Nổi mày đay hậu COVID-19

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Đại dịch bệnh do Coronavirus-19 (COVID-19) đang diễn ra đang gây ra tác động đáng kể đến chăm sóc sức khỏe cho cả xã hội, nhất là các di chứng về lâu dài. Theo đó, da nổi mẩn hậu Covid là một trong những thách thức cho các bác sĩ Da liễu. Khi người bệnh bị nổi mày đay hậu COVID-19 kéo dài hơn sáu tuần không điều trị hoàn toàn sẽ làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống hằng ngày.

1. Da nổi mày đay hậu COVID-19 là gì?

Coronavirus là một loại virus RNA thuộc họ Coronaviridae. Từ tháng 12 năm 2019, một bệnh nhiễm trùng mới gây viêm phổi xuất hiện từ Trung Quốc được gọi tên ngắn gọn là COVID-19 đã trở thành mối quan tâm toàn cầu vì khả năng lây lan từ người sang người và đại dịch này đang gây ra tác động đáng kể đến chăm sóc sức khỏe, xã hội và nghề nghiệp và kinh tế.

Nói riêng trong các bác sĩ Da liễu, những tác động tiềm ẩn của COVID-19 trong thực hành lâm sàng như khiến da nổi mẩn hậu Covid là một vấn đề phức tạp. Mày đay là một nhóm rối loạn da không đồng nhất với nhiều dạng phụ của mày đay. Tùy thuộc vào thời gian của các triệu chứng, mày đay được phân loại thành mày đay cấp tính hoặc mãn tính. Mề đay cấp tính thường tự giới hạn và có thời gian dưới sáu tuần. Vì bệnh có biểu hiện đặc trưng nên chẩn đoán mày đay chủ yếu dựa vào tiền sử bệnh nhân và biểu hiện lâm sàng bao gồm sang thương da và cảm giác ngứa ngáy. Điều quan trọng là phải xác định được các yếu tố có thể khởi phát và dị ứng trong bệnh mề đay cấp tính. Đối với mày đay tự phát mãn tính, điều quan trọng là xác định nguyên nhân, vì tác động tiềm tàng của nó đối với việc lựa chọn chiến lược điều trị. Các biểu hiện da nổi mẩn hậu Covid đã được quan sát thấy ở một số bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 và có đặc điểm khá đa dạng, từ phát ban dạng phỏng nước cho đến dạng mày đay lan rộng.

Trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19, thời gian sau giai đoạn toàn phát của nhiễm trùng do vi rút là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra mày đay cấp tính và mãn tính. Vì COVID-19 là một bệnh do vi rút nên các bác sĩ Da liễu đưa ra giả thiết về hiện tượng nổi mề đay hậu Covid cũng tương tự như các chủng vi rút đã biết từ trước như sởi, cytomegalo (CMV) hay Herpes simplex (HSV). Đồng thời, cũng cần phải thống nhất là các sang thương da như nổi mày đay hậu COVID-19 hoàn toàn không phải là yếu tố nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 tiếp theo.

2. Cách điều trị nổi mề đay hậu Covid như thế nào?

Các bác sĩ Da liễu đã đưa hướng dẫn điều trị nổi mề đay hậu Covid được tiếp cận khéo léo theo từng bước. Trong đó, tương tự như các trường hợp phát ban trên da thông thường, thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai được khuyến cáo là phương pháp điều trị đầu tiên khi gặp phải bệnh cảnh da nổi mẩn hậu Covid.

Ở những bệnh nhân không đáp ứng với liều tiêu chuẩn của thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai sau hai đến bốn tuần hoặc sớm hơn nếu bệnh nhân có các triệu chứng không thể dung nạp được, khuyến cáo tăng liều kháng histamine thế hệ thứ hai lên đến bốn lần.

Tiếp theo, Omalizumab được khuyến cáo bổ sung vào việc điều trị kháng histamine thế hệ thứ hai như là tác nhân hàng thứ ba ở những bệnh nhân không kiểm soát được sau hai đến bốn tuần hoặc sớm hơn ở những bệnh nhân có các triệu chứng không thể dung nạp được.

Trong bước thứ tư, việc bổ sung Cyclosporine vào thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai được khuyến cáo ở những bệnh nhân không được kiểm soát với Omalizumab trong vòng sáu tháng hoặc sớm hơn ở những bệnh nhân có các triệu chứng không thể dung nạp được.

Tuy nhiên, nếu các thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai có thể mua tự do tại các nhà thuốc, việc điều trị bằng bước thứ ba với Omalizumab và bước thứ tư với Cyclosporine phải được thực hiện dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ chuyên khoa Da liễu.

Ngoài ra, trong thời gian điều trị, người bệnh cũng cần chú ý giữ gìn vệ sinh da thật tốt bằng cách tắm rửa và thay quần áo thường xuyên, cắt móng tay ngắn, sát trùng tay nhanh khi tiếp xúc vào da và hạn chế gãi da để tạo điều kiện gây nhiễm trùng da do vi trùng.

3. Các thuốc điều trị nổi mày đay hậu COVID-19

3.1. Thuốc kháng histamine trong điều trị mày đay

Thuốc kháng histamine H1 là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị các bệnh dị ứng nói chung. Các nguyên tắc lựa chọn thuốc kháng histamine cũng tương tự như ở bệnh nhân bị phát ban da hay nổi mề đay hậu Covid.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai đã có sẵn phổ biến trên thị trường. Việc lựa chọn thuốc tối ưu phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm hiệu quả và tính an toàn, đặc biệt là khả năng gây suy giảm chức năng vận động và an thần của thế hệ đầu tiên.

Ví dụ về thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai bao gồm Cetirizine, Loratadine, Desloratadine, Levocetirizine, Rupatadine, Fexofenadine và Bilastine. Tất cả những thuốc này được dùng một lần mỗi ngày và không gây buồn ngủ nhiều do tác dụng an thần

3.2. Omalizumab

Vai trò của Immunoglobulin (Ig) E trong các bệnh dị ứng đã được biết rất rõ, đối với các trường hợp da nổi mẩn hậu Covid nói riêng. Lúc này, Omalizumab là một phương pháp sử dụng kháng thể đơn dòng kháng IgE được nhân bản hóa giúp giảm đáng kể nồng độ IgE tự do trong tuần hoàn.

Do đó, sử dụng Omalizumab sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng của vùng nổi mày đay hậu COVID-19 gây ra các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng và giúp giảm nhu cầu đối với các loại thuốc khác.

Ngoài ra, ưu điểm của Omalizumab là không liên quan đến các biến chứng hoặc tác dụng phụ liên quan đến hệ thống miễn dịch, ngay cả khi dùng lâu dài.

3.3. Thuốc ức chế miễn dịch

Hiện tại, chưa có bằng chứng trực tiếp từ các thử nghiệm của thuốc ức chế miễn dịch trong điều trị mày đay mãn tính trong bối cảnh COVID-19. Tuy nhiên, đã có một số tài liệu cho thấy vai trò của điều trị ức chế miễn dịch trong các bệnh cảnh nguy kịch. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong điều trị mày đay mãn tính hậu COVID-19 và chỉ được chỉ định như bậc thang cuối cùng.

Methotrexate, Mycophenolate mofetil, Cyclosporine là một vài trong số các thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng đối với bệnh nhân nổi mề đay hậu Covid mà không đáp ứng với điều trị tiêu chuẩn. Trong các trường hợp này, cần dùng thuốc ức chế miễn dịch ở mức liều thấp nhất có thể hữu ích để tránh hoặc giảm thiểu các tác dụng phụ. Đồng thời, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần phải được cách ly nghiêm ngặt và tránh những khu vực đông người để giảm nguy cơ nhiễm trùng cơ hội.

Tóm lại, điều trị các trường hợp da nổi mẩn hậu Covid có thể còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế sinh bệnh chưa kịp được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên, với những giả thiết đúc kết từ tình trạng phát ban sau nhiễm vi rút đã biết, các biện pháp điều trị nổi mày đay hậu COVID-19 đã được áp dụng và đạt hiệu quả cao. Dù vậy, mọi người vẫn cần phải tích cực phòng ngừa nhiễm bệnh để tránh mắc phải di chứng về sau trên nhiều hệ cơ quan, không chỉ riêng nổi mề đay hậu Covid.

Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov; ncbi.nlm.nih.gov; ijced.org.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan