Dịch tả lợn châu Phi trở lại - chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm

Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại một thời gian dài trong môi trường và các sản phẩm thịt lợn. Do vậy, cần chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong giai đoạn hiện nay và thực hiện tốt việc quản lý tái đàn lợn nhằm duy trì, phát triển ngành chăn nuôi, hiệu quả, bền vững.

1. Bệnh dịch tả lợn châu Phi là gì?

Đây là loại bệnh gây ra bởi loại virus có ADN phức hợp của dòng virus họ Asfarviridae. Virus này có đặc tính đặc biệt đề kháng với môi trường mà không có biện pháp điều trị cũng như tới nay chưa có vắc xin phòng ngừa, và tỷ lệ chết lên đến 100% trong tất cả các trại heo. Với lý do này, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng đối với giới chức y tế và ngành công nghiệp về thịt heo.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến tất cả các loại heo, ở tất cả các giống và độ tuổi. Nó xuất hiện trong trại chăn nuôi heo và heo hoang dã như: heo rừng châu Phi, heo rừng, heo ven sông châu Phi, heo rừng to châu Phi, lợn lòi Trung và Nam Mỹ.

2. Dịch tả lợn châu Phi đã chấm dứt chưa?

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện vẫn chưa chấm dứt và đang có diễn biến phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn và có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn.

Tính đến cuối tháng 9 năm nay, dịch tả lợn đã xảy ra tại trên 7.700 xã thuộc trên 600 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là trên 5 triệu con, tổng trọng lượng là trên 290 nghìn tấn (chiếm khoảng 7% tổng sản lượng thịt lợn của cả nước trong năm). Trong đó, có hơn 4.500 xã có lợn bệnh chưa qua 30 ngày; hơn 3.000 xã đã qua 30 ngày và có hơn 500 xã có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng lại phát sinh lợn bệnh.

Dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn Châu Phi hiện vẫn chưa chấm dứt và đang có diễn biến phức tạp

3 - 15 ngày là thời gian ủ bệnh của bệnh dịch tả châu Phi, triệu chứng bệnh đặc trưng như thâm tím da phần lớn cơ thể, viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba và thận. Sốt cao 41- 42 độ C kéo dài liên tục 4 ngày với thể trạng bình thường, sau đó lợn ủ rũ, lờ đờ, suy nhược, ho thở khó; run, dáng đi loạng choạng, nằm chồng lên nhau, nái sảy thai. Xuất hiện tình trạng xuất huyết thâm tím ở tai, bẹn, bụng và mặt đùi sau, chân rồi hoại tử. Máu chảy ra từ lỗ tự nhiên như mũi, miệng, hậu môn.

3. Cách phòng tránh lây lan dịch bệnh

Bệnh dịch tả lợn châu Phi tuy không phải là mối đe dọa quá nguy hiểm đối với con người vì thịt lợn vẫn có thể được tiêu thụ an toàn khi nấu chín. Tuy nhiên lợn mắc bệnh dịch tả Châu Phi có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này sẽ gây gây ra rối loạn tiêu hóa khi con người ăn phải tiết canh lợn, thịt lợn bệnh chưa được nấu chín.

Hiện chưa có vaccine ngăn ngừa bệnh này ở lợn. Virus gây bệnh tả lợn châu Phi có thể tồn tại một thời gian dài trong môi trường và các sản phẩm thịt lợn. Do vậy, để chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong giai đoạn hiện nay, đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý tái đàn lợn nhằm duy trì, phát triển ngành chăn nuôi, hiệu quả, bền vững phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu:

Về an toàn thực phẩm:

  • Người dân nên thực hiện việc ăn chín, uống sôi và lựa chọn mua thịt lợn ở những cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không nên ăn tiết canh hoặc thịt tái, sống, vì dù không lây và gây nguy hiểm cho người nhưng cũng không nên hiểu nhầm rằng, có thể sử dụng chế biến thịt lợn mắc bệnh.
  • Khi mua thịt, cần chú ý chọn lựa những miếng thịt có màu hồng sáng, bì mềm mại, thớ thịt săn và đàn hồi tốt, khi ấn tay vào không để lại vết lõm dính. Đặc biệt, thịt lợn tươi là có màu sắc đỏ hoặc đỏ sẫm, màng ngoài thịt khô nhưng khi dùng dao cắt thịt có màu sắc bình thường sáng.
  • Không nên chọn miếng thịt ít mỡ, lỏng lẻo và chuyển màu khác lạ và khi dùng tay ấn vào thịt có cảm giác bị nhớt. Đặc biệt, thịt phải không có mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.
  • Khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm khác. Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua ở các cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chọn thịt lợn ngon
Khi mua thịt lợn, cần chọn lựa những miếng thịt tươi ngon có màu hồng sáng

Về con giống:

  • Lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Đối với lợn nhập từ ngoài tỉnh phải có giấy kiểm dịch. Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.
  • Không tặng hoặc bán lợn chết cho người khác và không dùng lợn bệnh làm thức ăn cho động vật; không vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn nhà hoặc lợn rừng (sản phẩm làm tại nhà) ra, vào vùng có dịch; không mang lợn hoặc các sản phẩm thịt lợn ra nước ngoài, nếu đưa hãy khai báo hoặc hỏi các cơ quan chức năng trước để tránh bị phạt.

Về vệ sinh chuồng trại:

  • Chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi phải kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, phòng bệnh; có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh như: chuột, chim, ruồi, muỗi....
  • Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi; có ô chuồng nuôi cách ly nuôi lợn mới nhập hoặc nuôi lợn bị bệnh; có khu vực thu gom và xử lý chất thải; nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô, mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8-1m để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau.
  • Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng; đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín. Nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó.
  • Trong trường hợp đáng ngờ như lợn chết hoặc còn sống thì cần phải khai báo cho cơ quan thú y vì đặc điểm của dịch là không chết cả đàn, mà chết từ từ; tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh khu chăn nuôi và tại các chợ như thường xuyên.
  • Không tới thăm khu chăn nuôi lợn, tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với đàn lợn ở vùng dịch và bị ảnh hưởng; không cho lợn ăn thức ăn thừa không đảm bảo hay đồ ăn có chứa thịt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan