm có cảnh báo đặc biệt trên nhãn và hướng dẫn kiểm tra da trước khi dùng. Đồng thời, các sản phẩm dùng nhuộm tóc là hoàn toàn không được sử dụng để nhuộm lông mi hoặc lông mày, vì có thể gây tổn hại thị lực khi tiếp xúc vào mắt.

Bên cạnh đó, cần phải thống nhất rằng một số mỹ phẩm mặc dù an toàn nhưng khi sử dụng không đúng cách thì có thể trở nên không an toàn. Chính vì thế, các nhà sản xuất mỹ phẩm luôn phải có đầy đủ hướng dẫn sử dụng hoặc các tuyên bố cảnh báo cần thiết để đảm bảo mọi người dùng sản phẩm một cách đúng nhất. Ví dụ, một số thành phần có thể an toàn trong các sản phẩm như sữa rửa mặt, giúp rửa sạch da ngay lập tức nhưng sẽ trở thành không an toàn nếu người dùng để lưu lại trên da trong nhiều giờ. Tương tự, các thành phần an toàn để sử dụng trên tóc hoặc móng tay cũng có thể không an toàn khi sử dụng trên da hoặc dây dính vào mắt.

2. Các thành phần bị cấm và hạn chế trong mỹ phẩm theo quy định của FDA

Tổ chức FDA đã thống nhất đưa ra các quy định đặc biệt nghiêm cấm hoặc hạn chế việc sử dụng các thành phần sau trong mỹ phẩm:

  • Bithionol. Việc sử dụng bithionol bị cấm, vì nó có thể gây nhạy cảm da với ánh sáng khi tiếp xúc.
  • Chlorofluorocarbon. Việc sử dụng chlorofluorocarbon để làm chất đẩy trong các sản phẩm bình xịt mỹ phẩm là bị cấm.
  • Cloroform. Việc sử dụng chloroform trong các sản phẩm mỹ phẩm bị cấm vì đây là thành phần mỹ phẩm có hại cho da và hơn nữa còn gây ung thư cho động vật trong các mô hình nghiên cứu.
  • Các salicylanilid halogen hóa (di-, tri-, metabromsalan và tetrachlorosalicylanilide). Chúng bị cấm trong các sản phẩm mỹ phẩm vì có thể gây rối loạn da nghiêm trọng.
  • Hexachlorophene. Do tác dụng độc hại và khả năng thâm nhập vào da người, hexachlorophene (HCP) chỉ có thể được sử dụng khi không có chất bảo quản nào khác được chứng minh là có hiệu quả. Nồng độ HCP trong mỹ phẩm không được vượt quá 0,1% và thành phần này là tuyệt đối không được phép có mặt trong mỹ phẩm bôi lên niêm mạc hay bán niêm mạc như môi, chì kẻ mí mắt.
Hexachlorophene là một trong các thành phần mỹ phẩm có hại cho da
Hexachlorophene là một trong các thành phần mỹ phẩm có hại cho da

  • Các hợp chất thủy ngân. Các hợp chất thủy ngân dễ dàng hấp thụ qua da khi bôi và có xu hướng tích tụ lại trong cơ thể và rất khó đào thải ra ngoài dù sau thời gian lâu dài. Khi tồn tại dưới nồng độ đủ, chúng có thể gây ra các phản ứng dị ứng, kích ứng da hoặc các vấn đề về nhiễm độc thần kinh. Việc sử dụng các hợp chất thủy ngân trong mỹ phẩm được giới hạn trong các sản phẩm dành cho vùng mắt ở mức không quá 65 phần triệu (0,0065 phần trăm). Đồng thời, thủy ngân cũng được tính là kim loại và chỉ được phép dùng nếu chứng minh được là không có chất bảo quản hiệu quả và an toàn nào khác.
  • Metylen clorua. Đây là thành phần gây ung thư ở động vật và có khả năng gây hại cho sức khỏe con người. Thành phần có nguồn gốc từ động vật. Để bảo vệ chống lại bệnh não xốp ở bò, còn được gọi là "bệnh bò điên", mỹ phẩm không được sản xuất, chế biến bằng hoặc có chứa các nguyên liệu từ gia súc hay động vật bị cấm. Tuy vậy, những nguyên liệu này không bao gồm mỡ động vật chứa không quá 0,15% tạp chất không hòa tan, các dẫn xuất từ ​​mỡ động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ da sống, sữa và các sản phẩm từ sữa.
  • Vinyl clorua. Việc sử dụng vinyl clorua bị cấm như một thành phần của các sản phẩm bình xịt vì gây ung thư não, gan phổi và các vấn đề sức khỏe khác.
  • Phức hợp chứa Zirconi. Việc sử dụng các phức hợp chứa zirconium trong các sản phẩm mỹ phẩm dạng xịt bị cấm, vì tác dụng độc hại của chúng đối với phổi của động vật trong mô hình nghiên cứu, cũng như sự hình thành u hạt ở da người.

Tóm lại, khi nhu cầu sử dụng mỹ phẩm ngày càng phổ biến, các thành phần trong mỹ phẩm ngày càng đa dạng và phong phú nhờ vào việc không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Trong quá trình này, những thành phần mỹ phẩm có hại cho da đã được ghi nhận và xác định là cần nghiêm cấm hay chỉ dùng với nồng độ hạn chế. Đồng thời, người dùng không chỉ cần biết kiểm tra thành phần mỹ phẩm mà còn phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng để đảm bảo an toàn cho da cũng như đạt được mục tiêu thẩm mỹ như mong muốn.

Nếu cần tư vấn thêm thông tin về việc lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da phù hợp với tình trạng hiện tại, bạn có thể gửi câu hỏi tới Website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được bác sĩ, chuyên gia da liễu chia sẻ và có những tư vấn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: chemsafetypro.com - fda.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan