Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Vũ Dũng Kiên - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Các bác sĩ thường gặp khá nhiều than phiền của người bệnh về triệu chứng đau đầu kèm theo nhức mắt. Vậy nguyên nhân của căn bệnh này là do đâu, có thể loại bỏ bằng cách nào mời bạn đọc cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
1. Đau đầu là bệnh thường gặp
Theo Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế (IASP- International Association for the Study of Pain) -1986 định nghĩa: “Đau là một cảm giác khó chịu và trải nghiệm cảm xúc, xuất hiện cùng lúc với sự tổn thương thực sự hay tiềm tàng của các mô, hoặc được mô tả theo kiểu giống như thế”. Đau là sự tổng hợp của các yếu tố:
- Về sinh lý: đau là cảm giác chủ quan ý thức được
- Về tâm lý: đau là trải nghiệm được lượng giá bởi ý thức
- Về bệnh lý: đau gắn liền với tổn thương, rối loạn chức năng.
Đau đầu được định nghĩa là chứng đau vùng đầu, gáy-cổ, mặt-hốc mắt. Đau có thể gặp một bên hoặc hai bên, cố định hoặc lan tỏa, khác nhau bởi cường độ đau (nhẹ-vừa-nặng), tính chất đau (nhói điện giật, bó thắt, âm ỉ, dữ dội, đau như mạch đập ...), diễn biến (thành cơn, liên tục, nặng dần ..), khởi phát (đột ngột, từ từ) và các triệu chứng kèm theo (vận động, thăng bằng, thị lực, thính lực ...).
Hầu hết mọi người đều trải qua vài lần đau đầu trong cuộc đời, đau đầu xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi, và là chứng bệnh thường gặp nhất.
Ở Việt Nam, trong một khảo sát ngẫu nhiên trên 2000 người trưởng thành (năm 2008) cho thấy có tới 78,3% số người đã từng mắc ít nhất một lần đau đầu trong đời. Một nghiên cứu mới công bố (tháng 2/2019) trên 12.136 người được hỏi, có 86,53% số người được hỏi báo cáo đã trải qua cơn đau các loại ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, trong đó đau đầu là phổ biến nhất với tỷ lệ 35.43%. Theo Hiệp hội Đau đầu Quốc tế, hằng năm ở Mỹ có trên 45 triệu người (trên 13%) mắc chứng đau đầu.
Đau đầu được phân loại thành 3 nhóm chính (theo Phân loại quốc tế về đau đầu)
- Đau đầu nguyên phát: Đau đầu Migraine, đau đầu căng cơ, đau đầu cụm và chứng đau đầu liên quan dây V, đau đầu do các yếu tố gắng sức (ho, tình dục) ...
- Đau đầu thứ phát: Là hậu quả của bệnh lý khác như TMH, RHM, chấn thương (sọ, cột sống cổ), nhiễm trùng, bệnh lý mạch máu nội sọ-cột sống cổ, nguyên nhân nội sọ không do mạch máu (tăng huyết áp, u, giảm ALNS ...), lạm dụng thuốc và hóa chất,...
- Đau đầu khác liên quan thần kinh sọ và trung ương: Đau dây thần kinh số 5
Trắc nghiệm: Bận rộn có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta vì quá bận rộn mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ai cũng biết rằng lịch trình làm việc cả ngày có thể khiến bạn kiệt sức, nhưng cụ thể bận rộn ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Hãy cùng làm thử bài trắc nghiệm dưới đây.
2. Đau đầu kèm theo nhức mắt có nghiêm trọng không?
Trên thực tế, các bác sĩ gặp khá nhiều lời than phiền đau đầu kèm nhức mắt, bao gồm có thể đau quanh hố mắt, đau mặt vùng quanh mắt, đau đầu kèm theo đau nhức hố mắt, đau đầu kèm theo triệu chứng về mắt (như giảm thị lực, đỏ mắt, chảy nước mắt...) hay đau đầu lan đến hố mắt, ...
Đa số các trường hợp là đau đầu nguyên phát. Đau đầu Migraine với tính chất nửa đầu mức độ vừa và nặng bao gồm vùng hố mắt có tính chất mạch đập, đau tăng khi vận động, tái phát nhiều lần, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn hoặc nôn trong cơn đau. Bệnh nhân bị nhiễm virus cấp như ở bệnh cảnh cúm, á cúm, sốt siêu vi, sốt xuất huyết cũng có triệu chứng đau đầu, cảm giác đau sâu trong mắt, cảm giác như nhồi nén vào hốc mắt. Người bệnh tâm căn suy nhược luôn có than phiền đau đầu kèm theo nhức mỏi mắt và mất ngủ. Đau dây V nhánh I nguyên phát với tính chất đau tự phát đột ngột, dữ dội, như điện giật, thành cơn kéo dài vài giây đến vài chục giây kèm theo đỏ mắt, chảy nước mắt...
Đau đầu kèm theo đau nhức quanh hố mắt thứ phát như:
- Đau đầu khi thay đổi thời tiết, đau chủ yếu ở vùng trán gần mắt, đau tăng khi hít hoặc khịt mũi, kèm xuất tiết mũi họng và sốt phải nghĩ đến bệnh lý xoang.
- Một số hội chứng khác của chuyên khoa Tai Mũi Họng và Răng Hàm Mặt gây ra những cơn đau đột ngột, khá dữ dội không những gây đau cho hàm mặt mà còn cả ở hốc mắt.
- Đau đầu kèm theo nhức mắt/đau hố mắt có giảm thị lực gặp trong viêm thần thị thần kinh, glocom.
- Đau đầu kèm theo đau nhức mắt có lồi mắt, giảm thị lực, liệt vận nhãn .. gặp trong bệnh dò động tĩnh mạch xoang hang.
- Đau đầu dữ dội kèm theo nôn, giảm thị lực, sợ ánh sáng, rối loạn ý thức gặp trong tăng áp lực nội sọ.
- Đau đầu vùng thái dương kịch phát kèm theo giảm/mất thị lực, kết mạc phù nề, động mạch thái dương to, nổi rõ, sờ thấy mạch đập gặp trong bệnh Horton (viêm động mạch thái dương).
- Đau dây V do xung đột mạch máu – thần kinh, U dây V cũng là bệnh hay gặp trên thực tế...
3. Các dấu hiệu đau đầu nhức mắt cần đi khám bác sĩ
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác kỹ triệu chứng: Tiền sử, khởi phát, diễn tiến, tính chất đau và các dấu hiệu kèm theo cũng như bệnh lý sẵn có của người bệnh. Các cơn đau đầu kèm theo đau/nhức hố mắt xảy ra với tần suất ít, mức độ nhẹ thường không phải là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng. Nguyên nhân hay gặp là do làm việc với máy tính quá lâu, nghỉ ngơi không hợp lý, căng thẳng tâm lý. Một số những triệu chứng được coi là nghiêm trọng, bệnh nhân cần được thăm khám y tế ngay lập tức và tìm nguyên nhân:
- Đau đầu mức độ vừa và nặng
- Đau tăng dần về cường độ và tần suất
- Đau đầu, đau/nhức hố mắt kèm theo: Sốt; Giảm/mất thị lực; Buồn nôn/nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động; Lồi mắt; Liệt vận nhãn; Đau tăng khi nhai, vận động; Rối loạn ý thức/rối loạn tâm lý hành ...
Tùy theo bệnh cảnh, bác sĩ tầm soát nguyên nhân bằng các kỹ thuật chuyên sâu như Xét nghiệm máu, CT sọ não, MRI sọ não, chụp mạch, siêu âm, ghi điện thế kích thích thị giác...
4. Điều trị đau đầu, đau/nhức hố mắt như thế nào?
Đa số các trường hợp đau đầu nhức mắt được giải quyết tốt với các thuốc giảm đau thông thường và một chế độ nghỉ ngơi, làm việc hợp lý.
Các đau đầu nguyên phát như Migraine, đau đầu căng cơ, đau dây V ... cần được kiểm soát bởi các thuốc giảm đau kháng viêm (NSAID), Triptan, giãn cơ, giảm đau thần kinh ...
Các đau đầu thứ phát như là hậu quả của bệnh lý khác cần điều trị theo đúng nguyên nhân (Glocom, viêm xoang, viêm động mạch thái dương, viêm thị thần kinh, xung đột thần kinh mạch máu, bệnh lý xoang hang ...)
Ngoài ra, một chế độ làm việc - nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý, tập luyện hàng ngày với các hình thức như yoga, thiền, thể thao, khám sức khỏe định kỳ là cách để duy trì sức khỏe, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý và có biện pháp điều trị kịp thời hiệu quả.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc đặt hẹn trên website để được hỗ trợ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.