Đa ối có sinh thường được không hay phải sinh mổ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phùng Thị Lý - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào của nước ối cũng khiến mẹ bầu hết sức lo lắng, nhất là tình trạng đa ối hay dư ối. Vậy mẹ bầu bị đa ối có sinh thường được không hay bắt buộc phải sinh mổ thì mới không ảnh hưởng đến thai nhi? Để trả lời cho câu hỏi này, mời các mẹ tham khảo thông tin đến từ các bác sĩ sản khoa bệnh viện Vinmec.

1. Đa ối là gì?

Đa ối (hay còn gọi là rối loạn nước ối) là tình trạng hình thành quá nhiều nước ối một cách bất thường, bao lấy thai nhi trong tử cung, hậu quả có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé bao gồm: sinh non, nhau bong non, và thai nhi bất thường.

Thông thường sau khi thụ thai, nước ối sẽ hình thành vào khoảng 12 ngày sau đó. Nhiệm vụ của nước ối là hỗ trợ thai nhi trong việc phát triển các chi, phổi và hệ tiêu hóa. Nước ối cũng giúp bao bọc và giữ cho thân nhiệt của thai nhi được ổn định trong quá trình mang thai.

Lượng nước ối trung bình thường nằm trong khoảng 800-1000ml. Khi lượng thể tích này vượt quá hai lít thì tình trạng này cần phải được xem xét. Chẩn đoán đa ối chủ yếu dựa vào siêu âm đo chỉ số nước ối AFI (Amniotic Fluid Index) trong trường hợp đo thấy khoang ối sâu nhất ≥ 8cm, hay Chỉ số ối AFI ≥ 25 cm.

Hầu hết tình trạng đa ối không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, đa phần các mẹ bầu khi lâm vào tình cảnh này đều hết sức lo lắng và thắc mắc không biết đa ối có sinh thường được không. Nếu thai phụ được chẩn đoán đa ối thì bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi cẩn thận quá trình mang thai để kịp thời ngăn ngừa các biến chứng xảy ra. Việc điều trị còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

2. Đa ối ảnh hưởng gì đến thai nhi?

Thông thường, mức độ ảnh hưởng của đa ối đến thai nhi càng cao khi đa ối xuất hiện càng sớm trong thời kỳ mang thai. Cụ thể, những rủi ro sau đây có thể xảy ra đối với cả mẹ và thai nhi:


Hình ảnh thai nhi ở vị trí không thuận lợi
Hình ảnh thai nhi ở vị trí không thuận lợi
  • Bong nhau thai: Nguyên nhân dọa sảy thai nguy hiểm trong những tháng mang thai đầu tiên
  • Sa dây rốn: Là tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, dẫn đến suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi thai và thành chậu hoặc bị sa ra bên ngoài âm đạo. Đây là biến chứng nghiêm trọng thường rơi vào giai đoạn cuối của thai kỳ;
  • Sự phát triển của thai nhi bị hạn chế có thể ảnh hưởng đến sự phát triển khung xương
  • Nguy cơ phải sinh mổ, do đó tăng thêm rủi ro so với khi sinh theo đường âm đạo bình thường.
  • Đa ối làm tăng nguy cơ bị chảy máu hay băng huyết sau sinh.
  • Thai chết lưu: Quá nhiều nước ối thường liên quan đa ối nặng thai nhi có bất thường nguy cơ khiến cho thai chết lưu .
  • Chuyển dạ kéo dài
  • Đẻ khó do vai nếu mẹ sinh con to trong đa ối.

Tuy nhiên trên thực tế, rất ít các trường hợp đa ối xảy ra biến chứng trầm trọng. Thường thì ngay sau khi em bé sinh ra, lượng nước ối dư thừa cũng được tháo ra ngay lập tức, kết thúc chuỗi ngày khó chịu do tình trạng đa ối gây ra cho người mẹ.

3. Đa ối có sinh thường được không?

Hầu hết các mẹ khi phải rơi vào tình cảnh đa ối đều thấp thỏm lo âu không biết đa ối có sinh thường được hay không. Câu trả lời cho điều này còn phụ thuộc vào mức độ đa ối nặng hay nhẹ của từng mẹ. Đa ối thực chất không phải là một hiện tượng quá nghiêm trọng, tuy nhiên với lượng dịch ối ngày càng tăng cao thì khả năng xảy ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi trong ca sinh sẽ ngày càng gia tăng.


Đa ối có sinh thường được không còn tùy thuộc vào mức độ đa ối của mẹ
Đa ối có sinh thường được không còn tùy thuộc vào mức độ đa ối của mẹ

Các bác sĩ tại bệnh viện Vinmec nhận định rằng, mẹ bầu bị đa ối hoàn toàn có thể sinh thường được nếu như tình trạng dư thừa nước ối ổn định trở lại trước khi đến ngày dự sinh. Ngược lại, ca sinh của mẹ có thể sẽ gặp những rủi ro sau đây nếu dấu hiệu đa ối không được giải quyết sớm:

  • Nguy cơ vỡ màng ối đột ngột trong khi chưa có các dấu hiệu chuyển dạ, dẫn đến khả năng mẹ sinh non ngoài dự tính là rất cao;
  • Cả kích thước và cân nặng của thai nhi có khả năng lớn hơn mức bình thường;
  • Thai nhi có thể chết lưu;
  • Vỡ ối sớm trong tình trạng thai ngôi mông hoặc cơ thể của mẹ chưa đến thời điểm thích hợp cho sinh nở;
  • Bong nhau non và sa dây rốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

4. Vậy đa ối nên sinh thường hay sinh mổ?

Cũng theo các bác sĩ tại bệnh viện Vinmec, việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ đối với tình trạng đa ối nên căn cứ vào từng nguyên nhân, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể đối với từng mẹ bầu. Theo đó, trường hợp nhận thấy có nhiều rủi ro trong ca sinh của mẹ thì nhiều khả năng bác sĩ sẽ quyết định mổ lấy thai để tránh nguy cơ bị mất máu nặng và băng huyết sau sinh ở các mẹ bị đa ối. Đây là những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và dễ dẫn đến các biến chứng cho người mẹ sau này.

5. Mẹ bầu bị đa ối nên làm gì?


Mẹ bầu đa ối nên khám thai định kỳ để kiểm tra tình trạng nước ối
Mẹ bầu đa ối nên khám thai định kỳ để kiểm tra tình trạng nước ối

Bên cạnh câu hỏi “Đa ối có sinh thường được không?” thì vấn đề “Mẹ bầu bị đa ối phải làm sao?” cũng là nhận được sự quan tâm của nhiều người. Để cải thiện tình trạng dư nước ối, mẹ bầu cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa sản, thực hiện xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân và sau đó mới tập trung vào công tác điều trị. Sau đây là một số lời khuyên quan trọng dành cho các mẹ bị đa ối:

  • Một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học và đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung đủ 2,5 lít nước mỗi ngày và hạn chế dùng muối sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng dư thừa nước ối.
  • Thực hiện khám thai định kỳ theo lịch hẹn và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra hình thái em bé cũng như nước ối phát hiện sớm những trường hợp đa ối xuất hiện sớm đề tìm nguyên nhân và có hướng xử lý và theo dõi thích hợp cho từng sản phụ.
  • Chú ý theo dõi những biểu hiện bất thường của cơ thể và thông báo ngay cho bác sĩ biết, đặc biệt là khi mẹ nhận thấy mình bị rỉ ối, bụng trở nên căng cứng, khó thở không rõ nguyên nhân.

Tóm lại, hiện tượng đa ối có sinh thường được không hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ nghỉ dưỡng của mẹ trong quá trình phát triển của thai nhi và những nhận định từ bác sĩ chuyên khoa về tình trạng đa ối của mẹ là nặng hay nhẹ. Chính vì vậy, các mẹ cần phải tuân thủ những nguyên tắc nêu trên để đảm bảo cho kỳ thai của mình diễn biến thật là thuận lợi trong giai đoạn nước rút quan trọng này.

Khách hàng có thể tham khảo chương trình chăm sóc thai sản trọn gói tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với lộ trình thăm khám khoa học cho bà mẹ mang thai trước - trong - sau sinh với các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa, đảm bảo việc theo dõi sát sao giúp sản phụ có 1 thai kỳ khỏe mạnh và cuộc chuyển dạ an toàn.

Nếu có nhu cầu khám bệnh tại Hệ thống Y tế Vimec trên toàn quốc, Khách hàng vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe