Dị ứng với nấm mốc là một tình trạng khá phổ biến hiện nay. Dị ứng loại này có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như hắt xì, chảy nước mũi, da bong tróc hay nặng hơn là viêm xoang, hen suyễn, viêm phổi.
1. Nguyên nhân gây dị ứng với nấm mốc
Giống như bất kỳ dị ứng nào, các triệu chứng dị ứng với nấm mốc được kích hoạt bởi phản ứng miễn dịch của cơ thể. Khi hít phải bào tử nấm mốc nhỏ trong không khí, cơ thể sẽ nhận diện và phát triển các kháng thể gây dị ứng để chống lại chúng. Sau khi ngưng tiếp xúc, cơ thể vẫn tạo ra các kháng thể "ghi nhớ" để tiếp xúc lần sau với nấm mốc sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch. Có nhiều loại, nhưng chỉ một số loại nấm mốc gây dị ứng. Dị ứng với một loại nấm mốc không có nghĩa là sẽ bị dị ứng với loại khác. Một số loại nấm mốc phổ biến nhất gây dị ứng bao gồm alternaria, aspergillus, cladosporium và penicillium.
Các yếu tố nguy cơ gây dị ứng với nấm mốc gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị dị ứng nấm mốc.
- Nghề nghiệp nơi tiếp xúc với nấm mốc cao bao gồm nông nghiệp, công việc sữa, khai thác gỗ, làm bánh, làm đồ mộc, làm nhà kính, làm rượu vang và sửa chữa đồ nội thất.
- Sống trong một ngôi nhà có độ ẩm cao.
- Sống trong một ngôi nhà có thông gió kém. Đóng kín cửa sổ có thể giữ độ ẩm trong nhà và ngăn thông gió, tạo điều kiện lý tưởng cho nấm mốc phát triển. Khu vực ẩm ướt - như phòng tắm, nhà bếp và tầng hầm - dễ bị ảnh hưởng nhất.
2. Triệu chứng dị ứng nấm mốc là gì?
Dị ứng với nấm mốc gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự trong các loại dị ứng đường hô hấp trên. Các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng nấm mốc có thể bao gồm:
- Hắt xì
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Ho
- Ngứa mắt, mũi và cổ họng
- Chảy nước mắt
- Da khô, bong vảy
Các triệu chứng dị ứng với nấm mốc khác nhau ở mỗi người và từ nhẹ đến nặng. Bạn có thể có các triệu chứng quanh năm hoặc các triệu chứng chỉ bùng phát trong những thời điểm nhất định trong năm. Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng khi thời tiết ẩm ướt hoặc khi ở trong nhà hoặc ngoài trời có nồng độ nấm mốc cao. Nếu bị dị ứng nấm mốc và hen suyễn, các triệu chứng hen suyễn có thể được kích hoạt do tiếp xúc với bào tử nấm mốc.
3. Dị ứng nấm mốc có nguy hiểm không?
Dị ứng nấm mốc có thể chỉ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:
- Ở một số người, tiếp xúc với một số loại nấm mốc có thể gây ra cơn hen nặng. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn bao gồm: Ho, khò khè, khó thở, tức ngực
- Viêm xoang do nấm dị ứng.
- Dị ứng aspergillosis phế quản phổi. Phản ứng này với nấm trong phổi có thể xảy ra ở những người bị hen suyễn hoặc xơ nang.
- Viêm phổi quá mẫn. Tình trạng hiếm gặp này xảy ra khi tiếp xúc với các hạt trong không khí có chứa bào tử nấm mốc khiến phổi bị viêm.
4. Cách ngăn chặn dị ứng nấm mốc
Để giảm sự phát triển của nấm mốc trong nhà bạn hay để chữa dị ứng nấm mốc, hãy xem xét những lời khuyên sau:
- Loại bỏ các nguồn ẩm ướt trong nhà, chẳng hạn như rò rỉ đường ống hoặc rò rỉ nước ngầm.
- Sử dụng máy hút ẩm ở bất kỳ khu vực nào có mùi mốc hoặc ẩm ướt. Giữ độ ẩm dưới 50 phần trăm.
- Sử dụng máy điều hòa không khí và xem xét việc lắp đặt điều hòa trung tâm với bộ lọc không khí hạt hiệu quả cao (HEPA). Bộ lọc HEPA có thể bẫy các bào tử nấm mốc từ không khí ngoài trời trước khi chúng được lưu thông trong nhà.
- Hãy chắc chắn rằng tất cả các phòng tắm đều được thông gió đúng cách, và chạy quạt thông gió trong khi tắm. Nếu không có quạt thông gió, hãy mở cửa sổ trong khi đang tắm.
- Không để nước từ bên ngoài ngấm vào trong nhà bằng cách loại bỏ lá và thảm thực vật xung quanh và thường xuyên làm sạch máng hứng và thoát nước mưa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org