......

Các loại dầu ăn: Nên dùng gì, tránh những gì?

Dầu ăn là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của gia đình. Có rất nhiều loại dầu ăn trên thị trường tuy nhiên chọn lựa dầu ăn như thế nào mới là hợp lý?

1. Các loại dầu ăn

Cơ thể cần chất béo nhưng chất béo rất giàu calo. Một gam chất béo cung cấp cho cơ thể đến 9 calo trong khi một gam chất đạm hay một gam tinh bột chỉ cung cấp cho cơ thể 4 calo. Vì thế, cần xác định lượng chất béo cung cấp cho cơ thể sao cho hợp lý.

Mỗi loại dầu ăn chứa các thành phần hóa học khác nhau. Một số loại phù hợp với những món xào, một số phù hợp với đồ chiên, rán trong khi một số khác phù hợp hơn với việc trộn sa lát. Khi nấu ăn, luôn ghi nhớ một khái niệm gọi là điểm khói của dầu. Đó là nhiệt độ dầu bắt đầu bốc khói và tạo ra các chất có hại với cơ thể. Dầu càng tinh luyện thì điểm khói càng cao.

Dưới đây là một số loại dầu ăn phổ biến:

  • Dầu hạnh nhân: Nếu muốn tìm kiếm một loại dầu có hương vị đặc biệt và hấp dẫn cho các món ăn, dầu hạnh nhân sẽ là lựa chọn hàng đầu. Chúng có vị rất ngon và chứa ít chất béo bão hòa, phù hợp với các món chiên, rán và salad. Các nghiên cứu đã chứng minh việc tuân theo chế độ ăn nhiều hạnh nhân có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ tăng huyết áp.
hạnh nhân
Bổ sung nhiều hạnh nhân trong bữa ăn giúp ngăn ngừa nguy cơ tăng huyết áp

  • Dầu bơ: Một chế độ ăn giàu bơ có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc điều chỉnh cholesterol máu tương tự như dầu ô liu. Bơ nguyên chất chứa nhiều Magie và Kali giúp cơ thể cân bằng lượng Natri trong máu qua đó làm giảm huyết áp ở những người mắc bệnh tăng huyết áp. Giống như dầu hạnh nhân, dầu bơ phù hợp với các món chiên, rán và salad.
  • Dầu hạt cải: Dầu hạt cải không chứa nhiều omega 3 như dầu ô liu nguyên chất tuy nhiên chúng là một trong những loại dầu ăn chứa hàm lượng chất béo bão hòa thấp nhất. Dầu hạt cải đặc biệt có ích với những người mắc bệnh tim mạch như bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch, phình động mạch chủ.... Các món ăn phù hợp với loại dầu này bao gồm các món nướng, nấu hoặc xào.
  • Dầu dừa: Là một trong những loại dầu ăn có hương vị tuyệt vời nhất. Tuy nhiên dầu dừa chứa hàm lượng chất béo bão hòa rất cao, là nguyên nhân gây lên các bệnh về tim mạch nếu sử dụng quá nhiều. Vì thế người ta ít khi sử dụng dầu dừa trong nấu nướng các món ăn hàng ngày hơn các loại dầu thực vật khác như dầu ô liu, dầu cải. Dầu dừa có thể được thêm một lượng nhỏ và các món xào, nướng hoặc nước sốt để tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn.
  • Dầu hạt: Dầu chiết xuất từ các loại hạt như óc chó, bí ngô, hồ đào.... được chứng minh là an toàn, có lợi cho hệ tim mạch và rất tốt cho việc nấu nướng. Tuy nhiên những loại dầu này thường có giá thành tương đối cao cũng như ít được bày bán phổ biến.
  • Dầu hạt lanh và lúa mì: Giống như dầu ô liu, dầu hạt lanh và dầu từ lúa mì rất giàu omega 3 và omega 6 – những chất đặc biệt tốt cho hệ tim mạch. Người ta thường dùng các loại dầu này cho món salad trộn hoặc pha nước chấm.
Dầu hạt lanh
Dầu hạt lanh chứa nhiều chất tốt cho hệ tim mạch

2. Dầu ô liu

Dầu ô liu đã được chứng minh có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người và được sử dụng phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên nên sử dụng dầu ô liu như thế nào và tránh sử dụng trong những trường hợp nào? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.

2.1 Vai trò của dầu ô liu

  • Ngăn ngừa ung thư: Thành phần của dầu ô liu giúp trung hòa các gốc tự do qua đó mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn sự hình thành của các tế bào ung thư. Phụ nữ sử dụng nhiều dầu ô liu trong các bữa ăn có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn so với những người khác
  • Phòng chống các bệnh tim mạch: Omega 3 và omega 6 trong dầu ô liu có tác dụng giãn mạch, tăng tuần hoàn, tránh lắng đọng cholesterol trong thành mạch. Chính vì thế người dân Địa Trung Hải thường ít mắc các bệnh liên quan đến tim mạch hơn các khu vực khác do thành phần bữa ăn của họ chứa nhiều dầu ô liu.
  • Điều trị cho người bệnh táo bón: Uống trực tiếp dầu ô liu có thể giúp tăng nhu động ruột, làm mềm phân để dễ đào thải ra ngoài ở những người mắc bệnh táo bón.
  • Hỗ trợ điều trị người bệnh đái tháo đường: Những người sử dụng lượng dầu ô liu mỗi ngày từ 15 đến 20 gram có nguy cơ mắc đái tháo đường thấp hơn. Dầu ô liu giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người đã mắc đang mắc tiểu đường.
  • Hỗ trợ kiểm soát lượng cholesterol máu: Sử dụng dầu ô liu trong bữa ăn hàng ngày thay cho các loại chất béo bão hòa khác có thể làm giảm lượng mỡ máu toàn phần ở những người có cholesterol cao.
  • Sử dụng cho người tăng huyết áp: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thêm một lượng dầu ô liu nguyên chất vừa đủ vào trong chế độ ăn hàng ngày kết hợp với tuân thủ nghiêm ngặt các phương pháp điều trị đang áp dụng có thể giúp kiểm soát chỉ số huyết áp trong chưa đầy 6 tháng ở những người bị tăng huyết áp.
dầu oliu
Dầu oliu có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người

2.2 Tránh sử dụng dầu ô liu trong những trường hợp nào?

Những trường hợp sau không nên sử dụng dầu ô liu:

  • Ráy tai: Không sử dụng dầu ô liu để làm mềm ráy tai
  • Viêm tai giữa: Dầu ô liu có tác dụng chống viêm rất tốt, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo không sử dụng dầu ô liu trong trường hợp mắc viêm tai giữa đặc biệt là ở trẻ em.
  • Dị ứng với các thành phần có trong dầu ô liu
  • Hạn chế sử dụng đối với các bà mẹ mang thai và cho con bú.

Ngoài ra, dầu ô liu cũng chưa được chứng minh tác dụng trong một số trường hợp như:

  • Bệnh chàm da: Những nghiên cứu ban đầu cho thấy sử dụng hỗn hợp mật, sáp ong và dầu ô liu có thể có tác dụng trong cải thiện da bị chàm. Tuy nhiên vai trò của dầu ô liu trong phương pháp này rất hạn chế.
  • Tăng cường trí nhớ và tư duy: Không có nghiên cứu nào chứng minh điều này. Tuy nhiên những phụ nữ trung niên sử dụng dầu ô liu nấu ăn dường như có sự cải thiện về mặt tư duy nhận thức so với những người sử dụng loại dầu ăn khác.
  • Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: Uống tinh dầu chiết xuất từ lá cây ô liu không giúp ngăn ngừa bệnh cúm.
  • Đau nửa đầu: Uống dầu ô liu hàng ngày trong 2 tháng có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu chính thức nào xác nhận nguồn thông tin này.
Dầu oliu
Nên sử dụng dầu oliu đúng cách để mang lại hiệu quả tốt nhất

  • Hỗ trợ chế độ ăn giảm cân: Sử dụng dầu ô liu có thể giúp làm giảm lượng chất béo trong cơ thể nhưng nhìn chung, cân nặng của người sử dụng không có sự thay đổi.
  • Ung thư buồng trứng: Chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh phụ nữ sử dụng dầu ô liu có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn so với những người không sử dụng.
  • Viêm nha chu hay còn gọi là nhiễm trùng lợi: Sử dụng dầu ô liu có khả năng làm giảm sự tích tụ các mảng bám và ngăn ngừa chảy máu cũng như viêm lợi.
  • Vết rạn da: Sử dụng dầu ô liu thoa vào vùng da bị rạn do tăng cân trong thời kỳ mang thai không giúp giảm bớt tình trạng này.

Dầu ăn là thực phẩm thiết yếu, không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi người. Có nhiều loại dầu ăn khác nhau phù hợp với nhu cầu cũng như cách chế biến của từng loại món ăn như: dầu bơ và dầu hạnh nhân phù hợp với các món chiên, rán hay salad trộn trong khi dầu cải và dầu dừa thường được thêm vào các món nướng, xào.... Dầu ô liu được chứng minh là an toàn và tốt cho sức khỏe tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên sử dụng dầu ô liu trong các trường hợp: dị ứng với các thành phần của dầu, bà mẹ mang thai hoặc đang cho con bú hay điều trị viêm tai giữa ở trẻ em....

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: webmd.com

15.1K

Bài viết liên quan