Hậu quả khôn lường của việc tự ý dùng Chloroquine để phòng COVID-19

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Dương Thu Hương - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa một loại thuốc nào được chính thức phê chuẩn là có khả năng phòng hay điều trị COVID-19. Tuy nhiên, thử nghiệm in vitro và một số nghiên cứu lâm sàng nhỏ bước đầu cho thấy nhóm thuốc chloroquine/hydroxychloroquine hứa hẹn là một liệu pháp có tính khả dụng. Trước những thông tin trên, nhiều người đã tự ý mua thuốc về tích trữ và sử dụng, dẫn đến hậu quả ngộ độc thuốc và thậm chí tử vong vì dùng thuốc quá liều.

1. Chloroquine là thuốc gì? Chỉ định sử dụng ra sao?

Chloroquine và hydroxychloroquine là nhóm thuốc trị sốt rét có thành phần hóa học tương tự như quinine, chiết xuất tự nhiên được tìm thấy trong vỏ cây Cinchona ở Nam Mỹ. Quinine có vị đắng, là loại thảo dược lâu đời và có vai trò quan trọng trong điều trị sốt rét ở thế chiến thứ II.

Theo thời gian, với nhu cầu tạo ra dẫn xuất với số lượng lớn, tiềm lực mạnh, ít độc hơn quinine, chloroquine và hydroxychloroquine đã ra đời.

Hiện nay, ngoài việc được sử dụng để phòng và chữa trị bệnh sốt rét, những thuốc này còn được dùng để điều trị nhiễm ký sinh trùng amipbệnh tự miễn như thấp khớp hay Lupus ban đỏ.

Chloroquine và hydroxychloroquine
Cấu trúc hóa học của Chloroquine và hydroxychloroquine

Chloroquine và hydrocholoroquine là những thuốc cần kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định rõ ràng, dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ/dược sĩ. Nhóm thuốc này được hấp thụ rất nhanh qua đường tiêu hóa và có chỉ số điều trị rất nhỏ, nghĩa là liều điều trị và liều gây độc rất gần nhau.

Vì vậy khi dùng quá liều, chloroquine/hydrochloroquine đặc biệt nguy hiểm và có thể gây ra tổn hại trên nhiều cơ quan khác nhau:

  • Tim mạch: nguy cơ trên tim mạch là nguy cơ chính dẫn đến tử vong khi quá liều chloroquine/hydrochloroquine. Nhóm thuốc này có thể gây giảm lực co bóp tim, tổn thương cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, thậm chí ngừng tim. Độc tính trên tim gia tăng khi dùng chung với các thuốc có khả năng kéo dài QT trên điện tim.
  • Mắt: chloroquine/hydrochloroquine có thể gây tổn thương võng mạc không hồi chuyển, dẫn tới mờ mắt, quá mẫn với ánh sáng, khó tập trung và mất dần thị lực.
  • Tai: liều cao chloroquine/hydrochloroquine dẫn đến ù tai và điếc đặc biệt với người có bệnh về tai trước đó.
  • Thần kinh: liều độc chloroquine/hydrochloroquine dẫn đến mất cảm giác, loạn thần, ảo giác, và động kinh.
  • Tủy xương: chloroquine/hydrochloroquine ức chế tủy xương, đặc biệt nguy hiểm ở người thiếu G6PD bẩm sinh vì có thể gây tan máu.
  • Nội tiết: tụt đường huyết có thể gây ra khi dùng chloroquine/hydrochloroquine không đúng cách, có thể dẫn tới hôn mê, mất ý thức ở cả người sử dụng và không sử dụng thuốc tiểu đường.

Thuốc tồn tại rất lâu trong cơ thể do thời gian bán thải dài và phân bổ sâu rộng trong các mô tế bào. Trong trường hợp bị ngộ độc, ngay cả lọc máu hay lọc thận cũng không thể thải trừ thuốc hoàn toàn ra khỏi cơ thể.

Ngưng uống thuốc trị viêm tai giữa cấp 2 tuần thì bây giờ uống còn hiệu quả?
Người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ

Không nên đầu cơ tích trữ và tự ý dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sỹ/dược sĩ. Nếu vô tình uống chloroquine/hydrocholoroquine và có các biểu hiện như chóng mặt, hoa mắt, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chậm nhịp tim, nhịp thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý.

Bài viết tham khảo nguồn: Wolters Kluwer, Encyclopedia Britannica, Medicines for Malaria Venture, emedicinehealth

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan