Những kiến thức cơ bản về COVID-19 - Phần 1

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Ninh - Bác sĩ cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

COVID-19- viết tắt của "Coronavirus disease 2019- bệnh coronavirus 2019." Bệnh gây ra bởi một loại virus có tên là SARS-CoV-2. Loại virus này xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 và đã nhanh chóng lây lan khắp thế giới.

1. COVID-19 là gì?

Những người bị COVID-19 có thể bị sốt, ho, khó thở và các triệu chứng khác. Các vấn đề về hô hấp xảy ra khi nhiễm trùng ảnh hưởng đến phổi và gây viêm phổi. Hầu hết những người bị nhiễm COVID-19 sẽ không bị bệnh nặng nhưng một số thì bệnh có thể trở nặng. Tại nhiều khu vực trên thế giới, nhân viên y tế khuyến cáo người dân nên ở nhà và tránh xa những người khác để cố gắng làm chậm sự lây lan của virus.

2. COVID-19 lây lan như thế nào?

Virus gây ra COVID-19 chủ yếu lây từ người sang người. Sự lây lan thường xảy ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện gần với người khác. Virus có thể lây truyền dễ dàng giữa những người sống chung. Virus cũng có thể lây lan tại các cuộc tụ họp mà mọi người tiếp xúc gần nhau, bắt tay, ôm, chia sẻ đồ ăn hoặc hát cùng nhau. Các chuyên gia y tế cũng cho rằng bạn có thể bị bệnh nếu bạn chạm vào bề mặt có virus và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt. Một người có thể bị nhiễm và lây truyền virus cho người khác, ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, giữ khoảng cách là cách để làm chậm sự lây lan.

Đã có ghi nhận về việc virus có thể lây từ người bệnh sang động vật, chẳng hạn như chó, nhưng hiếm gặp và hiện chưa có bằng chứng ghi nhận con người có thể nhiễm virus từ vật nuôi. Ngoài ra, cũng không có bằng chứng ghi nhận virus có thể lây lan qua nước trong hồ bơi hoặc bồn tắm nhưng vì virus có thể lây lan khi mọi người ở gần nhau. Việc bơi trong một hồ bơi đông người là có nguy cơ bị lây nhiễm cao.

2019-nCoV lây nhiễm qua đường giọt bắn
Virus lây bệnh khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện gần với người khác

3. Triệu chứng của COVID-19 ?

Bệnh COVID 19 thường có triệu chứng sau khi một người bị nhiễm virus khoảng 4 hoặc 5 ngày. Tuy nhiên, ở một số người triệu chứng có thể xuất hiện sau 2 tuần. Một số người không có triệu chứng.

Khi các triệu chứng xảy ra, triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Ho
  • Khó thở
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Ớn lạnh
  • Đau nhức cơ
  • Nhức đầu
  • Đau họng
  • Rối loạn về khứu giác hoặc vị giác

Một số người có vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn hoặc tiêu chảy. Cũng đã có một số báo cáo về phát ban hoặc các triệu chứng ngoài da khác. Ví dụ, một số người bị COVID-19 có những đốm màu tím đỏ trên ngón tay hoặc ngón chân. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác lý do tại sao cũng như tỷ lệ các triệu chứng này xảy ra.

Đối với hầu hết mọi người, các triệu chứng sẽ thuyên giảm trong vòng vài tuần nhưng ở một số người thì lại triệu chứng kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về ảnh hưởng lâu dài của COVID-19. Trẻ em có thể bị nhiễm COVID-19 nhưng ít có khả năng bị các triệu chứng nghiêm trọng khi so với người lớn.

Đau họng viêm họng khàn giọng thanh quản khó thở hóc
Bệnh COVID 19 gây ra triệu chứng khó thở cho người mắc phải

Khách hàng có thể tham khảo thêm:

>>> Các loại viêm phổi thường gặp

4. Bạn có nguy cơ bị bệnh nặng không?

Điều đó phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của bạn. Ở một số người, COVID-19 dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, các vấn đề về tim, hoặc thậm chí tử vong. Nguy cơ này càng cao khi bạn càng lớn tuổi. Tỷ lệ này cũng cao hơn ở những người có các bệnh nền khác như bệnh lý về tim mạch nặng, bệnh thận mãn, đái tháo đường typ 2, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh hồng cầu hình liềm hoặc béo phì.

Những người có hệ thống miễn dịch kém vì những lý do khác (ví dụ: nhiễm HIV hoặc do uống một số loại thuốc), hen phế quản, xơ nang, đái tháo đường typ 1 hoặc tăng huyết áp cũng có thể có nguy cơ bệnh trở nặng.

5. Bạn nên làm gì nếu gặp phải những triệu chứng kể trên?

Nếu bạn bị sốt, ho, khó thở hoặc có các triệu chứng khác của COVID-19, hãy gọi cho bác sĩ hoặc cơ quan y tế địa phương của bạn. Họ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn. Họ có thể hỏi bạn về lịch sử quá trình di chuyển gần đây của bạn (đi du lịch, đi công tác,..) và họ cũng sẽ hỏi xem bạn có nguy cơ tiếp xúc gần với những ai có thể bị bệnh hay không.

Nếu các triệu chứng của bạn không nghiêm trọng thì bạn nên gọi điện trước khi vào khám. Nhân viên có thể cho bạn biết bạn phải làm gì và liệu bạn có cần đến gặp trực tiếp hay không?

Nhiều người chỉ có các triệu chứng nhẹ nên ở nhà và cách ly với những người khác cho đến khi khỏi bệnh. Nếu bạn cần phải đến phòng khám hoặc bệnh viện, hãy đeo khẩu trang để che mũi và miệng. Điều này giúp bảo vệ những người khác. Nhân viên y tế có thể sẽ đưa bạn đến 1 nơi cách xa những người khác để bạn ngồi chờ đến lượt khám.

Nếu bạn bị bệnh nặng và cần đến ngay phòng khám hoặc bệnh viện, bạn vẫn nên gọi điện trước nếu có thể. Bằng cách này, nhân viên có thể chăm sóc bạn trong khi thực hiện các biện pháp để bảo vệ người khác. Nếu bạn nghĩ rằng bạn cần được chăm sóc khẩn cấp về y tế, hãy gọi xe cấp cứu 115.

Đeo khẩu trang khi bị cúm A /H1N1
Người bệnh nên đeo khẩu trang để che mũi, miệng khi đi ra ngoài

6. Có xét nghiệm tìm ra vi rút gây ra COVID-19 không?

Câu trả lời là có.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị COVID-19, họ có thể dùng tăm bông để lấy mẫu thử từ bên trong mũi của bạn để làm xét nghiệm. Nếu bạn bị ho và có thể khạc ra chất đàm nhầy, bác sĩ cũng có thể làm xét nghiệm từ mẫu đàm này. Các xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ xác định xem bạn có bị mắc COVID-19 hay bệnh khác.

Bạn cần gặp bác sĩ để được làm xét nghiệm. Tùy thuộc vào phòng xét nghiệm, bạn thường sẽ có kết quả xét nghiệm sau 1 ngày.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể đã tiếp xúc với virus nhưng bạn không thể đi xét nghiệm thì hãy gọi điện cho bác sĩ, bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn phải làm gì. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ở nhà, tránh tiếp xúc với người khác và gọi điện nếu các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Một số xét nghiệm máu có thể cho biết liệu một người đã từng bị COVID-19 trong quá khứ hay chưa. Đây được gọi là xét nghiệm kháng thể. Các xét nghiệm kháng thể thường không được sử dụng để chẩn đoán COVID-19 hoặc đưa ra quyết định về điều trị. Nhưng các chuyên gia có thể sử dụng xét nghiệm kháng thể để tầm soát, để tìm hiểu xem có bao nhiêu người trong một khu vực nhất định đã bị nhiễm bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn:

Uptodate - patient education: Coronavirus disease 2019 (COVID-19) overview (The Basics)

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan