Khi nào nên đi khám tim mạch?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bệnh tim mạch thường diễn biến thầm lặng nhưng lại gây ra những hậu quả nặng nề. Nhiều người thậm chí đã nhận ra những dấu hiệu cần đi khám tim mạch nhưng nghĩ là không sao và thường bỏ qua, dẫn đến khi phát hiện chữa trị thì hầu hết đã quá muộn.

1. Dấu hiệu cần đi khám tim mạch

1.1 Khó thở

Bệnh nhân bị khó thở đột ngột, khó thở khi nằm nghỉ, phải bật dậy để thở, hay khó thở khi về đêm. Đặc biệt, người bệnh thường khó thở mỗi lúc gắng sức, chẳng hạn như sau khi tập thể dục, làm việc nặng.

Nguyên nhân của khó thở đôi khi là do chứng nghẽn mạch phổi do xuất hiện cục máu đông, làm nghẽn mạch máu trong phổi, dẫn đến thiếu oxy hoặc đang lên cơn đau tim, trụy tim. Triệu chứng này tuy đôi lúc có vẻ mờ nhạt nhưng khá và nguy hiểm đến tính mạng, khiến người bệnh phải cố gắng thở gấp do tình trạng thiếu không khí và cảm thấy rất khó chịu. Khi rơi vào tình huống này, tốt nhất nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.

1.2 Đau thắt ngực (đau vùng tim)

Đau thắt ngực là một trong những dấu hiệu cần đi khám tim mạch nhưng cũng có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác không liên quan đến tim mạch. Đối với bệnh lý tim mạch, ngoài đau tức ngực do viêm cơ tim thì nguyên nhân gây ra tình trạng này còn là do giảm hoặc tắc nghẽn dòng máu tới oxy cho cơ tim (thường gặp do hẹp mạch vành). Đa phần các ca đau thắt ngực sẽ thuyên giảm rõ rệt khi dòng máu tới cơ tim được cải thiện (bằng việc dùng thuốc hay các phương pháp can thiệp khác).

Tuy nhiên, trên lâm sàng, biểu hiện cơn đau thắt ngực có khi ở mức độ nhẹ, thoáng qua và xảy ra khá bất chợt nên đa phần bệnh nhân khó có thể nhận biết. Mặt khác, nhiều người thấy có dấu hiệu đau tức ngực nhưng lại coi thường, bỏ qua, ít quan tâm vì nghĩ rằng tình trạng này không ảnh hưởng nhiều, trong khi đau thắt ngực có khả năng sẽ chuyển biến thành dạng nguy hiểm. Vì vậy, nếu thường cảm thấy đau thắt vùng ngực, tức ngực bất thường thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân và điều trị sớm nếu phát hiện bệnh. Trong cơn đau thắt ngực, nếu làm xét nghiệm điện tâm đồ thường sẽ thấy biểu hiện thiếu máu cơ tim.

Khám tin mạch
Đau thắt ngực báo hiệu tình trạng thiếu máu cơ tim

1.3 Đánh trống ngực, hồi hộp

Dấu hiệu đánh trống ngực (hay tim đập mạnh) được mô tả là khi người bệnh có cảm giác tim đập thình thịch hoặc đập dồn dập trong lồng ngực, có thể xuất phát từ việc bệnh nhân đang hồi hộp, lo lắng vấn đề gì đó hoặc do vừa vận động thể lực cường độ mạnh, gặp phải căng thẳng kéo dài. Tuy nhiên, đánh trống ngực đôi khi lại là dấu hiệu cần đi khám tim mạch, vì rất có thể đó là báo hiệu của nhồi máu cơ tim hay loạn nhịp tim.

1.4 Phù chân (nhất là ở mắt cá chân)

Phù là hiện tượng ứ nước ở bên trong các tổ chức dưới da hoặc phủ tạng trong cơ thể. Đặc điểm của tình trạng phù do tim mạch là phù tím, thường gặp nhất là phù chân (đặc biệt nhận thấy rõ ở vùng mắt cá chân). Nếu phù do suy tim phải thì thường sẽ kèm theo các dấu hiệu ứ đọng dịch ở các cơ quan tuần hoàn khác như tĩnh mạch cổ nổi, hay tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm. Bệnh nhân cần phân biệt triệu chứng với phù chân của suy tĩnh mạch sâu chi dưới hoặc suy bạch mạch chân: Mức độ phù ở 2 chân chênh nhau, sáng ngủ dậy thì phù biến mất và có thể đã kèm tình trạng khập khiễng cách hồi.

1.5 Chóng mặt vào sáng sớm ngủ dậy hoặc có ngất

Đây là một trong những dấu hiệu cần đi khám tim mạch. Bệnh nhân thường chóng mặt vào lúc sáng sớm, lý do thường gặp là vì hiện tượng tụt huyết áp tư thế đứng (hay huyết áp thế đứng), bắt nguồn từ bệnh lý tim mạch như trụy tim mạch, hay phản ứng phụ từ các loại thuốc điều trị bệnh đang dùng kể cả thuốc lợi tiểu và thuốc huyết áp, hoặc các bệnh lý khác như đái tháo đường, bệnh Parkinson. Ngoài ra, chóng mặt nói chung cũng có thể là do rối loạn tiền đình ốc tai, dẫn đến mất cân bằng tư thế. Bên cạnh đó, những người hay bị ngất nhiều khả năng đã mắc bệnh tim mạch từ trước đó. Do vậy, bệnh nhân cần đi khám để xác định nguyên nhân và tiến hành điều trị sớm.

1.6 Tím tái da và niêm mạc

Thông thường với cơ thể khỏe mạnh, máu lưu thông và tuần hoàn tốt, da sẽ có màu hồng, chạm vào thấy ấm. Còn nếu có bệnh liên quan đến thiếu máu, dẫn đến thiếu oxy, da sẽ trở nên xanh tím, tái đi, lúc đầu có thể màu sắc da và niêm mạc chỉ xanh tím ở môi, móng tay, móng chân, sau quá trình làm việc nặng thì triệu chứng tím tái có thể xuất hiện toàn thân. Nguyên nhân rất có thể là do mắc phải một bệnh tim mạch nào đó, dẫn tới hạn chế lưu thông máu, cần phải đi khám xác định bệnh.

2. Khám tim mạch ở đâu uy tín?

Bệnh tim mạch tuy ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và nguy cơ dẫn đến tử vong, nhưng người bệnh hoàn toàn có thể hạn chế tối đa nguy cơ và cải thiện chất lượng sống bằng cách thăm khám từ sớm và tiến hành điều trị kịp thời tại một cơ sở uy tín và có chuyên môn cao về tim mạch.

Khi nhận thấy các dấu hiệu cần đi khám tim mạch, người bệnh cần được chẩn đoán và tiến hành điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan