Lưu ý khi cho bé ăn dặm lần đầu

Lần đầu ăn dặm của bé chắc sẽ khiến nhiều cha mẹ lo lắng, bối rối vì không biết khi nào là thời điểm phù hợp để bé bắt đầu ăn dặm và trong những lần đầu ăn dặm thì cần lưu ý những gì về sức khỏe của trẻ.

1. Khi nào bé bắt đầu ăn dặm?

1.1 Thời điểm cho bé ăn dặm lần đầu

Khi nào bé bắt đầu ăn dặm là vấn đề được nhiều ba mẹ có con trong độ tuổi chuẩn bị ăn dặm quan tâm. Trong nhiều tài liệu tham khảo trên internet cũng như kinh nghiệm của nhiều bậc cha mẹ, chúng ta có thể thấy có 2 sự lựa chọn về thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm, đó là từ 4 - 6 tháng tuổi, hoặc từ 6 tháng tuổi. Vậy thời điểm nào là phù hợp, tại sao lại không có sự thống nhất về thời điểm ăn dặm của trẻ?

Thực tế, cho trẻ ăn dặm từ 4 - 6 tháng tuổi là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước giai đoạn 2001 - 2003 xuất phát từ khuyến nghị cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 - 6 tháng đầu đời.

Tuy nhiên, vào năm 2005, WHO đã đưa ra điều chỉnh về thời điểm cho trẻ ăn dặm lần đầu là từ 6 tháng tuổi. Điều chỉnh này nhằm khuyến nghị trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để tăng trưởng và phát triển toàn diện, có được sức khỏe tối ưu cũng như tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng từ sữa mẹ để bảo vệ trẻ trong giai đoạn này.

Điều chỉnh về thời gian bú sữa mẹ hoàn toàn và thời điểm ăn dặm đã được chấp thuận, áp dụng và thực hiện nghiêm ngặt ở một vài quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia bày tỏ sự ủng hộ quan điểm cho trẻ bú mẹ hoàn toàn càng lâu càng tốt và linh động về thời điểm bắt đầu ăn dặm của trẻ.

1.2 Những dấu hiệu cho thấy bé bắt đầu ăn dặm

Tuổi tác không phải là yếu tố duy nhất quyết định đến thời điểm lần đầu ăn dặm của trẻ mà còn phụ thuộc vào sự phát triển và sẵn sàng của từng trẻ. Khi trẻ 4 - 6 tháng tuổi, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu sau đây để biết trẻ đã sẵn sàng ăn dặm hay chưa:

  • Trẻ đã giữ được cổ, có thể ngồi thẳng để ăn với sự hỗ trợ của ghế ăn dặm.
  • Trẻ có phản xạ mở miệng ra khi thấy thức ăn đưa về miệng, thậm chí trẻ có thể tỏ ra tò mò và thích thú với thức ăn khi cha mẹ đang ăn, bằng cách đưa tay ra đòi, với lấy thức ăn.
  • Trẻ có phản xạ thè lưỡi, dùng lưỡi đón lấy thức ăn từ miệng vào họng và nuốt khi được đút.
  • Trẻ đủ cân nặng để bắt đầu ăn dặm, thường là gấp đôi so với cân nặng khi sinh ra (từ 6kg).

1.3 Tác hại khi cho bé bắt đầu ăn dặm quá sớm hoặc quá trễ

Ngoài tuổi tác, các dấu hiệu, cha mẹ cũng cần cân nhắc những ảnh hưởng của việc cho ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng tuổi) hoặc quá trễ (sau 6 tháng tuổi) để quyết định thời điểm cho trẻ ăn dặm phù hợp.

Cha mẹ không nên cho bé ăn dặm lần đầu quá sớm
Cha mẹ không nên cho bé ăn dặm lần đầu quá sớm

Bé bắt đầu ăn dặm quá sớm có thể gây ra những tác hại sau:

  • Giảm bú mẹ, từ đó làm giảm sản xuất sữa mẹ.
  • Hệ miễn dịch, tiêu hóa và nhiều cơ quan chức năng khác của trẻ chưa được hoàn thiện, dẫn đến việc không hấp thụ hiệu quả dưỡng chất từ các loại thực phẩm, cũng như trẻ chưa sẵn sàng, có kỹ năng để xử lý thức ăn.
  • Làm tăng nguy cơ bị dị ứng thức ăn và nhiễm trùng đường tiêu hóa.
  • Làm tăng áp lực đào thải các chất không cần thiết ra bên ngoài.

Bé bắt đầu ăn dặm quá trễ có thể gây ra những tác hại sau:

  • Không bù đắp đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết bị thiếu hụt từ 6 tháng tuổi.
  • Làm giảm sự phát triển, tăng trưởng về mặt thể chất của trẻ.
  • Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch đang trong giai đoạn hoàn thiện của trẻ, làm tăng nguy cơ bị dị ứng hoặc nhiễm trùng như việc cho trẻ ăn dặm quá sớm.
  • Làm chậm sự phát triển các kỹ năng vận động của trẻ liên quan đến ăn uống như nhai, nuốt, cầm nắm thức ăn, ...

2. Những lưu ý khi cho bé ăn dặm lần đầu

Sau khi đưa ra quyết định về thời điểm ăn dặm, cha mẹ cần lưu ý trong những lần đầu ăn dặm của bé như sau:

  • Ăn dặm không thay thế sữa mẹ hoàn toàn: Sữa mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong 2 năm đầu đời của trẻ, chiếm hơn 1⁄2 nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi và 1⁄3 nhu cầu khi trẻ 12 - 24 tháng tuổi. Vì vậy, chế độ ăn dặm của trẻ cần được cân bằng với sữa mẹ.
  • Cho trẻ bắt đầu ăn dặm bằng ngũ cốc: Gạo là một trong các loại ngũ cốc mà cha mẹ nên thử trong lần đầu ăn dặm của trẻ để vừa tăng cường bổ sung sắt vừa giảm nguy cơ dị ứng so với những loại ngũ cốc khác.
  • Cho trẻ thời gian làm quen với ăn dặm: Trong những lần ăn đầu tiên, trẻ chỉ có thể ăn từ 1 - 2 muỗng vì chưa quen. Hãy cho trẻ thời gian để trải nghiệm và làm quen với việc ăn dặm. Khi trẻ đã quen, có thể trẻ sẽ thích thú với thức ăn hơn và lúc đó cha mẹ có thể tăng số bữa cũng như lượng thức ăn cho trẻ.
  • Cho ăn bột ngọt trước bột mặn sau: Cho trẻ ăn bột ăn dặm cũng là một lựa chọn. Mẹ có thể cho bé bắt đầu ăn dặm bằng bột ngọt, sau đó khoảng 2 - 4 tuần nếu thấy trẻ thích nghi và tiêu hóa tốt, mẹ có thể chuyển sang bột mặn. Với loại bột ngọt, mẹ có thể pha cùng sữa mẹ hoặc sữa công thức và không cần cho thêm bất kỳ loại thực phẩm nào. Với loại bột mặn, mẹ có thể cho thêm thịt, cá, rau, ... để cung cấp đầy đủ chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất cho trẻ.
  • Tránh ép trẻ ăn: Khi trẻ nhè thức ăn ra, hoặc bặm môi, ngậm miệng, quay đầu sang nơi khác hoặc thậm chí là khóc ré khi thấy thức ăn, đó là dấu hiệu cho thấy trẻ muốn ngừng ăn. Khi đó, mẹ không nên ép trẻ ăn để đạt đủ lượng mà nên dừng lại và đợi cho đến khi trẻ đói và quay lại bữa ăn. Tương tự với thức ăn mới, nếu trong lần đầu ăn dặm trẻ tỏ ra không thích có nghĩa là trẻ chưa thích nghi với loại thực phẩm đó. Mẹ hãy kiên nhẫn thử lại lần sau và cho trẻ thời gian để học cách chấp nhận thực phẩm mới.
  • Số bữa ăn: Trong lần đầu ăn dặm, trẻ có thể chỉ ăn thức ăn lỏng với số bữa là 1 lần/ngày. Mẹ chú ý theo dõi nếu thấy trẻ thích nghi và tiêu hóa tốt, có thể tăng dần lượng ăn trong mỗi bữa và tăng lên 2 bữa ăn/ngày trong 2 tháng tiếp theo cho đến khi trẻ có thể ăn được 3 bữa/ngày lúc 10 - 11 tháng tuổi.
Ăn dặm mấy bữa mỗi ngày là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ
Cho bé ăn dặm lần đầu cần quan tâm đến số bữa ăn của trẻ

3. Các vấn đề về sức khỏe cần theo dõi trong lần đầu ăn dặm

Khi bé lần đầu ăn dặm và thử thức ăn mới, mẹ cần chú ý theo dõi các vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ, đó là dị ứng với thức ăn và trẻ đi ngoài như thế nào.

  • Dấu hiệu trẻ bị dị ứng thực phẩm: Nổi ban đỏ trên mặt hoặc hậu môn, nôn, trớ thức ăn ra ngoài, đầy hơi, chướng bụng, chảy nước mắt, nước mũi, quấy khóc, đi phân lỏng hoặc nhầy là những dấu hiệu cho biết trẻ có thể bị dị ứng với thực phẩm. Khi đó, mẹ cần ngừng cho trẻ ăn loại thức ăn đó ngay lập tức và liên hệ bác sĩ để được tư vấn cách xử trí phù hợp. Để tránh tình trạng dị ứng, mẹ nên cho trẻ thử một loại thực phẩm trong khoảng 2 - 3 ngày lần đầu ăn dặm và chờ theo dõi phản ứng của trẻ với thức ăn.
  • Dấu hiệu về tiêu hóa của trẻ qua phân: Đại tiện phân lỏng, nhiều nước, có nhầy hoặc mùi khó chịu có thể là dấu hiệu cho biết hệ tiêu hóa của trẻ bị kích thích bởi thực phẩm và chưa thể dung nạp được. Khi đó mẹ cần ngừng cho trẻ ăn loại thực phẩm đó, giảm độ đặc của thức ăn và chờ một thời gian để hệ tiêu hóa của trẻ thích nghi. Các dấu hiệu về phân bình thường của trẻ là màu sắc của phân tương tự màu sắc của thức ăn, phân cứng hơn khi trẻ ăn dặm, phân có lổn nhổn thức ăn, vì hệ tiêu hóa của trẻ đang tập làm quen.

Lần đầu ăn dặm của bé rất quan trọng vì đánh dấu một cột mốc mới trên hành trình phát triển của trẻ. Khi cho bé ăn dặm lần đầu mẹ cần lựa chọn thời điểm hợp lý, theo dõi các dấu hiệu trẻ đã sẵn sàng để ăn dặm và các vấn đề về tiêu hóa, sức khỏe của trẻ.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Tài liệu tham khảo ngoài:

Sách “Bước đệm vững chắc vào đời - Chăm sóc trẻ từ 6 - 12 tháng” của BS. Trần Thị Huyên Thảo. Tham khảo mục “Khi nào nên bắt đầu ăn dặm?”

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan