Khắc phục chứng tiểu đêm thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Với kinh nghiệm trên 36 năm trong nghề, bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý về nội tiết – đái đường và thận.

Tiểu đêm là triệu chứng phổ biến ở cả nam lẫn nữ, đặc biệt là người lớn tuổi. Bệnh nhân phải thức dậy đi tiểu nhiều lần giữa đêm, làm gián đoạn giấc ngủ, gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Vậy tiểu đêm có nguy hiểm không và tiểu đêm nhiều uống thuốc gì thì khỏi?

1. Bệnh tiểu đêm và cách điều trị

Thông thường, một người khỏe mạnh sẽ đi tiểu khoảng 8 lần/ngày, trong đó có 7 lần vào ban ngày và 1 lần vào ban đêm với lượng nước tiểu mỗi lần tương đương 300 ml. Nếu phải tiểu tiện nhiều lần vào ban đêm gây gián đoạn giấc ngủ, trái ngược với đái dầm ở trẻ em, thì được gọi là hội chứng tiểu đêm.

Có nhiều nguyên nhân gây tiểu đêm, một trong số đó là nhóm nguyên nhân bệnh lý, hay còn gọi là thực thể. Để có phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, bác sĩ cần thăm khám và đánh giá kết quả xét nghiệm cận lâm sàng nhằm tìm ra chính xác căn bệnh là nguyên nhân gây triệu chứng tiểu đêm.

Khi có dấu hiệu tiểu khó, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời và điều trị triệt để tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu, hoặc các bệnh lý mãn tính khác như suy thận, tiểu đường, u xơ tuyến tiền liệt, sỏi niệu quản, sa tử cung hoặc các bệnh liên quan đến chức năng thần kinh.

Đối với u xơ làm phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh cần đi khám xem mức độ bệnh cụ thể nhằm có hướng điều trị đúng đắn cả nội lẫn ngoại khoa. Khám tầm soát tuyến tiền liệt hằng năm là cách giúp nam giới > 40 tuổi phát hiện sớm bệnh và nhất là phòng ngừa được khối u ác tính.


Khi có dấu hiệu tiểu khó, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời và điều trị triệt để
Khi có dấu hiệu tiểu khó, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời và điều trị triệt để

2. Điều trị tiểu đêm do chức năng

2.1. Chế độ ăn uống

Để hạn chế tình trạng tiểu đêm vào buổi tối do chức năng (ngoài bệnh lý), đầu tiên bệnh nhân cần thay đổi và điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho phù hợp hơn, cụ thể là:

  • Bỏ thói quen uống nhiều nước, rượu bia, cà phê hoặc trà vào buổi tối;
  • Giảm ăn các loại canh có thành phần lợi tiểu như rau cải, mướp, bầu... vào bữa cơm chiều;
  • Tăng cường rau xanh và chất xơ;
  • Không ăn quá nhiều thịt hoặc ăn quá mặn;
  • Hạn chế ăn trái cây chứa nhiều nước như dưa hấu, bưởi, cam... trước khi đi ngủ.

2.2. Yếu tố tâm lý

Thường xuyên tiểu đêm nhiều do yếu tố tâm lý không ổn định có thể gặp ở người trẻ lẫn người già. Vì vậy, xung quanh vấn đề bệnh tiểu đêm và cách điều trị, cần lưu ý:

  • Tránh lo lắng, căng thẳng quá mức dẫn tới mất ngủ;
  • Tập trung làm việc để không chú ý đến nhu cầu đi tiểu;
  • Tạo thói quen đi tiểu trước khi đi ngủ và đúng giờ trong ngày;
  • Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, đề phòng stress...

Cải thiện sức khỏe tinh thần và xây dựng thực đơn hợp lý không chỉ hỗ trợ khắc phục hội chứng tiểu nhiều về đêm, mà còn có tác động tích cực đến những bệnh nhân bị tiểu gắt hoặc tiểu buốt.

2.3. Một số nguyên nhân khác

Nhóm nguyên nhân gây tiểu đêm nằm ngoài bệnh lý còn bao gồm:

  • Tác động của thuốc có tính lợi tiểu;
  • Nhau thai tiết dịch và tử cung chèn ép bàng quang khi mang thai;
  • Giảm chức năng cô đặc nước tiểu của thận ở người lớn tuổi;
  • Phản xạ thần kinh điều khiển bàng quang bị rối loạn.

Những trường hợp tiểu đêm vì nguyên nhân chức năng như trên có thể khắc phục bằng cách không uống thuốc lợi tiểu hoặc thuốc hạ huyết áp (nhóm ức chế kênh canxi) vào buổi tối. Massage hoặc ngâm vùng hậu môn bằng nước ấm cũng là một gợi ý giúp cải thiện tình trạng này.

Bên cạnh đó, khi thức dậy đi tiểu vào nửa đêm cần bình tĩnh ngồi chậm rãi, đợi đến khi tỉnh táo hẳn rồi mới bước ra khỏi giường để tránh tai biến mạch máu não. Ở các vùng quê nên chuẩn bị sẵn bô để người già đi tiểu về đêm nếu không có buồng vệ sinh trong nhà, không nên ra ngoài trời để đi tiểu vào nửa đêm.

3. Tiểu đêm nhiều uống thuốc gì?


Một số món ăn, bài thuốc của y học cổ truyền có công dụng dự phòng, hỗ trợ trị liệu chứng tiểu đêm bệnh nhân
Một số món ăn, bài thuốc của y học cổ truyền có công dụng dự phòng, hỗ trợ trị liệu chứng tiểu đêm bệnh nhân

Các bác sĩ khuyến cáo cần phải xác định nguyên nhân bệnh tiểu đêm chính xác mới có thể cải thiện được tình trạng này. Đối với nhóm nguyên nhân tiểu đêm thực thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ chữa trị bệnh lý để làm giảm triệu chứng tiểu đêm. Trong trường hợp tiểu đêm là do suy giảm chức năng, bệnh nhân nên chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Khi tiểu đêm gây phiền toái cho cuộc sống và không thể cải thiện bằng các phương pháp khắc phục tại nhà, bạn nên đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được chẩn đoán xác định nguyên nhân và can thiệp điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hàng đầu tại Vinmec sẽ thực hiện các phương pháp thăm khám cần thiết tìm ra nguyên nhân gây hội chứng tiểu đêm và đưa ra các tư vấn điều trị hiệu quả nhất, giúp bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe