Đái dầm ở trẻ em: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Đái dầm ở trẻ em là tình trạng trẻ không tự chủ được việc tiểu tiện trong lúc ngủ. Trẻ dưới 5 tuổi bị đái dầm là bình thường nhưng những trẻ đã bước vào tuổi dậy thì, vị thành niên vẫn đái dầm thì cần có biện pháp can thiệp sớm.

1. Đái dầm ở trẻ gồm những loại nào?

Hiện nay chưa có sự thống nhất về tiêu chuẩn chẩn đoán đái dầm ở trẻ.

Đái dầm ở trẻ được chia thành 2 loại:

  • Đái dầm tiên phát: Trẻ có thể kiểm soát việc đi tiểu vào ban ngày nhưng không thể kiểm soát được việc tiểu tiện vào ban đêm trong ít nhất 6 tháng. Đây là kiểu đái dầm thường gặp.
  • Đái dầm thứ phát: trong khoảng ít nhất 6 tháng, trẻ không đái dầm nhưng sau đó lại bị đái dầm. Ở đái dầm thứ phát cần tìm ra sự thay đổi khiến trẻ trở nên như vậy.

2. Nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ

Trẻ 3,5 tuổi thở bằng miệng kèm ngáy to có sao không?
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đái dầm tiên phát ở trẻ

Đái dầm tiên phát là dạng đái dầm phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số trẻ bước vào lứa tuổi dậy thì vẫn bị. Một số nguyên nhân gây nên tình trạng đái dầm tiên phát gồm:

  • Bé chậm phát triển những kỹ năng cần thiết khiến cho đái dầm xuất hiện. Khi bàng quang đầy nước và không thể giữ nước tiểu đến sáng, tín hiệu này sẽ được gửi đến não để bé dậy và đi vệ sinh. Tuy nhiên, bởi vì bé chưa học được kỹ năng này nên bàng quang không được kiểm soát, dẫn đến tình trạng đái dầm.
  • Do bé ngủ sâu: khi ngủ sâu quá, não của trẻ sẽ bỏ lỡ tín hiệu khi bàng quang đầy
  • Trẻ mải chơi đùa khi tắm, quên mất việc đi vệ sinh vì thế trẻ thường hay mắc tiểu vào ban đêm
  • Khi cơ thể của bé không sản xuất đủ hormone chống lợi tiểu (ADH) thì nước tiểu sẽ tạo ra nhiều hơn. Tình trạng đái dầm sẽ xảy ra khi bé chưa học được cách kiểm soát bàng quang
  • Do bàng quang bị dị tật bẩm sinh
  • Do yếu tố di truyền: nguy cơ con bị đái dầm sẽ là 77% nếu có bố và mẹ từng bị đái dầm, 44% nếu bố hoặc mẹ bị đái dầm . Nếu bố mẹ không bị đái dầm thì tỷ lệ này giảm còn 14%.

Không nên la mắng trẻ khi trẻ đái dầm, bởi như vậy sẽ khiến cho tình trạng thêm nặng hơn.

Không chỉ trẻ nhỏ mới bị đái dầm mà thanh thiếu niên vẫn có những trường hợp bị đái dầm. Nguyên nhân gây đái dầm thứ phát là do:

  • Do bàng quang nhỏ: khả năng giữ nước do bàng quang nhỏ sẽ thấp hơn so với những người có bàng quang bình thường. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến cho bạn mất khả năng kiểm soát bàng quang do co thắt bàng quang.
  • Các bé bước vào tuổi dậy thì có nhiều sự thay đổi về hormone gây ảnh hưởng đến hormone ADH khiến cho ban đêm nước tiểu được sản xuất nhiều hơn.
  • Khi trẻ có vấn đề về sức khỏe như bị tiểu đường, nhiễm trùng đường tiết niệu....sẽ khiến cho trẻ đi tiểu nhiều cả ban ngày và ban đêm.
  • Tâm trạng lo lắng, căng thẳng sẽ khiến trẻ bị đái dầm. Nếu tình trạng này kéo dài, đái dầm ở trẻ sẽ càng thêm trầm trọng.
  • Không nên cho bé uống cafe trước khi đi ngủ bởi caffeine sẽ khiến trẻ đi tiểu nhiều hơn.
  • Hệ thần kinh của trẻ có vấn đề bất thường nên gây ra tình trạng đái dầm ở trẻ.

3. Trị đái dầm ở trẻ bằng cách nào?

Trẻ bị táo bón
Nên cho trẻ đi tiểu trước khi ngủ

Để trị đái dầm cho trẻ, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện nhi khoa đồng thời không gây áp lực lên trẻ khi trẻ đái dầm.

  • Khuyến khích, động viên trẻ khi trẻ không đái dầm. Không nên la mắng trẻ, tránh gây áp lực mặc cảm cho trẻ.
  • Nên cho trẻ đi tiểu trước khi ngủ.
  • Đối với những trẻ đi tiểu nhiều, nên để bô đi tiểu gần giường, tiện cho việc đi vệ sinh của trẻ hoặc có thể đánh thức trẻ đi tiểu trước giờ trẻ đái dầm.
  • Ở một số trường hợp trẻ còn nhỏ (3-5 tuổi) tình trạng đái dầm có thể xảy ra vào ban ngày.

Khi các phương pháp trên không hiệu quả, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc.

  • Sử dụng thuốc co thắt bàng quang loại kháng tiết cholin
  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm, thường thì dùng Imipramine
  • Sử dụng thuốc desmopressin dạng xịt mũi

Hiện nay, có phương pháp mới để chữa chứng đái dầm đang được áp dụng là sử dụng máy tính chuyển tín hiệu hoạt động điện đến giữa vùng chẩm và bệnh nhân tự điều khiển sóng điện não của mình qua phần mềm như trò chơi điện tử. Sau 5-7 lần điều trị, khoảng 20 phút /lần, đái dầm đã biến mất và hiệu quả của phương pháp này kéo dài hơn một năm.

Đái dầm là bệnh thường gặp ở trẻ em trong khi ngủ. Tình trạng này kéo dài khiến cho nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Vì vậy, cha mẹ nên hiểu một cách đầy đủ về chứng đái dầm ở trẻ em để có cách chăm sóc con hợp lý, tránh gây sự căng thẳng, áp lực lên trẻ khiến cho bệnh thêm trầm trọng đồng thời cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được sự thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời từ bác sĩ chuyên khoa.

Thạc sĩ. Bác sĩ Ngô Thị Oanh đã có trên 10 năm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa. Thực hiện thành thạo khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, dinh dưỡng trẻ em. Trong quá trình công tác, bác sĩ Oanh thường xuyên cập nhật các kiến thức mới về chẩn đoán và điều trị thông qua các hội nghị chuyên ngành, các lớp đào tạo liên tục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan