Những điều mẹ bầu cần biết khi đã nhiễm Covid 19 và hậu Covid 19

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Thị Lý - Bác sĩ Sản phụ khoa, Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Sự ảnh hưởng của Covid 19 và thai kỳ

Hệ thống Dịch vụ Y tế Vương quốc Anh (NHS) đã đưa phụ nữ mang thai vào nhóm đối tượng nguy cơ cao, cần có biện pháp phòng dịch mạnh hơn so với cộng đồng. Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy virus có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ cũng như nhiễm SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Mặc dù vậy, tránh lây nhiễm vẫn là cách tốt nhất và các thai phụ mắc COVID-19 nên được thực hiện sàng lọc cẩn thận để loại trừ các bất thường trong thai kỳ. Một vài nghiên cứu trên những virus tương tự cho thấy rằng thai có thể phát triển bất thường khi nhiễm virus tương tự như COVID-19. Các khuyến cáo nên siêu âm ít nhất một lần sau khỏi bệnh 2 đến 4 tuần để theo dõi tình trạng thai. Sau đó, siêu âm thường quy mỗi 2 - 4 tuần để đánh giá sự phát triển của thai nhi.

Thai 26 tuần dọa sinh non
Phụ nữ mang thai mắc COVID-19 làm tăng nguy cơ sinh non

Các dữ liệu hiện nay cho thấy mẹ bầu nhiễm covid không có triệu chứng nặng hơn những phụ nữ không mang thai cùng độ tuổi. Tuy nhiên, những trường hợp mắc COVID-19 làm tăng nguy cơ sinh non và mổ lấy thai và thai suy nếu mắc gần thời điểm kết thúc thai kỳ. Đối với những thai phụ nghi ngờ hoặc được xác nhận mắc COVID-19 trong quý III thai kỳ và đã hồi phục, không có chỉ định sản khoa chấm dứt thai kỳ, nên được theo dõi cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc hết tình trạng cách ly để giảm thiểu lây truyền sau sinh cho trẻ sơ sinh.

Cách tiếp cận dự phòng, chẩn đoán và điều trị cho phụ nữ mang thai nghi ngờ COVID-19 tương tự như ở những người không mang thai. Những trường hợp có các bệnh lý nền đặc biệt là bệnh lý về phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường hay nhiễm HIV có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng nặng hơn. Những sản phụ mắc COVID-19 nên được theo dõi chuyển dạ ở phòng cách ly.

2. Mẹ bầu mắc Covid 19 thì nên làm gì?

Biểu hiện của Covid-19 ở phụ nữ mang thai phần lớn giống như người không mang thai. Những triệu chứng thường gặp như: ho, đau đầu, đau họng, sốt, mất khứu giác, mất vị giác, mỏi cơ,... đôi khi cũng không có triệu chứng.

Nhiễm COVID -19 được khẳng định bằng xét nghiệm Real time – PCR dương tính hoặc test nhanh kháng nguyên dương tính.

test nhanh kháng nguyên là gì
Phụ nữ mang thai nên test nhanh kháng nguyên khi nghi ngờ có các dấu hiệu của Covid-19

2.1. Mẹ bầu bị Covid có ảnh hưởng đến con không?

Chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Bên cạnh đó, cũng chưa có bằng chứng về mẹ nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh hoặc sảy thai.

Nguy cơ lây truyền theo chiều dọc trước khi sinh dường như không có hoặc thấp, có thể là gần 1%.

2.2. Xét nghiệm Covid cho thai nhi

Để đánh giá việc mẹ có lây nhiễm cho bé hay không cần chọc ối xét nghiệm PCR hoặc các trường hợp thai nhi mẹ nhiễm lúc gần sinh được xét nghiệm cho bé sau sinh. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu có được đa phần các trường hợp mẹ mang virus SARS-CoV-2 đều không ảnh hưởng đến em bé. Việc xét nghiệm hiện tại chỉ dừng ở nghiên cứu, chưa được chỉ định rộng rãi cho phụ nữ mang thai nhiễm virus do nguy cơ của chọc ối cao hơn nguy cơ do virus gây ra.

2.3. Khi mẹ bầu nhiễm Covid thì nên làm gì?

Phụ nữ mang thai nhiễm covid-19 có sao không? Hầu hết những thai phụ nhiễm COVID -19 sẽ tự khỏi nên khi mẹ bầu là F0 cần bình tĩnh, không hoảng loạn. Tùy vào mức độ nặng - nhẹ của triệu chứng sẽ được theo dõi, chăm sóc tại cơ sở y tế hay bệnh viện dã chiến. Việc đầu tiên sau khi xác định nhiễm thì nên báo cho cơ sở y tế địa phương hoặc bác sĩ đang theo dõi thai để có hướng điều trị. Nên xét nghiệm PCR để đánh giá mức độ lây nhiễm qua chỉ số CT. PCR dịch mũi họng của mẹ chỉ đánh giá nhiễm virus cho mẹ, không đánh giá cho thai nhi.

Trường hợp thai phụ là F0, thai ≥ 38 tuần hoặc có dấu chuyển dạ (đau bụng từng cơn, ra nhớt hồng, vỡ ối,...) sẽ được điều trị tại cơ sở y tế có đủ điều kiện cho cả việc điều trị Covid-19 và theo dõi thai kỳ.

Tùy thuộc vào tình trạng nặng - nhẹ của triệu chứng, thai phụ nhiễm Covid-19 sẽ cần có các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:

Trường hợp cách ly tại nhà mẹ bầu cần lưu ý:

  • Mang khẩu trang thường xuyên, trừ những lúc ăn uống, vệ sinh cá nhân.
  • Thay khẩu trang 2 lần/ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.
  • Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo,...
  • Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày, nhất là khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Nhiệt độ bình thường từ 36 – 37,5 độ C, sốt nhẹ từ 37 – 38 độ, sốt vừa 38 – 39 độ, sốt cao 39 – 40 độ, sốt quá cao trên 40 độ. Uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C. Một số loại thuốc mẹ bầu có thể dùng:
    • Paracetamol: có tác dụng sau khoảng 30 phút, không nôn nóng uống quá liều. Mỗi lần uống cách nhau 4 giờ đồng hồ, tối đa 2 – 4 viên/ngày. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trong trường hợp có bệnh lý về gan trước đó.
    • Ibuprofen: Nếu không có hoặc dị ứng với Paracetamol, thai phụ có thể dùng Ibuprofen. Lưu ý là Ibuprofen không dùng cho phụ nữ mang thai 3 tháng cuối thai kỳ và phụ nữ cho con bú.
    • Khi sốt trên 38,5 độ C nhưng bị dị ứng với Ibuprofen và Paracetamol, bạn nên cân nhắc dùng thêm thuốc khác như Aspirin, Celecoxib, Diclofenac.
Mẹ bầu nên uống nhiều nước ấm
Phụ nữ mang thai khi mắc Covid-19 nên duy trì uống nước ấm hằng ngày

  • Ngoài ra, mẹ bầu có thể súc họng, miệng thường xuyên, sử dụng một số thuốc giảm ho nhẹ như Siro Prospan, mật ong, chanh đào, nhỏ mũi Otrivin nếu ngạt mũi...
  • Uống đủ nước: 40ml/kg cân nặng/ngày. Bù nước bằng nước điện giải Oresol.
  • Khai báo y tế ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử”.
  • Có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước; tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày (hít sâu thở từ từ).
  • Lưu số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ.

Trường hợp nhập viện điều trị:

Khi thai phụ có những biểu hiện dưới đây, người thân cần chuyển ngay thai phụ đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời:

  • Dấu hiệu nặng: sốt trên 38,5 độ C, thở nhanh hơn 20 lần/phút, giảm SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu) dưới 95%, đau tức ngực.
  • Dấu hiệu cấp cứu: tím môi hoặc đầu chi, thở nhanh hơn 30 lần/phút, SpO2 dưới 93%, lừ đừ, li bì khó đánh thức.
  • Các dấu hiệu bất thường khác: Khó thở, đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, thai giảm cử động, dùng thuốc hạ sốt không đỡ.

3. Phục hồi hậu Covid cho mẹ bầu

Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc COVID-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch nhất định. Đây chính là yếu tố nguy cơ, bởi khi có thai do phải nuôi 1 đứa trẻ trong bụng nên tử cung của thai phụ sẽ to hơn, đẩy cơ hoành lên cao, đẩy dung tích phổi giảm xuống cản trở hô hấp. Vì thế nhu cầu oxy của phụ nữ mang thai cao hơn người bình thường. Tiếp đến, bản thân phụ nữ trong quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế khi mắc COVID-19 nguy cơ tăng nặng nhanh.

Phụ nữ có bầu nhiễm covid khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, ecmo... với tỷ lệ cao, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi. Đây là lý do các nhà quản lý, nhà khoa học thấy rằng việc chăm sóc thai kỳ, đề phòng nguy cơ cho phụ nữ mang thai trước đại dịch COVID-19 bằng vaccine là cần thiết

Ở tuổi sinh đẻ, bà bầu đa phần là người trẻ, vì thế, tổn thương phổi không quá nặng nề và sự hồi phục rất tốt. Tuy nhiên, cũng như các bệnh nhân COVID-19 khác, họ có thể bị ảnh hưởng tâm lý, phổi ở giai đoạn hậu COVID-19. Tuy nhiên mẹ bầu nhiễm covid cũng có thể gặp phải các biểu hiện hậu covid:

  • Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi.
  • Mệt mỏi hay chóng mặt.
  • Các triệu chứng sẽ nặng hơn sau các hoạt động thể lực hoặc tinh thần.
  • Ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ.
  • Ho kéo dài.
  • Đau ngực.
  • Đau cơ.
  • Mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác.
  • Đau đầu.
  • Đau cơ hay đau khớp.
  • Trầm cảm hoặc lo lắng,...

Nên làm gì khi có triệu chứng hậu covid?

Tùy vào tình trạng của bạn trong diện nặng hay nhẹ sẽ có hướng điều trị khác nhau. Chính bởi vậy việc đầu tiên ngay khi xác định bạn đã nhiễm virus SARS-CoV-2 là nên liên hệ với bác sĩ quản lý thai của mình để có được tư vấn tốt nhất. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan