Điều trị rối loạn lưỡng cực

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết - Chuyên gia tư vấn tâm lý, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bệnh rối loạn lưỡng cực hầu hết tiến triển suốt đời. Những người được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực cơn hưng cảm hoặc hỗn hợp duy nhất. Trị liệu tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị rối loạn lưỡng cực.

1. Phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực

1.1. Rối loạn lưỡng cực khi nào cần phải nhập viện?

  • Khi bệnh nhân có ý định và hành vi tự sát trong cơn trầm cảm hay cơn hỗn hợp.
  • Khi bệnh nhân có hành vi nguy hiểm đối với người xung quanh trong cơn hưng cảm.
  • Khi bệnh nhân rối loạn cảm xúc mức độ nặng: Không có loạn thần hoặc có loạn thần.
  • Khi bệnh nhân chống đối điều trị, phải cưỡng bức bào viện điều trị.
  • Khi bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc kháng thuốc: lúc này cần phải vào viện để làm sốc điện.
  • Khi bệnh nhân gặp phải nhiều tác dụng phụ của thuốc, phải vào viện để điều chỉnh các tác dụng phụ đó.
  • Bệnh nhân có nhiều bệnh cơ thể nặng.

1.2. Nguyên tắc điều trị rối loạn lưỡng cực

Việc điều trị rối loạn lưỡng cực cần đạt được các mục đích sau đây:

  • Cắt được cơn rối loạn cảm xúc hiện tại của bệnh nhân.
  • Ngăn chặn tái phát.
  • Phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Rối loạn lưỡng cực nếu có ý định hoặc hành vi tự sát thì cần phải nhập viện ngay
Rối loạn lưỡng cực nếu có ý định hoặc hành vi tự sát thì cần phải nhập viện ngay

1.3. Điều trị tấn công

1.3.1. Điều trị giai đoạn trầm cảm

Sử dụng thuốc an thần như: Quetiapine (Seroquel) với liều 300mg/ngày, Olanzapin 10mg/ngày. Sau 3 tuần điều trị mà các triệu chứng trầm cảm của bệnh nhân không giảm trên 30% số triệu chứng thì cần phải kết hợp với thuốc chống trầm cảm. Với những bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực trong giai đoạn trầm cảm chủ yếu, có khi cần phải kết hợp thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần để điều trị như:

  • Bệnh nhân trầm cảm có loạn thần.
  • Bệnh nhân trầm cảm có ý định và hành vi tự sát.
  • Bệnh nhân trầm cảm không tiếp xúc.
  • Bệnh nhân trầm cảm từ chối ăn uống.
  • Bệnh nhân trong giai đoạn trầm cảm có nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Chỉ định tốt trong các trường hợp bệnh nhân trầm cảm có nhiều triệu chứng cơ thể như mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, đau đầu, đau bụng, đau khớp,... Tác dụng của thuốc thường xuất hiện sau 2 - 4 tuần, trong khoảng thời gian này không được thay đổi thuốc. Một số loại thuốc hay được dùng như là Amitriptylin (Elavil), Clomipramin (Anafranil), Tianeptin (Stablon).

Thuốc chống trầm cảm đa vòng: Nhóm thuốc này có tác dụng điều trị tương đương với nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng, song có ít tác dụng phụ và được dung nạp tốt hơn. Một số thuốc thường dùng như là Mirtazapin (Remeron, Tzap, Tazimed, Noxibel), Venlafaxin (Effexor, Velift).

Thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI): Đây là nhóm thuốc chống trầm cảm mới, tác động chọn lọc trên hệ serotonin, hầu như không có tác dụng trên các hệ dẫn truyền thần kinh khác, do đó thuốc dung nạp tốt và có rất ít tác dụng phụ. Nhóm thuốc này gồm có Fluoxetin (Prozac, Oxedep, Oxeflu), Fluvoxamin (Luvox), Paroxetin (Pharmapar, Wicky, Xalexa), Sertralin (Zolofl, Serenata, Utralen, Zosertr), Cytalopram (Citopam).

Sốc điện:

Chỉ định của phương pháp sốc điện:

  • Trầm cảm có ý định tự sát.
  • Trầm cảm từ chối ăn uống.
  • Trầm cảm căng trương lực.
  • Trầm cảm có loạn thần.
  • Trầm cảm đã điều trị bằng thuốc chống trầm cảm đủ liều, đủ thời gian mà vẫn không có kết quả (gọi là trầm cảm kháng thuốc).
  • Các trường hợp dị ứng thuốc chống trầm cảm.

Chống chỉ định của phương pháp sốc điện: với các bệnh nhân trầm cảm có bệnh thực tổn kết hợp như bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, tổn thương não do chấn thương, viêm não,...

Có thể lựa chọn sốc điện đơn cực hoặc lưỡng cực, sốc điện cổ điển hoăc sốc điện có gây mê tĩnh mạch bằng Propofon. Thông thường phải làm sốc điện từ 8 - 12 lần và có thể làm hàng ngày hoặc cách ngày.

1.3.2. Điều trị giai đoạn hưng cảm và hỗn hợp

Điều trị giai đoạn hưng cảm và hỗn hợp cần lưu ý các điểm sau:

  • Cần phải sử dụng kết hợp giữa thuốc chỉnh khí sắc và thuốc an thần.
  • Không được dùng thuốc chống trầm cảm trong giai đoạn này.
  • Cần hạn chế việc áp dụng liệu pháp tâm lý. Nếu áp dụng thì bắt buộc phải kết hợp với thuốc chỉnh khí sắc và thuốc an thần.
  • Benzodiazepin cũng có tác dụng trong giai đoạn đầu của bệnh, thuốc làm giảm mất ngủ và kích động.

Các loại thuốc và phương pháp điều trị trong giai đoạn này:

  • Thuốc chỉnh khí sắc: Thuốc có hiệu quả điều trị tương đương với thuốc an thần sau 6 - 8 tuần. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng điều trị dự phòng, chống tái phát cơn hưng cảm và con hỗn hợp. Và thuốc có ít tác dụng phụ hơn nhóm thuốc an thần. Song do hiệu quả chậm nên người ta thường phối hợp thuốc chỉnh khí sắc và thuốc an thần để điều trị cho bệnh nhân. Một số loại thuốc nằm trong nhóm này như là Lithium, Valproat, Carbamazepin, Oxacarbazepin, Lamotrigyl, Topiramate,...
  • Thuốc an thần: Thuốc có tác dụng cắt cơn hưng cảm nhanh và tốt hơn so với thuốc chỉnh khí sắc. Khi sử dụng thuốc đường tiêm sẽ giúp nhanh chóng kiểm soát tình trạng kích động tâm thần vận động của cơn hưng cảm. Thuốc an thần gồm có hai nhóm:
  • Thuốc an thần cổ điển: Haloperidol, Aminazin, Levomepromazin (Tisercin).
  • Thuốc an thần mới: Olanzapin, Amisulprid, Risperidol.

Sốc điện: Đây là liệu pháp điều trị rất hiệu quả và an toàn đối với cơn hưng cảm và con hỗn hợp. Thường cơn hưng cảm và cơn hỗn hợp được khống chế chỉ sau 4 - 6 liệu trình sốc điện lưỡng cực. Các trường hợp được sử dụng liệu pháp sốc điện đó là:

  • Trường hợp bệnh nhân hưng cảm mạnh, kháng thuốc.
  • Trường hợp bệnh nhân có hành vi tự sát trong cơn hỗn hợp.
  • Trường hợp bệnh nhân từ chối ăn trong cơn hỗn hợp.
  • Trường hợp bệnh nhân có căng trương lực.
  • Trường hợp bệnh nhân kích động mạnh mẽ, không thể khống chế ngay được bằng thuốc an thần.
  • Trường hợp bệnh nhân bị dị ứng thuốc.

Một số thuốc an thần như Quetiapine có thể được sử dụng dưới sự cho phép và hướng dẫn của bác sĩ
Một số thuốc an thần như Quetiapine có thể được sử dụng dưới sự cho phép và hướng dẫn của bác sĩ

1.4. Điều trị củng cố

1.4.1. Điều trị củng cố sau cơn trầm cảm

  • Tiếp tục sử dụng thuốc chống trầm cảm trong tối thiểu 6 tháng với liều bằng 1/2 - 1/3 liều điều trị tấn công. Sử dụng kết hợp với thuốc chỉnh khí sắc với liều từ 100 - 150mg/kg cân nặng.

Sau đó, giảm dần liều thuốc chống trầm cảm, song phải giữ nguyên liều thuốc chỉnh khí sắc. Trường hợp bệnh nhân xuất hiện lại các triệu chứng trầm cảm cần phải tiếp tục dùng thuốc chống trầm cảm.

1.4.2. Điều trị củng cố sau cơn hưng cảm hoặc cơn hỗn hợp

Sử dụng các loại thuốc chỉnh khí sắc với liều từ 1/2 - 1/3 liều tấn công.

  • Valproat với liều 100 - 150mg/kg cân nặng.
  • Carbamazepin với liều 100 - 150mg/kg cân nặng.
  • Oxcarbazepine với liều 100 - 150mg/kg cân nặng.

1.4.3. Điều trị củng cố trong bao lâu?

Sau khi điều trị củng cố bằng thuốc chỉnh khí sắc trong nhiều năm, nếu bệnh nhân ngừng thuốc bệnh sẽ tái phát. Chính vì vậy bệnh nhân cần phải điều trị củng cố suốt đời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe