Đánh giá bệnh hen bằng kết quả chụp X quang

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trường Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Đức đã có hơn 17 năm kinh nghiệm về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.

Xét nghiệm X-quang là xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý đường hô hấp. Qua hình ảnh chụp phổi kết hợp với các xét nghiệm khác cùng tiền sử bệnh có thể đưa ra kết luận chính xác về bệnh.

1. Hen phế quản là gì?

Hen phế quản là tình trạng cơ thể bị khó thở do co thắt phế quản (hẹp đường thở) gây tăng tiết chất nhầy và làm dày thành đường dẫn khí. Các triệu chứng xảy ra như thở khò khè, khó thở, tức ngực và ho thay đổi theo thời gian bị bệnh, tần suất và cường độ.

Các yếu tố khởi phát có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng hen gồm nhiễm siêu vi, chất gây dị ứng (ví dụ mạt bọ nhà, phấn hoa, gián), khói thuốc lá, tập thể dục và căng thẳng. Những phản ứng này có nhiều khả năng xảy ra khi hen phế quản là không kiểm soát được. Một số loại thuốc có thể gây ra hoặc kích hoạt cơn hen như thuốc chẹn beta và với một số bệnh nhân là aspirin hoặc các kháng viêm không steroid khác.

2. Bệnh hen được biểu hiện như thế nào?

Bệnh hen có biểu hiện cấp tính khi tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích như bụi nhà, khói thuốc, phấn hoa. Người bệnh thường lên cơn hen sau tiếp xúc với các tác nhân trên một vài phút. Cơn hen do nhiễm vi rút có biểu hiện muộn hơn. Nhìn chung, một cơn hen khởi phát trải qua các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Có biểu hiện của co thắt phù nề phế quản (ho kịch phát, ứ trệ các chất nhầy, khó thở nhẹ trong cơn ho).
  • Giai đoạn 2: Các chất xuất tiết nhiều lên. Người bệnh có biểu hiện ho dữ dội, khó thở tăng lên, thở khò khè, nói ngắt quãng, phải ngồi dậy để thở. Mặt xanh xám, môi chuyển tím, lồng ngực ít di động, nhịp thở tăng, ngày càng thở nông.
  • Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn co thắt phế quản nặng. Tiếng thở có khò khè nhiều, thở yếu, tím tái và dễ bị ngừng thở.
X-quang hen phế quản
Cơn hen khởi phát trải qua 3 giai đoạn

3. Xét nghiệm X-quang giúp ích gì trong chẩn đoán bệnh hen?

Chụp X-quang ngực là xét nghiệm này nhằm mục đích xác định đường thở có đang bị nghẽn hay không. X-quang còn được sử dụng để loại trừ các nguyên nhân khác có các triệu chứng giống hen suyễn như viêm phổi, suy tim, ung thư phổi và bệnh lao.

Xét nghiệm sẽ được các bác sĩ khoa X quang thực hiện và đọc kết quả. Kết quả sau đó được trả về cho bác sĩ điều trị, kết hợp với các xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có hình ảnh khí phế thũng (lồng ngực giãn căng, cơ hoành hạ thấp, xương đòn nâng lên, khoang liên sườn rộng ra, phổi sáng tương phản và rốn phổi đậm); các nhánh phế quản, rốn phổi tăng đậm; có hình ảnh xẹp phân thùy phổi (khi có biến chứng tắc nghẽn); hình ảnh viêm phổi do bội nhiễm thì khả năng cao bệnh nhân bị hen phế quản.

4. Các xét nghiệm khác phối hợp trong chẩn đoán hen phế quản

  • Hô hấp ký: Là một bài kiểm tra hít thở để biết hoạt động của phổi đang tốt hay không. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được yêu cầu xét nghiệm lại sau khi dùng thuốc giãn phế quản, thuốc xịt mở đường hô hấp để kiểm tra xem khả năng hô hấp có cải thiện được hay không. Nếu có cải thiện được rất có thể bạn đã bị hen.
  • Xét nghiệm dị ứng: Có thể xác định những loại chất nào có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hô hấp bằng phương pháp kiểm tra qua da.
  • Xét nghiệm máu IgE: Xét nghiệm này dùng để phát hiện ra nồng độ globulin miễn dịch. IgE là một kháng thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài. Nếu globulin trong cơ thể tăng, bạn có thể đang bị hen suyễn.

5. Một số đối tượng cần lưu ý với bệnh hen phế quản

X-quang hen phế quản
Phụ nữ mang thai cần lưu ý với bệnh hen phế quản

5.1 Những người bị ho nhiều

Ho là triệu chứng của nhiều bệnh lý đường hô hấp như hội chứng ho mãn tính đường hô hấp trên, viêm xoang mãn, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), rối loạn chức năng dây thanh, viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan, hay hen dạng ho. Việc chẩn đoán phân biệt giữa hen với các bệnh lý đường hô hấp khác có thể gặp khó khăn. Nếu người bệnh được chẩn đoán và điều trị với bệnh lý khác mà tình trạng bệnh không thuyên giảm thì vẫn có thể nghi ngờ là bị bệnh hen, hãy đi kiểm tra lại sức khỏe

5.2 Người làm việc trong môi trường độc hại

Những người làm việc trong môi trường độc hại, tiếp xúc với nhiều chất gây dị ứng có khả năng cao bị bệnh hen. Người bệnh có biểu hiện viêm đường hô hấp cần được hỏi về tiền sử nghề nghiệp và có hay không sự thuyên giảm bệnh sau khi tránh xa công việc để đưa ra chẩn đoán chính xác, loại trừ tiếp xúc với các yếu tố gây phơi nhiễm càng sớm càng tốt.

5.3 Phụ nữ mang thai

Bệnh hen ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé trong thời gian mang thai. Hỏi về bệnh hen cho tất cả phụ nữ mang thai và dự định mang thai để có các biện pháp dự phòng trước khi mang thai.

5.4 Người lớn tuổi

Hen phế quản ít khi được chẩn đoán ở người già, do định kiến rằng người già bình thường hay bị khó thở, thiếu tập thể dục, hay giảm hoạt động. Bệnh hen cũng có thể được chẩn đoán sai bởi nhầm lẫn với khó thở do suy tim trái hay bệnh tim do thiếu máu cục bộ.

5.5 Người có tiền sử hút thuốc lá

Những người hút thuốc lá phơi nhiễm với các chất độc hại lâu năm, vì vậy vẫn có khả năng cao bị COPD hay hội chứng chồng lấp hen-COPD (ACOS). Hen phế quản và COPD có thể cùng tồn tại hoặc chồng lấp (hội chứng chồng lấp hen-COPD: ACOS) với những người hút thuốc lá và người già và ACOS có tiên lượng xấu hơn bệnh hen hoặc COPD riêng lẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội hô hấp thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan