Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa.
Đau chuyển dạ xảy ra khi phụ nữ mang thai cảm thấy cơn đau bụng xuất phát từ vị trí tử cung, ban đầu chỉ là dấu hiệu đau nhẹ sau đó cơn đau ngày càng tăng dần và đều đặn. Tuy nhiên, khi thấy dấu hiệu đau thắt ở tử cung thì chưa chắc đã là đau chuyển dạ thật. Vậy làm thế nào để phân biệt dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện?
1. Dấu hiệu đau chuyển dạ
Khi dấu hiệu đau chuyển dạ bắt đầu, phần cổ tử cung sẽ mở rộng ra, đồng thời các cơ ở tử cung bắt đầu co thắt (xuất hiện các cơn gò tử cung). Phần bụng trở nên cứng lại mỗi khi cơn co thắt xảy ra. Giữa các cơn co thắt là lúc tử cung thư giãn và trở nên mềm mại hơn. Em bé trong bụng mẹ vẫn tiếp tục di chuyển từ lúc bắt đầu đau chuyển dạ và suốt khoảng thời gian đầu tiên khi mẹ bầu chuyển dạ.
Bên cạnh cơn gò tử cung, một số biểu hiện được liệt kê trong bảng sau đây cũng có khả năng là báo hiệu cho thấy sự chuyển dạ đang bắt đầu. Bạn có thể không nhận thấy những biểu hiện này trước khi xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện:
2. Chuyển dạ giả là gì?
Trên thực tế, việc nhận thấy sự xuất hiện của cơn gò tử cung chưa chắc đã là dấu hiệu đau chuyển dạ cần nhập viện. Tử cung của bạn có thể co thắt và giãn nở nhiều lần trước khi bắt đầu chuyển dạ "thật". Những cơn co thắt bất thường này được gọi là chuyển dạ giả, cơn gò sinh lý hoặc cơn gò Braxton Hicks. Đây là dấu hiệu bình thường ở phụ nữ mang thai nhưng đôi khi có thể gây ra nhiều đau đớn, khiến các mẹ lo lắng và nghĩ rằng đó là dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện. Chuyển dạ giả thường xuất hiện nhiều hơn vào cuối ngày.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
3. Phân biệt chuyển dạ thật và chuyển dạ giả
Đa số các trường hợp, tần suất xảy ra cơn đau chuyển dạ giả thường ít hơn và không nặng nề bằng chuyển dạ thật. Trong một số trường hợp đau chuyển dạ, cách duy nhất để nhận ra sự khác biệt là đi gặp bác sĩ để thăm khám âm đạo, xác định những thay đổi trong cổ tử cung, sự xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện.
Thời gian giữa các cơn co thắt là yếu tố quan trọng để xác định tình trạng đau chuyển dạ là thật hay giả. Lưu ý thời gian này được tính từ khi sản phụ bắt đầu cảm thấy đau cho đến thời điểm bắt đầu cơn đau tiếp theo. Ghi nhận lại các kết quả này trong vòng một giờ. Đối với các cơn đau nhẹ, khoảng thời gian này sẽ khó xác định chính xác. Một số khác biệt giữa chuyển dạ thật và chuyển dạ giả được liệt kê trong bảng sau đây:
4. Đau chuyển dạ bao lâu thì sinh?
Hầu hết các mẹ bầu khi mang thai đến tam cá nguyệt cuối cùng cũng đều thắc mắc “Đau chuyển dạ sau bao lâu thì sinh?”. Thật ra, biểu hiện đau chuyển dạ là báo hiệu đầu tiên cho thấy thời khắc sinh con của mẹ đang gần kề. Trong suốt quá trình chuyển dạ, cơ tử cung co giãn liên tục để cổ tử cung được mở rộng ra, tạo điều kiện cho em bé chui lọt ra ngoài khi sinh. Quá trình cổ tử cung mở rộng ra đi kèm với hàng loạt cơn đau do co thắt tử cung và được chia làm 2 pha:
- Pha tiềm tàng (thời gian cần thiết trước khi kích thước cổ tử cung mở ra đến 6cm)
- Pha tích cực (khoảng thời gian cổ tử cung mở rộng từ 6cm lên đến kích thước tối đa khoảng độ 10cm).
4.1. Pha tiềm tàng
Thời gian của pha tiềm tàng thường không thể dự đoán trước. Đau chuyển dạ bao lâu thì sinh còn tùy thuộc vào cơ địa từng mẹ bầu, tiền sử mang thai trước đó và những yếu tố liên quan khác. Đối với mẹ bầu sinh con lần đầu, thời gian trung bình rơi vào khoảng vài giờ đến vài ngày. Còn với mẹ bầu đã từng mang thai trước đó, pha tiềm tàng thường sẽ ngắn hơn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho mẹ bầu biết khi nào dấu hiệu đau chuyển dạ cần phải nhập viện. Nếu nhận thấy hiện tượng vỡ nước ối hoặc âm đạo ra máu nhiều bất thường thì thai phụ cần phải nhập viện ngay lập tức.
4.2. Pha tích cực
Đây là lúc mẹ bầu cần phải nhập viện theo dõi càng sớm càng tốt. Các cơn đau chuyển dạ càng lúc càng nặng nề hơn, xảy ra thường xuyên hơn. Thai phụ có thể cảm thấy chân bị chuột rút và cảm giác buồn nôn. Trong pha này, mẹ bầu sẽ nhanh chóng bị vỡ ối và cảm thấy áp lực ngày càng nặng lên phần lưng. Bác sĩ và các nữ hộ sinh sẽ đồng hành bên bạn trong suốt quá trình này. Bạn có thể cần đến thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần nếu không thể chịu nổi cơn đau do các đợt co thắt tử cung. Giai đoạn này thường kéo dài từ 4 - 8 giờ. Trung bình mỗi giờ, phần cổ tử cung sẽ giãn ra 1cm, cho đến khi thai phụ thật sự có thể rặn đẻ.
Đối với tất cả mẹ bầu, trải qua một quá trình dài mang thai và hàng loạt các cơn đau chuyển dạ hành hạ vào các tháng cuối cùng của thai kỳ là cảm giác không thể nào quên được. Tuy nhiên, hãy cố gắng vượt qua những cơn đau chuyển dạ vì chỉ ngay sau đó thôi là hạnh phúc vỡ òa khi thấy được con mình chào đời trọn vẹn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Acog.org