Kháng sinh đồ - giải pháp giảm thiểu đề kháng kháng sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS.BS Đoàn Mai Phương - Phó Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Kháng sinh đồ là kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự kháng thuốc của vi khuẩn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tình trạng kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Số chủng vi khuẩn kháng thuốc gia tăng một cách đáng ngại. Vậy kháng sinh đồ là gì?

1. Định nghĩa kháng sinh đồ

Kháng sinh đồ là phương pháp thực hiện nhằm xác định mức độ nhạy cảm của kháng sinh thử nghiệm đối với vi khuẩn gây bệnh, cũng có nghĩa là phát hiện sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn thử nghiệm.

Ngày nay có rất nhiều phương pháp kháng sinh đồ, trong đó phương pháp khoanh giấy kháng sinh khuếch tán trong thạch được áp dụng phổ biến nhất nhờ kỹ thuật đơn giản, thực hiện dễ dàng.

2. Đối tượng thực hiện kháng sinh đồ

Tất cả các trường hợp bệnh nhân nghi ngờ nhiễm khuẩn và có nguy cơ kháng thuốc kháng sinh.

Các trường hợp bệnh nhân có sốt (triệu chứng nhiễm khuẩn) và chưa sử dụng kháng sinh khi mới nhập viện nên ưu tiên làm kháng sinh đồ để đạt kết quả cao.


Tất cả trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn nên làm kháng sinh đồ
Tất cả trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn nên làm kháng sinh đồ

3. Phương pháp kháng sinh đồ

3.1. Mẫu bệnh phẩm

Mẫu bệnh phẩm được lấy ở những vị trí cơ quan mà vi khuẩn phát triển gây nên tình trạng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân. Các mẫu bệnh phẩm thường lấy là máu, nước tiểu, đờm, dịch mũi, dịch hầu họng, dịch não tủy...

Sau khi lấy, mẫu bệnh phẩm này sẽ được nuôi cấy trên những môi trường khác nhau để vi khuẩn gây bệnh phát triển. Từ đó, vi khuẩn gây bệnh sẽ được phân lập trên môi trường nuôi cấy thích hợp để lựa chọn thực hiện kháng sinh đồ.

3.2. Các phương pháp kháng sinh đồ

Có nhiều phương pháp kháng sinh đồ như sau

  • Phương pháp định lượng tìm MIC, pha loãng kháng sinh trong thạch hoặc canh thang nhằm xác định nồng độ tối thiểu của kháng sinh ức chế vi khuẩn.
  • Phương pháp định tính khoanh giấy kháng sinh khuếch tán trong thạch (Kirby Bauer) thường được áp dụng để xác định độ nhạy cảm của vi khuẩn với những kháng sinh khác nhau.
  • Phương pháp phát hiện enzyme do vi khuẩn sinh ra có khả năng phá hủy kháng sinh (enzyme beta lactamase).

Hình ảnh minh họa kỹ thuật khoanh giấy kháng sinh khuếch tán
Hình ảnh minh họa kỹ thuật khoanh giấy kháng sinh khuếch tán

3.3. Phương pháp khuếch tán kháng sinh trong thạch

Phương pháp khoanh giấy kháng sinh khuếch tán trong thạch hay phương pháp Kirby - Bauer là một phương pháp đơn giản, phổ biến nhất vì dễ thực hiện hàng ngày ở phòng xét nghiệm với nhiều quy mô khác nhau.

Các bước tiến hành của kỹ thuật khuếch tán kháng sinh trong thạch:

  • Nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm rồi nuôi cấy trên đĩa thạch có chứa môi trường dinh dưỡng đặc biệt để nuôi cấy vi khuẩn gây bệnh.
  • Lựa chọn dòng thuần vi khuẩn gây bệnh bằng cách phân lập và định danh.
  • Một lượng vi khuẩn thích hợp được lấy và trải trên đĩa thạch, đặt các đĩa kháng sinh vào đĩa thạch (đĩa kháng sinh là những mảnh giấy tròn có tẩm kháng sinh với hàm lượng nhất định).
  • Các đĩa thạch được ủ ấm ở nhiệt độ 35 - 37 ̊C.
  • Sau 24 - 48 giờ tiến hành đọc kết quả: kháng sinh từ khoanh giấy khuếch tán ra môi trường thạch ức chế sự phát triển của vi khuẩn, vì thế tạo vòng tròn không có vi khuẩn hay còn gọi là vùng ức chế xuất hiện trên bề mặt đĩa thạch. Dựa vào đường kính của vùng ức chế chúng ta sẽ xác định được độ nhạy của kháng sinh cũng như độ kháng kháng thuốc của vi khuẩn. Đường kính vùng ức chế tỷ lệ thuận với mức độ nhạy cảm. Ví dụ:

+ Đường kính ≤ 11mm: Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

+ Đường kính 12 - 15mm: Trung gian.

+ Đường kính ≥ 16mm: Kháng sinh nhạy với vi khuẩn gây bệnh.

Từ kết quả kháng sinh đồ, bác sĩ sẽ lựa chọn các loại kháng sinh có độ nhạy cao để đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Các yếu tố dẫn đến sai sót kết quả kháng sinh đồ như: Môi trường thạch, vi khuẩn và khoanh giấy đã thấm kháng sinh.

4. Ý nghĩa của kháng sinh đồ

Xác định và định danh được vi khuẩn gây bệnh, đồng thời đánh giá mức độ nhạy cảm của kháng sinh đó đối với vi khuẩn gây bệnh giúp

  • Trên lâm sàng, các bác sĩ sẽ chọn lựa kháng sinh tốt nhất, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh quá đà để giảm thiểu tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.
  • Tập hợp những thông tin dịch tễ học về sự đề kháng của vi khuẩn gây bệnh quan trọng đối với các kháng sinh hiện có. Từ đó xây dựng các hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong điều trị khi chưa có kết quả kháng sinh đồ.

Việt Nam đã hưởng ứng kêu gọi của WHO “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013), với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh. Kỹ thuật kháng sinh đồ giúp cho việc lựa chọn kháng sinh phù hợp nhất, tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh, góp phần giảm thiểu tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.

Kháng sinh đồ giúp ngăn chặn sự gia tăng của các chủng vi khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm khuẩn nên làm kháng sinh đồ. Mỗi người dân cùng chung tay góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe