Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Phương Thảo - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Thảo đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa, hiện bác đang công tác tại Bệnh viện Nhi trung ương. Thế mạnh của bác là chẩn đoán, điều trị và chăm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khám điều trị nội tiết.
Dậy thì sớm ở trẻ hiện đang gia tăng ở các nước trong đó có Việt Nam. Dậy thì sớm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Vậy nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ là gì và có nên trì hoãn việc dậy thì sớm ở trẻ không?
1. Dậy thì sớm ở trẻ là gì?
Bình thường trẻ gái bước vào độ tuổi dậy thì trung bình từ 8 - 13 tuổi và ở trẻ trai là từ 9 - 14 tuổi.
Dậy thì sớm là khi trẻ có các dấu hiệu phát triển về giới tính trước 8 tuổi đối với nữ và trước 9 tuổi đối với nam.
2. Nguyên nhân gây dậy thì sớm
Hiện nay có nhiều trẻ mới khoảng 5, 6 tuổi đã bắt đầu có các dấu hiệu dậy thì sớm có thể chỉ đơn thuần là do phát triển dậy thì trước thời hạn. Tuy nhiên cũng có thể do một số nguyên nhân thực thể sau:
Dậy thì sớm trung ương do hoạt động quá sớm của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục
- Đối với trẻ gái thường không rõ nguyên nhân
- Đối với trẻ trai thì đến 70% là do khối u, tổn thương thần kinh
- Ngoài ra còn do các nguyên nhân tại não như khối u trong não hoặc tủy sống, viêm màng não hay viêm não, chịu các bức xạ lên não và tủy sống, suy giáp....
Dậy thì sớm ngoại biên thường do:
- U buồng trứng
- U tinh hoàn
- Các bệnh lý về tuyến thượng thận như tăng sản thượng thận bẩm sinh
- Các bệnh liên quan tới di truyền
- Gia tăng tiếp xúc với các hormon giới tính như estrogen và testosterone qua thức ăn hay kem bôi ngoài.
Các yếu tố liên quan
- Trẻ gái béo phì thường có nguy cơ dậy thì sớm
- Chế độ ăn nhiều chất béo.
3. Dấu hiệu nhận biết
Đối với trẻ trai
- Bộ phận sinh dục phát triển
- Lông nách và lông mu bắt đầu xuất hiện
- Mụn trứng cá
- Cơ thể có mùi
- Vỡ giọng
- Sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng.
Đối với trẻ gái
- Ngực phát triển
- Mọc lông mu và lông nách
- Thay đổi hình dạng cơ quan sinh dục ngoài
- Dấu hiệu về kinh nguyệt.
- Tăng chiều cao và cân nặng.
4. Hậu quả của việc dậy thì sớm
Dậy thì sớm ở trẻ dẫn đến những hậu quả sau:
- Ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ sự phát triển sớm hơn so với các bạn ở cùng trang lứa có thể gây ra tâm lý ngại ngùng, dễ làm trẻ tự ti, thiếu tự tin
- Chiều cao hạn chế: Thời điểm dậy thì có thể trẻ cao hơn so với các bạn cùng độ tuổi tuy nhiên, dậy thì sớm làm cho các khớp xương bị đóng sớm hơn bình thường, rút ngắn thời gian sinh trưởng do đó làm ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ khi trưởng thành.
- Có xu hướng quan hệ tình dục sớm trước tuổi trưởng thành gây hậu quả với trẻ gái là có thai ngoài ý muốn do chưa đủ kiến thức
- Ảnh hưởng tới chất lượng học tập của trẻ
- Với trẻ gái do ảnh hưởng rối loạn nội tiết sớm gây ra hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
5. Có nên trì hoãn dậy thì sớm?
Dậy thì sớm gây nhiều hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của trẻ. Việc trì hoãn dậy thì sớm cho trẻ sẽ tạo cơ hội cho xương phát triển theo tốc độ riêng trong giai đoạn dài hơn, các khớp không bị "khóa" quá sớm, giúp trẻ có cơ hội đạt chiều cao lý tưởng hơn khi trưởng thành. Đồng thời việc này cũng giúp tâm trí, cảm xúc và các kỹ năng xã hội của trẻ có thể đuổi kịp sự phát triển thể chất. Thực tế, nếu dậy thì xảy ra đúng thời điểm thì khi đó các hệ cơ quan mới sẵn sàng để phối hợp nhịp nhàng với nhau, đưa đến sự phát triển tốt nhất cho cơ thể.
Việc trì hoãn dậy thì sớm cho trẻ như thế nào căn cứ vào nguyên nhân dẫn tới dậy thì sớm ở trẻ:
Nếu nguyên nhân gây dậy thì sớm là các khối u thì cần phẫu thuật cắt bỏ chúng.
Nếu không tìm thấy nguyên nhân, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm hàm lượng hormon giới tính nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Một số biện pháp hỗ trợ trì hoãn dậy thì sớm có thể áp dụng với bé gái như:
- Tập luyện giảm lượng mỡ thừa
- Chế độ ăn hợp lý với hàm lượng calo lành mạnh
- Hạn chế tiếp xúc với các hormon giới tính như estrogen, có trong chai nhựa, hộp nhựa, thuốc trừ sâu,...
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu quercitin như quả họ cam chanh bưởi, táo, nho đỏ, hành tây đỏ, cà chua, bông cải xanh và các loại rau xanh, trà xanh và trà đen...để giảm ảnh hưởng của estrogen ngoại lai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.