Chăm sóc tinh thần bệnh nhân hậu Covid-19

Bài viết của Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Bản thân đang ở tình trạng hậu covid-19 hoặc hỗ trợ người khác đang có tình trạng hậu covid-19 có thể là một thách thức. Bạn có thể gặp những khó khăn khi tự chăm sóc cho bản thân hoặc những người thân trong tình huống này, bởi đây là tình trạng còn mới mẻ, chưa có các hướng dẫn một cách rõ ràng về các giải pháp. Theo dõi bài viết sau đây để biết cách chăm sóc tinh thần bệnh nhân hậu Covid-19.

Giai đoạn hậu covid người bệnh có thể gặp các vấn đề về thể chất và tinh thần. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập chủ yếu đến sự hỗ trợ về tinh thần để người bệnh dễ dàng hơn vượt qua được giai đoạn này.

Một số bước bạn nên thực hiện để bảo vệ bản thân và chăm sóc người thân khi rơi vào hậu covid 19.

1. Lắng nghe cơ thể và hiểu rõ bản thân

Mỗi người sẽ có phản ứng và sự đối phó khác nhau với bệnh tật và có những cách khác nhau để kiểm soát căng thẳng, lo lắng và không chắc chắn khi mắc 1 căn bệnh mới. Việc hiểu rõ bản thân, suy nghĩ tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe khi bệnh tật là cách tốt nhất để kiểm soát bệnh tật đang diễn ra:

Một số cách để hiểu rõ hơn tình trạng bạn đang mắc phải hiện tại:

  • Đọc về trải nghiệm của những người khác với tình trạng hậu covid 19 của họ. Hiểu được trải nghiệm của người khác với các tình trạng covid 19. Bạn sẽ thấy được bạn không đơn độc khi đối phó với tình trạng hiện tại, những gì đang xảy đến với bạn cũng tương tự đến với những người khác. Bạn có thể áp dụng những kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe của người khác để chăm sóc mình tốt hơn.
  • Tham gia vào các nghiên cứu về bệnh nếu bạn có thể tham gia. Những người gặp phải tình trạng hậu covid 19 có thể thấy các chiến lược khác nhau hữu ích. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng hậu covid 19, bạn nên tham gia vào bất kỳ chiến lược đối phó nào là tốt nhất cho sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.

2. Cách đối mặt với căng thẳng

Các chuyên gia vẫn đang xác định loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nào có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của các tình trạng hậu covid 19. Một số cách đã được thiết lập để mọi người có thể kiểm soát căng thẳng liên quan đến tình trạng hậu covid 19.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta phải đối mặt với các tình huống có thể gây căng thẳng, choáng và gây xúc động ở người lớn và trẻ em. Các biện pháp được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như cách ly xã hội trong một khoảng thời gian là thực sự cần thiết. Cách ly dẫn đến các trạng thái tiêu cực về tâm lý như cảm giác đơn độc, lo lắng, căng thẳng của người bệnh. Học cách đối phó với căng thẳng một cách lành mạnh sẽ khiến bạn, những người bạn quan tâm và những người xung quanh trở nên mạnh mẽ hơn.

Căng thẳng có thể gây ra những điều sau đây:

  • Cảm giác sợ hãi, tức giận, buồn bã, lo lắng hoặc thất vọng
  • Thay đổi về cảm giác thèm ăn, mong muốn và sở thích
  • Khó tập trung và đưa ra quyết định
  • Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, khó ngủ) hoặc gặp ác mộng
  • Các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ thể, các vấn đề về dạ dày và phát ban trên da
  • Trầm trọng hơn các bệnh mạn tính bạn đang có
  • Tăng sử dụng thuốc lá, rượu và các chất kích thích khác

Việc cảm thấy căng thẳng, lo lắng, đau buồn và lo lắng trong đại dịch Covid-19 là điều tự nhiên. Dưới đây là những cách bạn có thể giúp chính mình, những người khác và cộng đồng của bạn quản lý căng thẳng.

Những cách lành mạnh để đối phó với căng thẳng

  • Hãy tạm dừng việc xem, đọc hoặc nghe các câu chuyện tin tức, kể cả những câu chuyện trên mạng xã hội. Thật tốt khi được thông báo, nhưng việc nghe về đại dịch liên tục có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. Cân nhắc giới hạn tin tức chỉ vài lần một ngày và ngắt kết nối với màn hình điện thoại, TV và máy tính trong một thời gian.
  • Hãy chăm sóc cơ thể của bạn
  • Thư giãn bằng các bài tập thể dục, thiền, vươn vai, hít thở. Cố gắng thực hiện một số hoạt động khác mà bạn yêu thích.
  • Cố gắng ăn những bữa ăn cân bằng và lành mạnh
  • Luyện tập thể dục thường xuyên
  • Ngủ đủ giấc
  • Tránh sử dụng quá nhiều rượu, thuốc lá và chất kích thích
  • Tiếp tục các biện pháp phòng ngừa thông thường (chẳng hạn như tiêm chủng, tầm soát ung thư, v.v.) theo khuyến cáo của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn
  • Tiêm vắc xin phòng covid-19
  • Kết nối với những người khác - Nói chuyện với những người bạn tin tưởng về mối quan tâm của bạn và cảm giác của bạn
  • Kết nối với cộng đồng hoặc các tổ chức dựa trên đức tin của bạn. Trong khi các biện pháp tạo khoảng cách xã hội được áp dụng, hãy thử kết nối trực tuyến, thông qua mạng xã hội hoặc qua điện thoại hoặc thư từ.

Nếu bất kỳ bước nào trong số này yêu cầu thay đổi thói quen, chế độ ăn uống, mức độ hoạt động hoặc thuốc của bạn thì trao đổi với những người tư vấn để có kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nếu là bác sĩ của bạn thì càng tốt. Đặc biệt là khi bạn đang cảm thấy tràn ngập những cảm xúc như buồn bã, trầm cảm, lo lắng hoặc có ý nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc người khác.

3. Hỗ trợ những người có tình trạng hậu covid 19

Khi bạn có vai trò hỗ trợ người thân, bệnh nhân vượt qua những khó khăn của tình trạng hậu covid thì bạn cần hiểu rõ tình trạng của họ, nhu cầu hiện tại của họ. Sau đó, bạn cần chia sẻ điều đó với sự thấu cảm.

3.1 Lắng nghe với lòng trắc ẩn

Ảnh hưởng lâu dài của covid 19 đến sức khỏe sau nhiễm, cùng với việc không giải thích được rõ ràng bản chất của vấn đề tạo ra căng thẳng. Thực hiện các bước để hiểu trải nghiệm của người đó có thể khiến họ cảm thấy bớt bị cô lập hơn.

Bạn phải làm gì?

Khi lắng nghe, hãy đưa ra phản hồi thừa nhận và xác thực những gì họ đang trải qua. Thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu bằng các cử chỉ, ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể bên cạnh lời nói thông thường.

3.2 Trò chuyện, chia sẻ vấn đề

Hỗ trợ có thể khác nhau đối với những người khác nhau. Để hiểu rõ nhất loại hình hỗ trợ mà một người cần, bạn hãy bắt đầu bằng cách yêu cầu họ trò chuyện và đặt câu hỏi về trải nghiệm của họ.

Bạn phải làm gì?

Khi có những cuộc trò chuyện này, hãy bắt đầu bằng một câu hỏi mở, chẳng hạn như “Dạo này thế nào?” Sau đó, hãy thu hẹp những gì bạn có thể làm để giúp đỡ.

Sau khi dành thời gian lắng nghe phản hồi của họ, hãy trực tiếp hỏi họ cần gì hoặc bạn có thể làm gì để giúp đỡ.

3.3 Xác định cách bạn có thể giúp những gì họ cần

Sau khi bạn đã lắng nghe và làm việc để hiểu sự hỗ trợ đó trông như thế nào đối với người đó thì hãy xác định vai trò của bạn trong sự hỗ trợ đó.

Một số người có thể muốn ai đó lắng nghe kinh nghiệm của họ thường xuyên hơn. Những người khác có thể cần thêm hỗ trợ vật chất (giúp việc nhà, làm việc vặt).

Sẽ có lúc bạn không thể hỗ trợ một người chính xác như họ cần và bạn nên thừa nhận điều đó. Chỉ cần trực tiếp nói những gì bạn có thể và không thể làm.

Đại dịch covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nhân loại. Con người đối mặt với những ảnh hưởng về sức khỏe thể chất, những khó khăn về kinh tế, xã hội gây nên các áp lực về mặt tinh thần. Mỗi cá nhân phải cố gắng để vượt qua những vấn đề khó khăn của mình cũng như sẵn sàng hỗ trợ những người xung quanh đối phó với các khó khăn họ gặp phải. Đặc biệt là những khó khăn về tinh thần trong hậu Covid-19.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

628 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan