Người viêm mũi xoang thì phòng nhiễm COVID-19 như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. BSCKI. Lê Văn Quảng là chuyên gia về lĩnh vực Tai Mũi Họng với 15 năm kinh nghiệm.

Tình hình dịch COVID-19 ngày một diễn biến phức tạp, những người bị viêm mũi xoang có nguy cơ bị tấn công bởi các yếu tố gây bệnh dễ dàng hơn, cần có biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

1. Tổng quan về bệnh viêm mũi xoang

Niêm mạc mũi và niêm mạc xoang giống nhau nên hiện nay gọi viêm mũi xoang thay cho viêm xoang. Viêm mũi xoang là tình trạng niêm mạc mũi xoang bị tấn công bởi một yếu tố gây bệnh nào đó gây phản ứng viêm.

Các nguyên nhân gây viêm mũi xoang bao gồm:

  • Do vi khuẩn: Tác nhân gây vi khuẩn gây bệnh viêm mũi xoang thường gặp nhất là do liên cầu khuẩn nhóm A.
  • Do virus: Các loại virus gây bệnh đường hô hấp trên đều là nguyên nhân gây viêm mũi xoang như adenovirus, virus cúm...
  • Do vi nấm: Nấm là một tác nhân có thể gặp gây bệnh viêm mũi xoang, nhưng không phải là nguyên nhân hay gặp.
  • Viêm mũi xoang do cơ địa dị ứng: Cơ địa dị ứng với một dị nguyên nào đó gây ra phản ứng viêm, thông thường ở những người bị viêm mũi xoang dị ứng sẽ tăng nặng khi thay đổi thời tiết, tiếp xúc dị nguyên.
  • Một số nguyên nhân do bất thường giải phẫu ở mũi: Lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, khối u mũi...
Polyp mũi
Polyp mũi là nguyên nhân gây tình trạng bệnh viêm mũi xoang

Biểu hiện viêm mũi xoang:

  • Chảy dịch nhầy ở mũi: Một biểu hiện điển hình của bệnh viêm mũi xoang là chảy dịch nhầy. Những người bị viêm xoang trước thường chảy dịch ra mũi, gây ngạt mũi, chảy mũi. Viêm xoang sau gây chảy dịch ra phía sau họng, gây cảm giác khó chịu ở họng luôn muốn khạc đờm. Dịch nhầy có thể trong, hay vàng hoặc xanh, có thể có mùi hôi khó chịu.
  • Đau đầu: Vị trí đau tùy thuộc vào xoang bị viêm, đau thường âm ỉ hoặc có khi đau thành cơn. Các vị trí có thể gặp đau đầu như đau ở vùng hai bên má, đau ổ mắt, cung mày... đau tăng nặng lên từ sáng đến trưa và giảm lên khi xì được dịch nhầy ở mũi.
  • Nếu viêm mũi xoang dị ứng thường kèm theo: Ngứa mũi, ngứa quanh mắt, hắt xì nhiều lần, nghẹt mũi nhiều.
  • Đau họng, ngứa họng, giảm khả năng ngửi tạm thời, có một số trường hợp ảnh hưởng tới thị lực.
  • Bệnh nhân có thể các biểu hiện toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau mỏi người...
  • Nếu bị mạn tính thường kèm theo tình trạng hôi miệng.

Các biểu hiện này cũng tương đối giống bệnh do COVID-19 gây ra nên nhiều người bệnh thường lo lắng, nhất là trong thời gian này dịch bệnh đang tăng cao, người bệnh viêm mũi xoang nhất là trường hợp do viêm mũi dị ứng thường xuyên hắt hơi, làm cho những người xung quanh cũng lo lắng. Ngoài ra người bị viêm mũi xoang cung có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nên cần áp dụng các biện pháp phòng tránh cho bản thân và cộng đồng hiệu quả.

Rubella có thể lây qua đường hô hấp qua những cơn ho, cơn hắt hơi.
Người bệnh viêm mũi xoang thường xuyên gặp tình trạng hắt hơi

2. Tại sao người viêm mũi xoang dễ bị nhiễm bệnh do COVID-19?

Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi cấp do COVID-19 nặng như người cao tuổi, người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi. Ngoài ra thì những người bị viêm mũi xoang cũng có sức đề kháng kém hơn và có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn.

Vùng mũi xoang có chứng năng giống như hàng rào ngăn ngừa vi khuẩn, virus xâm nhập vào hệ hô hấp. Bộ phận này có chức năng làm ấm, làm ẩm và sạch không khí, các tác nhân khác trước khi vào phổi.

Người có tiền sử mắc bệnh viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng và có các bệnh về đường hô hấp thường có khả năng bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh kém nên dễ bị các yếu tố bên ngoài tác động và gây bệnh, khả năng bội nhiễm tăng. Ngoài ra, người có tiền sử bệnh về mũi thường có dấu hiệu giống với dấu hiệu khi nhiễm virus corona nên hay bị mất cảnh giác.

3. Người viêm mũi xoang phòng nhiễm Covid-19

Người bị viêm mũi xoang cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của bộ y tế để phòng ngừa covid-19 như:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong vòng ít nhất 30 giây, có thể sử dụng các loại sát khuẩn tay nhanh có chứa cồn trên 65 độ để thay thế.
  • Hạn chế ra khỏi nhà, nếu cần thiết phải đeo khẩu trang thường xuyên. Nhất là trong lúc đang có dấu hiệu bệnh viêm mũi xoang, vì khi đó người bệnh thường xuyên hắt hơi, chảy nước mũi.
  • Tránh đưa lên vùng mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch.
  • Tránh tiếp xúc gần với người có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi.
Ho kéo dài, khó thở, ho người lớn
Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19

  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, sau đó ném khăn giấy vào thùng rác và rửa sạch tay.
  • Làm sạch các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Mũi cần được làm sạch bằng nước muối sinh lý. Cần rửa mũi thường xuyên, nhất là đi khi ra ngoài về. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại xịt nước biển sâu để làm sạch dịch nhầy.
  • Nâng cao thể trạng: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nước ấm đủ mỗi ngày và tập thể dục thường xuyên.

Hiện tại không có vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm covid-19. Nên việc chủ động phòng ngừa bệnh là rất quan trọng. Đối với những người có tiền sử bệnh đường hô hấp như viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng...lại càng phải chú ý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

44.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan