Hội chứng Guillain – Barre ở trẻ em: Những điều cần biết

Hội chứng Guillain - Barre ở trẻ em là bệnh lý hiếm gặp, là nguyên nhân gây liệt mềm cấp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân Guillain - Barre có nguy cơ tử vong cao do suy hô hấp hoặc sặc phổi do rối loạn chức năng nuốt, hoặc ngừng tim do tổn thương thần kinh chi phối tim.

1. Hội chứng Guillain - Barre ở trẻ em là gì?

Hội chứng Guillain - Barre là một bệnh lý thần kinh ngoại biên mắc phải được gọi là bệnh viêm đa rễ dây thần kinh mất myelin cấp tính (Acute Demyelinating Polyradiculoneuropathy) hoặc liệt Landry. Đây là chứng rối loạn do hệ miễn dịch tấn công vào một phần hệ thần kinh ngoại biên. Tình trạng này gây tổn thương dây thần kinh, gây viêm, dẫn đến liệt hoặc yếu cơ nếu không được chữa trị kịp thời.

Triệu chứng điển hình của bệnh là liệt mềm ngoại biên cấp, tiến triển từ vài ngày đến dưới 4 tuần và có nhiều thể lâm sàng khác nhau. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường là trẻ trên 2 tuổi. Cá biệt, bệnh có thể gặp ở trẻ sơ sinh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hội chứng Guillain - Barre có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường như sặc phổi, suy hô hấp, ngừng tim, thậm chí là tử vong.

2. Nguyên nhân gây hội chứng Guillain Barre ở trẻ em

Hiện nguyên nhân chính xác gây hội chứng Guillain - Barre vẫn chưa được xác định rõ. Bệnh thường xuất hiện sau vài ngày hoặc vài tuần khi bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Đôi khi, phẫu thuật hoặc tiêm chủng cũng có thể gây ra hội chứng này.

Bệnh thường xảy ra sau khi bệnh nhân mắc phải các vấn đề sau:

  • Nhiễm siêu vi: Coxsackie virus, influenzae, sởi, rubella, cytomegalovirus, epstein-barr virus, herpes simplex, echovirus;
  • Nhiễm trùng: Campylobacter Jejuni, Mycoplasma Pneumoniae, Salmonella, ho gà;
  • Chủng ngừa: Bại liệt, quai bị, uốn ván, sởi, viêm gan,...;
  • Bệnh hệ thống: Lupus, Sarcoidosis, Lymphoma.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Guillain - Barre:

  • Giới tính: Bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bé gái;
  • Mắc các bệnh lý về hô hấp và tiêu hóa như cúm, viêm phổi do Mycoplasma, bệnh tiêu hóa;
  • Nhiễm trùng đường sinh dục;
  • Bạch cầu đơn nhân;
  • Bệnh Hodgkin.

3. Triệu chứng hội chứng Guillain - Barre ở trẻ em

  • Có triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm siêu vi đường hô hấp, đường tiêu hóa hoặc chủng ngừa trước đó 1 - 4 tuần;
  • Tê rần, ngứa ran ở chân, yếu cơ, lan ra cánh tay hoặc phần thân trên;
  • Tay và chân mất phản xạ;
  • Đau các cơ;
  • Không thể di chuyển hoặc vận động một cách thoải mái;
  • Tụt huyết áp;
  • Đỏ bừng mặt;
  • Toát mồ hôi;
  • Phù chi liệt;
  • Nhịp tim bất thường;
  • Mờ mắt hoặc bị chứng song thị (nhìn thấy 2 ảnh của cùng một vật);
  • Khó nuốt;
  • Giọng nói thay đổi;
  • Bí tiểu;
  • Tiểu không tự chủ;
  • Khó thở.

Khi trẻ có các biểu hiện trên, phụ huynh cần đưa trẻ vào viện ngay bởi các triệu chứng bệnh sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn trong thời gian rất ngắn.

4. Chẩn đoán hội chứng Guillain – Barre ở trẻ em

Hội chứng Guillain – Barre ở trẻ em: Những điều cần biết
Hội chứng Guillain – Barre ở trẻ em: Tay và chân mất phản xạ

  • Chẩn đoán dựa trên tiền sử và triệu chứng lâm sàng;
  • Lấy dịch não tủy: Phân ly protein tế bào, protein tăng thường từ tuần thứ 2, cao nhất vào ngày thứ 10, tế bào bình thường và dịch não tủy cũng có thể bình thường;
  • Đo điện cơ: Chẩn đoán sớm, nhạy và chính xác hơn tăng protein dịch não tủy. Điện thế hoạt động giảm hoặc mất, điện thế giao thoa giảm về tần số và biên độ (liệt nặng điện thế giao thoa mất), tốc độ dẫn truyền xung động vận động giảm;
  • Xét nghiệm để theo dõi, tiên lượng hoặc phân biệt với các bệnh khác: Khí máu động mạch khi cần hỗ trợ hô hấp, ion đồ chẩn đoán phân biệt liệt cơ do hạ Kali là một bệnh có tính gia đình;
  • Cần chẩn đoán phân biệt với bệnh viêm tủy cắt ngang, nhược cơ, sốt bại liệt, viêm đa dây thần kinh, viêm đa cơ.

5. Điều trị hội chứng Guillain – Barre ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị gồm điều trị nâng đỡ và điều trị đặc hiệu. Cụ thể là:

5.1 Điều trị nâng đỡ

Hỗ trợ hô hấp và săn sóc hồi sức, nâng cao hiệu quả điều trị. Thông thường, các biện pháp như thở oxy, thở áp lực dương qua mũi, thở máy giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc hội chứng Guillain – Barre.

  • Chỉ định hỗ trợ hô hấp cho các trường hợp: Không nuốt được, ứ đọng đàm nhớt nhiều; thở gắng sức, thở yếu không hiệu quả; PaO2 < 60 mmHg, PaCO2 > 50 mmHg; tím tái, ngưng thở; áp lực hít vào tối đa < 30 cmH2O, áp lực thở ra tối đa < 40 cmH2O, dung tích sống giảm > 20%;
  • Monitor tim mạch khi có rối loạn nhịp tim;
  • Dùng thuốc giảm đau và chống sốc tâm lý do liệt kéo dài;
  • Dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng tiết niệu do nằm lâu một chỗ;
  • Tập vật lý trị liệu.

5.2 Điều trị đặc hiệu

  • Tách kháng thể khỏi huyết tương: Các tế bào hồng cầubạch cầu được tách ra khỏi huyết tương. Sau đó, các tế bào máu không có huyết tương sẽ được đưa trở lại vào cơ thể bệnh nhân;
  • Truyền tĩnh mạch liều cao Immunoglobulin 400 mg/kg/ngày x 5 ngày để giảm tỷ lệ cần hô hấp hỗ trợ, giảm tử vong và rút ngắn thời gian phục hồi. Hiệu quả của phương pháp này tương đương lọc huyết tương và ít tác dụng phụ hơn;
  • Sử dụng thuốc làm loãng máu.
Hội chứng Guillain – Barre ở trẻ em: Những điều cần biết
Sử dụng thuốc làm loãng máu điều trị hội chứng Guillain – Barre ở trẻ em

Nếu được điều trị kịp thời, đa số bệnh nhi mắc hội chứng Guillain – Barre sẽ được hồi phục hoàn toàn. Các phương pháp điều trị có hiệu quả nhất khi được tiến hành trong vòng 2 tuần đầu sau khi bệnh khởi phát. Để hạn chế diễn tiến của bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ tái khám đúng lịch hẹn, nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống thuốc hoặc tự ý bỏ thuốc để tránh di chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan