Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt.
Lão thị là một phần của sự lão hóa của con người và thường gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Một ngày nào đó khi bản thân bạn hoặc người thân trong gia đình cần phải cầm quyển sách hoặc tờ báo cách xa mắt mới có thể nhìn rõ chữ, hoặc thường nhầm lẫn giữa các con số thì có thể lão thị đã “ghé thăm”. Vậy lão thị là gì và cách khắc phục như thế nào?
1. Lão thị là gì?
Lão thị là tật ở mắt gây ra sự suy giảm thị lực, biểu hiện ở việc khó khăn khi nhìn gần với khoảng cách 30 - 35cm. Lão thị mang tính chất sinh lý do tuổi già.
2. Nguyên nhân gây ra tật lão thị
Bình thường, một cơ vòng bao xung quanh thủy tinh thể có thể co giãn để làm thay đổi độ cong của thủy tinh thể và điều chỉnh thị lực xa hoặc gần. Nhưng với lão thị, cơ vẫn bình thường nhưng thủy tinh thể trở nên xơ cứng hơn và khó thay đổi hình dạng. Hậu quả là hình ảnh rơi ra đằng sau điểm vàng ở võng mạc, vì vậy thị lực nhìn gần bị mờ.
3. Đối tượng thường gặp của lão thị
Lão thị xảy ra với tất cả mọi người sớm hoặc muộn, nhưng thường sẽ cảm nhận khá rõ nét vào khoảng sau 40 tuổi. Bệnh không phân biệt giới tính nam hay nữ. Không giống như các tật mắt khác như viễn thị, cận thị hay loạn thị, lão thị là vấn đề không thể tránh khỏi, được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến 1.4 tỉ người đến trước năm 2020.
4. Yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc lão thị
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này như:
- Tuổi tác: Tuổi là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với chứng lão thị. Hầu hết mọi người đều trải qua một số mức độ nào đó của chứng lão thị sau tuổi 40;
- Các bệnh kèm theo: Thường xuyên bị đau mắt hoặc đái tháo đường, bệnh tim mạch có thể làm tăng nguy cơ bị chứng lão thị sớm, đó là chứng lão thị ở những người dưới 40 tuổi;
- Thuốc: Một số loại thuốc có liên quan đến các triệu chứng mãn kinh sớm, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin và thuốc lợi tiểu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
5. Các triệu chứng hay gặp của bệnh là gì?
- Khó đọc chữ viết hoặc chữ được in quá nhỏ;
- Không thể nhìn rõ các chữ ở khoảng cách gần;
- Gặp khó khăn nhìn các vật ở gần;
- Mỏi mắt hoặc nhức đầu sau khi đọc sách báo;
- Cảm giác mỏi mắt khi tập trung cao độ vào chữ hoặc vật;
- Cần đèn sáng hơn để có thể đọc được;
- Thường xuyên phải nheo mắt.
6. Điều trị lão thị
6.1. Sử dụng kính lão thị
Nếu bệnh nhân có thị lực tốt trước khi bị lão thị, người bệnh chỉ cần đeo kính lão thị để cải thiện triệu chứng nhìn mờ. Các loại kính lão thị phổ biến hiện nay gồm:
- Kính hai tròng: có 2 loại, loại có đường kẻ ngang nhìn thấy và loại không có đường kẻ (loại kính 2 tròng cải tiến). Kính hai tròng cải tiến thay đổi dần từ mức nhìn xa ở ngang tầm mắt tới mức nhìn gần dùng để đọc nằm ở đáy kính;
- Kính ba tròng: Loại kính này sẽ có ích khi bệnh nhân mất hầu hết khả năng hội tụ. Người bệnh sẽ có sự điều chỉnh để nhìn gần, nhìn xa trung bình và nhìn xa ngay trong một thấu kính;
- Kính áp tròng mono: Với kính áp tròng mono, bệnh nhân mang kính áp tròng điều chỉnh thị lực nhìn xa ở mắt thuận và kính áp tròng điều chỉnh thị lực nhìn gần ở mắt không thuận. Mắt dùng để nhìn gần sẽ hơi bị lóa khi nhìn xa nhưng hầu hết mọi người đều có thể thích nghi được;
- Kính áp tròng hai tròng: Nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu khi nhìn hình ảnh ở gần hoặc xa bị mờ khi đeo kính áp tròng mono thì kính áp tròng hai tròng có thể là một lựa chọn cho thích hợp;
- Kính mono cải tiến: Với loại kính lão thị này, bệnh nhân đeo kính áp tròng hai tròng ở mắt không thuận và một kính áp tròng để nhìn xa ở mắt thuận. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ dùng cả hai mắt để nhìn xa và chỉ dùng một mắt để đọc gần.
6.2. Phẫu thuật
- Phẫu thuật đặt kính nội nhãn: Phẫu thuật Phaco lấy thủy tinh thể, đặt kính nội nhãn đa tiêu giúp bệnh nhân có thể đạt thị lực tốt ở mọi cự ly;
- Phẫu thuật Near Vision CK: Bằng cách tạo hình giác mạc, chỉ thực hiện trên một mắt bệnh nhân nhằm điều chỉnh thành tình trạng đơn thị (1 mắt nhìn xa, 1 mắt nhìn gần). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng NearVisionCK sẽ điều trị lão thị hiệu quả nhưng chỉ tạm thời và hiệu quả giảm đi theo thời gian;
- Phẫu thuật PresbyLASIK: Là phương pháp mới điều chỉnh lão thị đã được thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ. Phương pháp này dùng Laser Excimer tạo các vòng đa tiêu trực tiếp trên bề mặt giác mạc cho phép mắt có thể nhìn rõ ở mọi cự ly.
7. Dự phòng bệnh lão thị như thế nào?
- Chế độ ăn uống phù hợp: Nên duy trì chế độ dinh dưỡng giàu vitamin có lợi với mắt nhất là các vitamin A, B, E. Nên ăn nhiều rau quả có màu vàng và lá xanh đậm vì chúng chứa các vitamin cần thiết và có lợi cho mắt, giúp mắt luôn hoạt động tốt, ngăn ngừa thoái hóa mắt;
- Đeo kính và sử dụng mũ rộng vành: Khi đi ra ngoài nên đeo kính mát hoặc đội nón để tránh tia cực tím ảnh hưởng đến mắt;
- Đi khám mắt khi có triệu chứng lạ về mắt, gặp bác sĩ chuyên khoa để có những lời khuyên hữu ích;
- Sử dụng ánh sáng phù hợp khi đọc sách hoặc làm việc ở nơi thiếu ánh sáng;
- Nhận biết các triệu chứng bất thường tại mắt để khám và chẩn đoán kịp thời.
8. Khám lão thị ở đâu uy tín?
Người bệnh có dấu hiệu của lão thị nên chọn khám tại các bệnh viện uy tín, có chuyên môn khám chữa bệnh cao và đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại để cho kết quả khám nhanh chóng và chính xác. Chuyên khoa Mắt thuộc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những cơ sở y tế hàng đầu với chất lượng toàn diện về cả chuyên môn và dịch vụ y tế mà người bệnh nên chọn.
Đội ngũ y bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đã triển khai nhiều loại phẫu thuật từ thường quy đến các phẫu thuật khó, đặc biệt là các kỹ thuật đòi hỏi tính thẩm mỹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.