Test PCR âm tính đã an toàn chưa?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lương Võ Quang Đăng, Trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Trong giai đoạn cả nước đang sống chung với dịch thì việc thực hiện xét nghiệm Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng. Các xét nghiệm test nhanh kháng nguyên được thực hiện vô cùng rộng rãi, tuy nhiên kết quả đọc được không phải lúc nào cũng chính xác, do đó nhiều người lựa chọn thực hiện xét nghiệm PCR. Vậy khi kết quả test PCR âm tính đã an toàn chưa?

1. Test âm tính và dương tính là gì?

Âm tính hay Negative là một thuật ngữ y khoa dùng để chỉ kết quả xét nghiệm trong y khoa, nếu bạn nhận được kết quả xét nghiệm trả về là âm tính (-) hoặc Negative, điều này có nghĩa là bạn không mắc bệnh hoặc không mang mầm bệnh trong cơ thể. Hầu hết các kết quả xét nghiệm trả lời âm tính là chính xác, tuy nhiên điều này không tuyệt đối 100%, vẫn tồn tại một vài trường hợp nghi ngờ cần tiến hành xét nghiệm lại hoặc thực hiện thêm các phương pháp kiểm tra khác nếu có.

Trường hợp âm tính giả, khi đó yếu tố gây bệnh đã tồn tại trong cơ thể bệnh nhân nhưng không đủ ngưỡng kích thích khiến quá trình xét nghiệm không thể tìm thấy dấu vết của yếu tố gây bệnh và trả về kết quả âm tính. Nguyên nhân âm tính giả có thể là do:

  • Thời gian xét nghiệm quá sớm, các tác nhân gây bệnh có nồng độ thấp chưa vượt ngưỡng nên cho kết quả âm tính;
  • Do lỗi máy xét nghiệm, quy trình lấy và xử lý mẫu, quá trình vận chuyển... cho kết quả sai sót.

Bên cạnh đó khả năng “tái kích hoạt” của một số loại mầm bệnh như virus, vi khuẩn khiến nhiều bệnh nhân đã cho kết quả xét nghiệm âm tính, cơ thể hồi phục và khỏe mạnh, tuy nhiên một thời gian sau xét nghiệm lại là dương tính.

Ngược với trường hợp âm tính, khi một xét nghiệm trả kết quả dương tính (+) hay Positive, điều này có nghĩa là bạn đã mắc bệnh hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh và đang mang yếu tố gây bệnh trong cơ thể. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một tỉ lệ nhất định kết quả xét nghiệm dương tính là không chính xác.

Khi tình trạng dương tính giả xảy ra, người bệnh không có yếu tố gây bệnh hay không mắc bệnh nhưng kết quả vẫn dương tính do:

  • Các yếu tố gây nhiễu, phản ứng chéo trong cơ thể khiến quá trình xét nghiệm nhận diện sai yếu tố gây bệnh;
  • Lỗi thiết bị;
  • Sự nhầm lẫn kết quả hoặc mẫu giữa những người thực hiện xét nghiệm.

Các chuyên gia lưu ý cần đọc kết quả xét nghiệm trong khung thời gian quy định, nếu kết quả dương tính sau thời gian quy định rất có thể là dương tính giả.

âm tính giả
Test Covid-19 có thế có một số trường hợp âm tính giả hoặc dương tính giả

2. Test nhanh Covid 19 dương tính giả

Hiện nay khi số ca nhiễm đang tăng nhanh trong giai đoạn sống chung với Covid-19, các nhà khoa học cho rằng xét nghiệm nhanh (test nhanh) đang là một trong những chìa khóa giúp kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh liên quan đến chất lượng kit test, thao tác thực hiện sai dẫn đến cho kết quả dương tính giả.

Xét nghiệm nhanh xác định dương tính Covid-19 khi xuất hiện 2 vạch bên cạnh chữ cái C và T trên kit. Mặt khác trong nhiều trường hợp, vạch chữ T hiển thị mờ nhạt gây bối rối khi đọc kết quả xét nghiệm. Khi đó người dùng cần chú ý đến khung thời gian đọc kết quả, nếu các vạch hiển thị trước khung thời gian theo hướng dẫn sử dụng (Ví dụ: thường là 30 phút sau khi thực hiện xét nghiệm) là kết quả dương tính thật, lúc này bệnh nhân nên tự cách ly và đăng ký xét nghiệm PCR nếu có. Tuy nhiên nếu vạch thứ 2 xuất hiện sau khung thời gian quy định (Ví dụ: sau 30 phút) có khả năng đây là kết quả dương tính giả (Lưu ý thời gian đọc xét nghiệm có thể khác nhau giữa các loại kit, cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi tiến hành xét nghiệm).

Gạch dương tính mờ xuất hiện ngay trong khung thời gian quy định trong hướng dẫn sử dụng có thể do chế độ ăn uống, yếu tố khác hoặc bệnh nhân đang có nồng độ virus cực kỳ thấp. Lúc này bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng, nguy cơ lây nhiễm cho người khác cũng thấp, vì vậy điều nên làm là thực hiện xét nghiệm nhanh một vài lần nữa.

Tỉ lệ dương tính giả của các loại kit xét nghiệm nhanh thường cao hơn kit thử PCR, do đó kit thử PCR có tỷ lệ chính xác cao hơn, người dân nên đăng ký xét nghiệm tại các cơ sở y tế đã được công nhận nếu xuất hiện triệu chứng, có yếu tố dịch tễ để hạn chế tối đa việc xuất hiện dương tính giả hoặc âm tính giả.

dương tính giả
Một số trường hợp có thể xuất hiện dương tính giả khi test Covid-19

3. Test PCR âm tính đã an toàn chưa?

Rất nhiều bệnh nhân trong thời gian điều trị Covid-19 tại nhà thường xuyên tự thực hiện test nhanh, có trường hợp test buổi sáng cho kết quả âm tính nhưng chiều khi test lại thì cho kết quả dương tính và ngược lại.

Theo các chuyên gia y tế, khi một người thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 2 lần ở 2 thời điểm khác nhau, cho kết quả không đồng nhất có thể do ảnh hưởng từ 1 hay nhiều yếu tố như:

  • Vị trí lấy mẫu;
  • Điều kiện bảo quản mẫu;
  • Thời gian từ lúc bệnh khởi phát bệnh đến khi lấy mẫu;
  • Người bệnh có triệu chứng hay không;
  • Nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm ảnh hưởng đến độ nhạy (khả năng cho kết quả dương tính).

Yếu tố thời gian từ lúc khởi phát đến khi lấy mẫu có ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm, nếu thời gian này dưới hoặc bằng 7 ngày thì độ nhạy (86,2%) sẽ cao hơn trên 7 ngày (70,8%); nếu vào thời điểm lấy mẫu người bệnh có triệu chứng thì khả năng test ra dương tính cũng cao hơn. Nồng độ virus trong bệnh phẩm cũng là yếu tố quyết định khả năng cho kết quả dương tính, nếu CT ≤ 25 thì độ nhạy là 96,4%; CT ≤ 30 độ nhạy là 89,5%; CT>30 thì độ nhạy giảm còn 18,7%. Ngoài ra nếu khoảng cách giữa 2 lần lấy mẫu gần nhau và cùng lấy một vị trí thì khả năng xét nghiệm dương tính cũng giảm do lượng bệnh phẩm ở lần lấy mẫu thứ 2 đã giảm.

Mặt khác có nhiều trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính, sau đó bệnh nhân mua loại test khác lại thấy kết quả âm tính, tiếp tục thực hiện xét nghiệm PCR cũng cho kết quả âm tính. Lúc này việc khẳng định test nhanh lần đầu tiên cho kết quả sai, người đó hoàn toàn an toàn là chưa chính xác, vì trên thực tế lâm sàng, đầu tăm bông lấy mẫu ở những lần sau có thể đã không quét trúng được virus. Chúng ta vẫn không chắc chắn kết quả lần 1 sai, khi đó mặc dù xét nghiệm PCR lần 3 cho kết quả âm tính nhưng người đó vẫn nên kiểm tra bằng test nhanh tiếp tục ở những ngày sau đó.

Hiện nay, xét nghiệm test nhanh kháng nguyên hay xét nghiệm RT-PCR không còn quá xa lạ với người dân, các địa phương đã triển khai hướng dẫn người dân tự thực hiện test nhanh tại nhà nhưng nhiều người còn tự đến các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm PCR để yêu cầu thực hiện... Vì vậy tình trạng xét nghiệm quá nhiều dẫn đến kết quả âm tính và dương tính giả, gây ảnh hưởng tiêu cực, tâm lý hoang mang cho người bệnh.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, dù kết quả xét nghiệm PCR là âm hay dương tính, bản thân chúng ta trước hết cần lắng nghe cơ thể, thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 đúng lịch, tuân thủ “5K” để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan