Làm thế nào khi bị chấn thương khớp vai?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chấn thương khớp vai là một dạng chấn thương phổ biến, thường gặp ở những người hay chơi hoặc tham gia thi đấu các môn thể thao. Trường hợp chấn thương vai nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng không ngờ như cứng khớp, teo cơ,... gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân.

1. Nguyên nhân gây chấn thương khớp vai

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chấn thương khớp vai bao gồm:

  • Vận động quá mức, lặp đi lặp lại nhiều lần một động tác nào đó, chẳng hạn như bơi lội, chơi quần vợt, cầu lông,...;
  • Chấn thương vai cũng có thể xảy ra khi bệnh nhân mang vác các vật nặng hoặc bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động làm va đập mạnh đến các khớp ở vai;
  • Với những bệnh nhân lớn tuổi, gân cơ đã bị thoái hóa nên ngay cả khi gặp chấn thương nhẹ hoặc chỉ với các vận động vai trong sinh hoạt thường ngày quá mức như xách nước, làm vườn... cũng có thể dẫn đến rách gân;
  • Chấn thương vai khi tập gym do:
    • Tập luyện quá sức và các bài tập quá nặng;
    • Không khởi động kỹ trước khi thực hiện các bài tập thể hình nặng;
    • Thể lực cơ bắp không đủ hoặc cơ thể không được khỏe để tham gia hoạt động tập luyện;
    • Kỹ thuật tập luyện không đúng ở những động tác giơ tay quá đầu hoặc xoay vai trong các bài tập gym...
Chấn thương vai
Nguyên nhân gây chấn thương khớp vai là gì?

2. Các dạng chấn thương khớp vai thường gặp

Một số loại chấn thương vai thường gặp trong hoạt động thể dục thể thao và hoạt động hằng ngày bao gồm:

  • Rách sụn viền và bao khớp vai:
    • Bao khớp vai có thể dính liền vào xương là nhờ sụn viền ổ chảo. Sụn viền là bộ phận rất dễ bị rách hay tróc ra khỏi xương, nó được ví như “cánh cửa sứt bản lề”. Điều này xảy ra khi thực hiện động tác xoay quá mức hoặc vặn xoắn khớp, té ngã dùng tay chống đỡ;
    • Rách sụn viền và bao khớp vai sẽ dẫn đến mất vững khớp, đau mãn tính và trật khớp tái diễn.
  • Trật khớp cùng: Tổn thương này dễ gặp khi té ngã dùng tay chống đỡ hay vai đập xuống mặt phẳng. Với trường hợp này phải phẫu thuật can thiệp trực tiếp để chấn thương có cơ hội hồi phục hoàn toàn. Trật khớp cùng thường gặp ở những người chơi thể thao đỉnh cao;
  • Gãy xương vùng vai:
    • Lực chống đỡ từ vai hoặc va đập vai quá mạnh vào mặt phẳng có thể dẫn đến gãy xương đòn, xương bả vai và cánh tay;
    • Lúc này bệnh nhân bắt buộc phải nghỉ tập luyện một thời gian và dưỡng thương ở trạng thái bất động tốt, nếu không sẽ bị lệch và phạm khớp.
  • Viêm rách gân và chóp xoay:
    • Ngoài bao khớp, khớp vai còn có một bộ phận là bốn gân cơ chóp xoay bao quanh giúp giữ vững khớp và tạo lực xoay tròn cho khớp vai;
    • Do phải đảm nhận nhiều chức năng như vậy nên gân dễ bị rách và chấn thương;
    • Rách gân gây nên tình trạng cứng khớp, đau mãn tính cho bệnh nhân nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

3. Điều trị chấn thương khớp vai như thế nào?

Khi bị chấn thương khớp vai, bệnh nhân sẽ không thể tham gia các môn thể thao đòi hỏi sử dụng vung tay quá đầu như quần vợt, cầu lông,... hoặc không thể tham gia khiêng vác các đồ vật nặng như thường ngày. Trong giai đoạn này bệnh nhân sẽ cảm thấy thiếu sức lực khi giơ cánh tay ra 4 hướng, vai bị cứng, đôi khi cảm thấy cánh tay có thể bị trượt ra khỏi ổ khớp vai. Do vậy khi nghi ngờ bị chấn thương vai, bệnh nhân cần phải đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng có thể xảy ra đối với bản thân.

Hiện nay, có nhiều phương pháp hiệu quả để điều trị chấn thương vai, mang tính chất ít xâm lấn với đường mổ nhỏ như nội soi khâu gân cơ chóp xoay, khâu sụn viền, tái tạo dây chằng. Tùy thuộc vào từng loại chấn thương khớp vai mà có những phương pháp điều trị tương ứng như dùng thuốc uống, tiêm thuốc vào khoang khớp kết hợp tập vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.

Kết hợp vật lý trị liệu và một vài bài tập cơ bản sẽ đẩy nhanh quá trình hồi phục khớp vai bị chấn thương. Không nên lạm dụng thuốc trị đau khớp vai vì nó gây hại cho xương và có thể cản trở quá trình hồi phục tận gốc của chấn thương.

Ngay khi xảy ra chấn thương khớp vai, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác bệnh tình và có kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý nhất. Trong giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn do gân cơ bị thoái biến. Đặc biệt các trường hợp rách gân cơ chóp xoay nhưng không được điều trị kịp thời, gân cơ bị tụt vào trong và thoái hóa mỡ, không khâu được gân cơ về vị trí giải phẫu bình thường, lúc này người bệnh cần phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn để thay khớp vai.

Chấn thương vai
Ngay khi xảy ra chấn thương khớp vai, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác bệnh tình

Đối với trường hợp chấn thương đau vai ở mức độ vừa, bệnh nhân nên nên:

  • Ngừng các hoạt động phải khiêng vác nặng trong một thời gian;
  • Chườm đá vùng vai bị đau 2-3 lần trong ngày, mỗi lần khoảng 15 phút;
  • Nên tắm nước nóng toàn thân;
  • Có thể dùng các loại gel kháng viêm giảm đau nhanh như Ketoprofen. Loại gel này thoa tại chỗ 2-3 lần ngày, nó có tác dụng giúp giảm sưng, đau, tan máu bầm tại chỗ viêm;
  • Treo tay lên nếu bị đau nhiều và chấn thương mạnh;
  • Tập các bài tập kéo giãn các nhóm cơ vùng khuỷu;
  • Nghỉ chơi ít nhất 1 đến 3 tuần. Trong lúc nghỉ, vẫn vận động nhẹ nhàng các động tác khớp vai mà không gây đau. Không nên nằm ngủ đè lên vai đau;
  • Uống thuốc kháng viêm, giảm đau;
  • Nếu sau 1 tuần vẫn còn đau với các biện pháp điều trị trên, nên đến bệnh viện chuyên khoa xương khớp để khám và chẩn đoán sớm để có kế hoạch chữa trị đúng cách, nhằm phục hồi lại vận động của khớp vai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

47.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan