Gửi con đi nhà trẻ giữa dịch COVID có an toàn không?

Cho trẻ đi học có an toàn hay không tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm COVID-19 trong khu vực nơi bạn sinh sống, và kế hoạch chống dịch của trường mầm non. Theo đó, bạn cũng nên hướng dẫn con thực hành vệ sinh và chủ động phòng tránh Covid. Nếu nhận thấy nguy cơ mắc bệnh cao, hãy xem xét cho trẻ ở nhà.

1. Cho trẻ đi học mầm non trong mùa dịch coronavirus (COVID-19)

Không có câu trả lời chung cho tất cả. Ở nhiều nơi, nhà trẻ đã hoặc đang bắt đầu mở cửa trở lại, nhưng rất nhiều phụ huynh không muốn cho trẻ đi học. Cũng không ít bậc phụ huynh là người lao động trong lĩnh vực thiết yếu, làm việc toàn thời gian hoặc cha mẹ đơn thân... buộc phải gửi con đi nhà trẻ mầm non mặc cho những lo ngại về tình hình dịch bệnh.

Nhìn chung, sự an toàn khi cho trẻ đi học phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19 trong cộng đồng nơi bạn sinh sống. Có nhiều ca dương tính mới được phát hiện hay không? Các trường hợp nghi nhiễm có được cách ly theo dõi và xét nghiệm đầy đủ hay không? Dựa trên dữ liệu này, các cơ quan y tế và chính quyền địa phương sẽ cập nhật hướng dẫn cho nhà trẻ và trường mầm non cách phòng tránh Covid. Các chính sách về quy mô lớp học, khai báo y tế, giãn cách và dùng chung vật dụng... sẽ khác nhau tùy theo từng khu vực, tỉnh thành.

Một yếu tố quan trọng khác cần được xem xét là hoàn cảnh gia đình của bạn. Các thành viên trong gia đình bạn đang làm công việc gì và có ai thuộc nhóm nguy cơ cao không? Việc này vô cùng phức tạp và không thể xác định rõ ràng. Mỗi gia đình phải tìm ra cách sàng lọc, cân nhắc lợi ích và rủi ro sao cho phù hợp nhất.

2. Môi trường nhà trẻ mầm non có phòng tránh Covid an toàn không?

COVID-19 còn khá mới và những hiểu biết khoa học về dịch bệnh này đang tiếp tục thay đổi. Đến nay, có thể khẳng định rằng trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm COVID-19, ngay cả trẻ sơ sinh. May mắn là nếu bị nhiễm, hầu hết trẻ em không mắc bệnh nặng. Nhưng trong một số trường hợp hiếm, trẻ em có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm virus corona, bao gồm Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).

Trẻ đi lớp mầm non
Có rất ít ổ dịch COVID-19 liên quan đến nhà trẻ mầm non

Ngoài ra, trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi được coi là có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn do hệ miễn dịch vẫn còn đang phát triển chưa hoàn thiện. Trẻ sơ sinh bị COVID-19 có thể cần được chăm sóc tích cực hơn so với trẻ lớn. Nhưng không rõ liệu các bác sĩ đã thận trọng hơn trong những trường hợp này, hay vì trẻ sơ sinh thực sự bị bệnh nặng hơn trẻ lớn. Theo một chuyên gia y tế, cần cảnh giác và lo ngại hơn với trẻ sơ sinh mắc Covid-19 vì chúng có khả năng mắc bệnh nặng hơn.

Trong nhà trẻ mầm non, trẻ sơ sinh là một trường hợp đặc biệt. Có thể dễ dàng giữ khoảng cách cố định giữa các bé, đặc biệt là nếu bé chưa biết bò hoặc biết đi. Tuy nhiên, các bé cần tiếp xúc gần gũi với cô giáo để được cho ăn và thay đồ.

Với trẻ mới biết đi, việc giữ khoảng cách trong môi trường mầm non là rất khó. Đeo khẩu trang và rửa tay sạch bằng xà phòng cũng giúp ngăn chặn sự lây lan của virus corona, nhưng ở một số nước như Hoa Kỳ, khẩu trang không được khuyến khích dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Xét về mặt tích cực, cho đến nay có rất ít ổ dịch COVID-19 liên quan đến nhà trẻ mầm non. Thông thường, trẻ em có xu hướng nhiễm virus từ người lớn trong gia đình.

3. Nguy cơ rủi ro cho mọi người trong gia đình khi gửi con đến nhà trẻ

Mặc dù khó có câu trả lời chính xác, nhưng dựa trên dữ liệu chủ yếu từ Châu Âu và Trung Quốc, lây truyền từ trẻ em sang người lớn là không phổ biến. Tuy nhiên, một nghiên cứu từ Chicago cho thấy, so với trẻ lớn và người lớn, trẻ em dưới 5 tuổi mắc các triệu chứng COVID-19 nhẹ có lượng virus trong mũi và họng cao gấp 10 - 100 lần. Nghĩa là cô giáo chăm sóc trẻ và các thành viên trong gia đình có thể nhiễm virus từ trẻ nhỏ, nhưng không rõ chính xác là bao nhiêu phần trăm.

Mức độ rủi ro hiện tại phụ thuộc vào tần suất tiếp xúc với bên ngoài của gia đình bạn. Hãy tưởng tượng mọi người như những mắt xích trong chuỗi dài, nhiều nhánh - mọi người mà bạn hoặc trẻ có liên hệ gần gũi sẽ trở thành một phần trong chuỗi, bao gồm cả mọi thành viên trong gia đình của họ và bất kỳ ai mà các thành viên đó có liên hệ, v.v. . Tốt nhất, bạn nên giữ chuỗi liên hệ của mình càng ngắn càng tốt. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC định nghĩa "tiếp xúc gần" là ở cách ai đó trong vòng 2m trong ít nhất 15 phút hoặc tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người đó.

Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hoặc cùng làm với nhiều người khác trong một tòa nhà thì lợi ích của việc cho con đi học nhà trẻ có thể lớn hơn nguy cơ rủi ro. Nhưng nếu bạn sống với người lớn tuổi hoặc bất kỳ ai có nguy cơ mắc bệnh nặng do nhiễm virus, gửi con đến nhà trẻ có thể làm tăng thêm nguy cơ và khiến bạn không cảm thấy thoải mái.

Cô giáo mầm non
Khi gửi con đến nhà trẻ có thể tiềm ẩn những rủi ro nhất định

Nếu bạn có con mới sinh và con lớn ở nhà, chuyên gia y tế khuyên không nên gửi con lớn đến nhà trẻ, ít nhất là cho đến khi con nhỏ được vài tháng tuổi. Tốt hơn hết là bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ gia đình, người có thể hiểu được nguy cơ lây lan ở địa phương, cũng như phân tích những rủi ro tiềm ẩn và lợi ích cho gia đình bạn.

Một bác sĩ nhi khoa ở San Francisco khuyên bạn nên xem xét các lựa chọn khác nếu có thể. Ví dụ, khi coronavirus lan rộng trong cộng đồng hoặc trong nhà bạn có người bị suy giảm miễn dịch, hay thuê một người trông trẻ đến nhà bạn hoặc gửi tại nhà giữ trẻ tư nhân chỉ có 1 - 2 bé khác.

4. Những câu hỏi cần xem xét trước khi gửi con đến nhà trẻ

Nhà trẻ mầm non phải tuân theo tất cả các hướng dẫn của địa phương về vệ sinh, khoảng cách, khai báo y tế, cách ly người có triệu chứng và hồi phục sau khi bị bệnh. Những quy tắc này thường dựa trên các hướng dẫn của CDC.

Sau đây là một số câu hỏi dành cho nhà trẻ mà phụ huynh nên cân nhắc:

  • Quy trình đưa và đón diễn ra thế nào? (Một số nơi yêu cầu thời gian so le để giảm số lượng trẻ mỗi lần, kiểm tra nhiệt độ và các thủ tục khác.)
  • Cán bộ nhân viên nhà trường có đeo khẩu trang không? Còn trẻ em trên 2 tuổi thì sao? (Một số nơi yêu cầu bắt buộc nhân viên và khuyến khích trẻ em từ 2 tuổi trở lên đeo khẩu trang)
  • Có bao nhiêu trẻ sẽ ở cùng nhau trong ngày? (Các lớp có sĩ số càng ít sẽ càng tốt và một số nơi đã đặt giới hạn cụ thể)
  • Một nhóm trẻ có được ở cùng với một nhóm nhân viên cố định trong cả ngày hay cả tuần không?
  • Nếu thời tiết thuận lợi, trẻ sẽ ở bên ngoài bao nhiêu giờ trong ngày? (Virus có nhiều khả năng lây lan hơn khi ở trong nhà, vì vậy nhìn chung thì ở bên ngoài sẽ an toàn hơn)
  • Những đứa trẻ sẽ chia sẻ đồ chơi, sách hoặc thức ăn không? Tôi có thể gửi riêng cho con mình dùng không? (Dùng chung đồ làm tăng nguy cơ lây lan vi trùng.)
  • Các quy tắc sử dụng nhà vệ sinh là gì? (Virus có thể phát tán trong nhà vệ sinh và lây lan vào không khí sau khi xả nước.)
  • Nếu có ai đó tại nhà trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, thì quy trình xử lý ra sao? Nhà trẻ có tiếp tục hoạt động không?
Mầm non
Dùng chung đồ làm tăng nguy cơ lây lan vi trùng ở nhà trẻ

5. Giúp con sẵn sàng đi nhà trẻ mầm non giữa mùa dịch

Nếu bạn quyết định gửi con đến nhà trẻ, có nhiều cách để giúp bé chuẩn bị cho cuộc sống “bình thường mới”, chẳng hạn như:

  • Tập thói quen và giờ đi ngủ đều đặn vào tuần trước ngày bắt đầu đi học.
  • Nếu trẻ trên 2 tuổi, hãy giúp con làm quen với việc đeo khẩu trang.
  • Khuyến khích con hình dung khoảng cách 2m là bao xa với các ký hiệu trên sàn nhà.
  • Tập thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong 20 giây (bằng thời gian hát bài "Chúc mừng sinh nhật" 2 lần).
  • Hãy nhắc con rằng hiện tại không được chia sẻ đồ chơi và thức ăn với bạn bè.

Gửi con đi nhà trẻ giữa mùa dịch Covid-19 có an toàn không còn dựa vào rất nhiều yếu tố? Vì thế cha mẹ nên cân nhắc các yếu tố xung quanh để đảm bảo an toàn cho trẻ cao nhất. Hi vọng những thông tin chia sẻ từ bài viết trên đây đã giúp ích cho nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ trong độ tuổi đi nhà trẻ.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan