Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nội tiết.
Ở người, tuyến nước bọt thuộc loại tuyến ngoại tiết với vai trò chính là sản xuất nước bọt hoặc chế tiết amylase. Có khá nhiều tuyến nước bọt nằm rải rác khắp niêm mạc của miệng, trong đó có 3 đôi tuyến chính là tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm và tuyến nước bọt dưới lưỡi.
1. Giải phẫu tuyến nước bọt
Tuyến nước bọt hoạt động được là nhờ sự cân bằng giữa hệ thần kinh phó giao cảm và thần kinh giao cảm. Khi các sợi phó giao cảm đến tuyến nước bọt trong các dây thần kinh sọ thì tuyến mang tai sẽ nhận các sợi đi trong dây thiệt hầu qua hạch tai và tuyến nước bọt dưới lưỡi, tuyến nước bọt dưới hàm sẽ nhận các sợi đi trong dây mặt qua hạch dưới hàm.
Mọi sự kích thích phó giao cảm và hệ giao cảm đều làm tăng tiết nước bọt, chúng hoạt động với vai trò sau:
- Vai trò nội tiết: Với vai trò này, tuyến nước bọt đảm bảo sự tăng sản những tổ chức trung mô như xương răng, sụn, sợi chun, tổ chức liên kết và tạo máu, hệ thống lưới nội mô....
- Vai trò tiêu hóa: Tuyến nước bọt sẽ có vai trò làm ướt và tan thức ăn, đồng thời củng cố vị giác và thủy phân tinh bột.
- Vai trò bảo vệ: Tuyến nước bọt đảm bảo vai trò cuốn trôi vi khuẩn, tạo pH kiềm, các chất diệt khuẩn, kháng thể bảo vệ và hỗ trợ tái khoáng men răng.
- Vai trò bài tiết: Theo đó, những chất ngoại lai sẽ được phát hiện nhanh chóng khi xét nghiệm nước bọt.
2. Các tuyến nước bọt chính
Về chế tiết, tuyến nước bọt ở người được chia làm 3 loại tuyến:
- Tuyến nước: Tuyến nước bọt mang tai
- Tuyến hỗn hợp:Tuyến nước bọt dưới hàm
- Tuyến nhầy: Tuyến nước bọt dưới lưỡi
2.1 Tuyến nước bọt mang tai
Tuyến nước bọt mang tai hay còn được gọi là tuyến mang tai, là một trong những tuyến nước bọt chính ở nhiều động vật có vú. Ở người, tuyến nước bọt mang tai nằm ở 2 bên miệng và nằm trước 2 bên tai, đây là 2 tuyến nước bọt có kích thước lớn nhất. Mỗi tuyến nước bọt mang tai sẽ bao bọc xung quanh ngành lên xương hàm và tiết ra nước bọt thông qua ống Stensen, để thuận lợi cho việc nhai, nuốt và quá trình tiêu hóa thức ăn.
Về mặt hình thể ngoài và liên quan, tuyến nước bọt mang tai có 3 mặt, 3 bờ và 2 cực:
- Mặt ngoài: Mặt ngoài chỉ có da và mạc nông che phủ, trong tổ chức dưới da có các nhánh mặt của thần kinh tai lớn và các hạch bạch huyết nông, mặt này nằm rất nông nên khi bị viêm sưng thì có thể nhận thấy rất rõ.
- Mặt trước: Mặt trước của tuyến nước bọt mang tai áp vào bờ sau ngành lên của xương hàm dưới, cơ chân bướm, cơ cắn và dây chằng chân bướm hàm. Mặt trước này có liên quan với bó mạch hàm trên và dây thần kinh tai thái dương ở ngang mức khuyết cổ xương hàm dưới.
- Mặt sau: Mặt sau của tuyến nước bọt mang tai có liên quan với mỏm chũm, giáp với bờ trước cơ ức đòn chũm, mỏm trâm và các cơ trâm, bụng sau cơ hai bụng. Động mạch cảnh ngoài sau khi lách qua khe giữa cơ trâm móng và cơ trâm lưỡi sẽ nằm ép và đào thành rãnh vào mặt sau của tuyến nước bọt mang tai rồi chui vào trong tuyến, tĩnh mạch và động mạch cảnh trong ở trong và sau hơn ngăn cách với tuyến nước bọt mang tai bởi mỏm trâm và các cơ trâm, thần kinh mặt từ lỗ trâm chăm đi xuống cũng chui vào trong tuyến ở phần sau trên của mặt này.
Các thành phần nằm ở trong tuyến nước bọt mang tai gồm có thần kinh lách giữa các thùy và các mạch máu của tuyến. Phần ống tuyến nước bọt mang tai được tạo nên do sự hợp nhất của 2 ngành chính trong phần trước tuyến thoát ra thoát ra khỏi tuyến ở bờ trước.
2.2 Tuyến nước bọt dưới hàm
Cặp tuyến nước bọt dưới hàm là 2 tuyến nước bọt chính nằm ở sàn miệng, mỗi tuyến nặng khoảng 15g và đóng góp khoảng 67% thể tích nước bọt lúc chưa bị kích thích, khi được kích thích thì % thể tích đóng góp của tuyến nước bọt dưới hàm sẽ bị giảm xuống và đồng thời % đóng góp của tuyến nước bọt mang tai sẽ tăng lên đến 50%.
Tuyến nước bọt dưới hàm là tuyến lớn thứ 2 sau tuyến nước bọt mang tai, nằm trong tam giác dưới hàm ở mặt trong của xương hàm dưới, tuyến nước bọt dưới hàm có 2 phần nông, sâu nối với nhau ở bờ sau cơ hàm nóng và được ngăn cách với tuyến mang tai bởi một vách cân.
Về mặt hình thể ngoài và liên quan, phần nông của tuyến nước bọt dưới hàm chiếm phần lớn tuyến và nằm trong tam giác dưới hàm và có 3 mặt, 2 đầu:
- Mặt trên ngoài của tuyến nằm áp sát vào mặt trong xương hàm dưới và có động mạch mặt đào thành rãnh ở phần sau trên của mặt này.
- Mặt dưới ngoài của tuyến được phủ bởi lớp da, tổ chức dưới da và cân cổ nông che phủ.
- Mặt trong của tuyến nằm áp sát với các cơ vùng trên móng, liên quan tới động mạch mặt ở mặt sâu và dây thần kinh dưới lưỡi của tuyến. Phần sau tuyến nước bọt dưới hàm là một mỏm hình lưới kéo dài ra trước bởi ống tuyến, dưới liên quan với thần kinh dưới lưỡi và hạch dưới hàm.
2.3. Tuyến nước bọt dưới lưỡi
Đây là tuyến nhỏ nhất trong 3 đôi tuyến nước bọt và cũng là tuyến tiết nhầy nặng từ 3 - 4 gam, nằm ở trong ô dưới lưỡi và chỉ được phủ bởi lớp niêm mạc của nền miệng. Bờ trên của tuyến nước bọt dưới lưỡi đội niêm mạc lên thành nếp dưới lưỡi và có các ống tiết của tuyến đổ vào. Bờ dưới của tuyến tựa vào cơ hàm móng.
Hệ thống tuyến nước bọt ở cơ thể người rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập và gây ra bệnh như viêm tuyến nước bọt, u tuyến nước bọt,.... Do đó, mỗi người cần chủ động tìm hiểu và bảo vệ cơ thể, đặc biệt trong ăn uống và vệ sinh răng miệng để tránh các tác nhân gây bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.