Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hẹp niệu đạo ở nam giới không phải là một bệnh lý thường gặp, nếu không được quan tâm đúng mức và tích cực điều trị, diễn tiến hẹp niệu đạo lâu ngày không chỉ gây rối loạn chức năng bài tiết mà còn là dẫn đến bế tắc đường tiểu, suy thận hay tăng nguy cơ vô sinh.
1. Hẹp niệu đạo ở nam giới là gì?
Niệu đạo là một cơ quan thuộc hệ bài tiết. Sau khi máu được lọc qua hai quả thận, lượng nước tiểu hình thành sẽ được dẫn quan hai niệu quản, lưu trữ ở bàng quang trước khi được tống xuất ra ngoài qua niệu đạo. Niệu đạo nữ rất ngắn, vừa ra khỏi bàng quang đã đến lỗ tiểu nên rất khó bị tổn thương. Niệu đạo nam dài hơn do chạy thêm một đoạn dưới vùng đáy chậu và dương vật, không phải là một ống tròn đều xuyên suốt mà có những chỗ hẹp, chỗ rộng và cũng dễ bị tổn thương hơn.
Hẹp niệu đạo là tình trạng lòng niệu đạo bị hẹp lại do viêm, xơ hoặc do bất cứ một lý do nào khác. Do khác nhau về cấu trúc giải phẫu, bệnh lý này thường xảy ra ở nam giới hơn nữ giới và có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Khi đó, người bệnh thường thấy dòng nước tiểu yếu hoặc dòng chảy đôi. Nếu hẹp niệu đạo nặng, dòng nước tiểu có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn.
2. Các nguyên nhân gây hẹp niệu đạo ở nam giới là gì?
Những nguyên nhân phổ biến gây hẹp niệu đạo thường là do các chấn thương tác động từ bên ngoài vào, ví dụ sau chấn thương tại vùng tầng sinh môn do té xoạc chân sang hai bên kiểu ngồi ngựa và rơi vào vật cứng như khung chiếc xe đạp, cầu khỉ,... cũng như sau các chấn thương lớn đụng dập vùng chậu do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Những chấn thương này có thể kèm hoặc không kèm gãy vỡ xương chậu nhưng thường dập, dứt, rách niệu đạo cùng các mạch máu nuôi. Do đó, sau một thời gian, đoạn niệu đạo không được máu nuôi sẽ bị xơ hóa và hẹp dần với mức độ tắc nghẽn dòng nước tiểu tùy vào tốc độ xơ hẹp của nó.
Chấn thương niệu đạo có thể từ các nguồn tác động bên trong như sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, các thủ thuật liên quan tới niệu đạo (đặt ống thông niệu, nội soi bàng quang) hay do bản thân tự nhét những vật cứng, que nhọn vào đường tiểu (thường gặp ở trẻ nhỏ hay người bệnh tâm thần).
Ngoài ra, hẹp niệu đạo ở nam giới cũng là hệ quả của các bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái đi tái lại nhiều lần, bao gồm cả các tác nhân lây truyền qua đường tình dục, nhiễm trùng hay viêm tuyến tiền liệt, ung thư đường tiết niệu và các dị tật bẩm sinh của niệu đạo.
3. Hẹp niệu đạo có thể gây vô sinh hay không?
Do không chỉ tham gia vào hệ tiết niệu, niệu đạo còn là một phần quan trọng của hệ sinh dục ở nam giới. Theo đó, ngoài nhiệm vụ chính là ống dẫn nước tiểu ra bên ngoài cơ thể, niệu đạo cũng có vai trò trong việc xuất tinh ở nam giới và đạt khoái cảm khi quan hệ tình dục. Ở nam giới khỏe mạnh, niệu đạo là đủ rộng cho nước tiểu chảy tự do khỏi bàng quang và phóng tinh vào cơ quan sinh dục của người nữ. Chính vì vậy, hẹp niệu đạo sau chấn thương, viêm hoặc nhiễm khuẩn không chỉ gây cản trở dòng nước tiểu mà còn ảnh hưởng ít nhiều đến việc xuất tinh ở nam giới. Tinh trùng không đủ về mặt số lượng cũng như lực phóng tinh vào môi trường acid của âm đạo để vào đến cổ tử cung sẽ làm giảm khả năng thụ thai và có con.
Vậy nên, nam giới cần hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh lý hẹp niệu đạo và tích cực xây dựng ý thức phòng tránh. Luôn tuân thủ, đảm bảo các biện pháp an toàn trong lao động, giao thông hay tham gia các môn thể thao dễ sang chấn. Bên cạnh đó, cũng cần duy trì lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho chính mình cũng như hạnh phúc gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.