Chụp cộng hưởng từ chẩn đoán thoát vị cột sống

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quốc Thành - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Thoát vị đĩa đệm cột sống gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống rất quan trọng, giúp bệnh nhân được phát hiện sớm và có can thiệp kịp thời.

1. Tổng quan về bệnh lý thoát vị cột sống

Cột sống được cấu tạo bởi các đốt sống và đĩa đệm xếp chồng lên nhau, có khoảng 32 - 34 đốt sống, phân làm 5 đoạn được sắp xếp từ trên xuống dưới. Cột sống đảm nhận nhiệm vụ: che chở tuỷ sống, vận động, chịu tải trọng của cơ thể và che chở nội tạng.

Cột sống thắt lưng bị đau là do nhiều nguyên nhân, trong đó điển hình có thể kể đến:

  • Thoát vị hoặc lồi đĩa đệm cấp tính do sai tư thế trong quá trình lao động;
  • Mô mềm bị tổn thương do làm việc quá sức;
  • Mấu khớp và đĩa đệm thoái hóa, gây ra bệnh lý thoát vị đĩa đệm và mất vững cột sống.

Tùy theo thời gian đau mà bệnh lý đau lưng chia thành: cấp tính và mãn tính. Những trường hợp đau cột sống thắt lưng dưới 4 tuần được xem là cấp tính, trường hợp đau xuất hiện từ từ và tăng dần theo thời gian trên 4 tuần được gọi là mãn tính.

Thoát vị cột sống
Cột sống bị thoát vị

2. Các phương pháp chẩn đoán thoát vị cột sống

2.1 Chụp X-quang quy ước

Thông qua một số hình ảnh của chụp X-quang quy ước như: vẹo cột sống, mất ưỡn cột sống, hẹp khoang gian đốt sống... có thể xác định vị trí thoát vị. Ngoài ra chụp X-quang quy ước còn giúp xác định thương tổn khác của cột sống như khuyết eo, mất vững cột sống, trượt đốt sống...

2.2 Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ cho phép xác định được vị trí, hình thái thoát vị, số tầng thoát vị. Đây được coi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và chính xác nhất trong các phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Thoát vị cột sống
Chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và chính xác nhất hiện nay

2.3 Chụp cắt lớp vi tính kết hợp chụp bao rễ cản quang

Trường hợp người bệnh nghi ngờ thoát vị đĩa đệm nhưng không thể chụp cộng hưởng từ sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính kết hợp với chụp bao rễ cản quang. Kỹ thuật này cho phép xác định vị trí, mức độ thoát vị một cách chính xác với độ nhạy cao.

3. Khi nào cần chụp cộng hưởng từ cột sống?

Cần đến thăm khám tại cơ sở y tế ngay khi thấy xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Sau khi mang vác vật nặng bị đau nhức lưng hoặc đau nhức lưng trong thời gian dài mà không rõ nguyên nhân;
  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột;
  • Có tiền sử với bệnh ung thư;
  • Tứ chi tê bì;
  • Thường xuyên đau nhức lan từ lưng xuống dần mông, đùi và 2 chân khiến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng.

4. Chỉ định chụp cột sống thắt lưng khi nào?

Chẩn đoán hình ảnh bằng cách chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng sẽ được chỉ định trong những trường hợp sau đây:

  • Đánh giá bất thường giải phẫu các bệnh lý bẩm sinh liên quan đến thắt lưng và cột sống;
  • Chẩn đoán các bệnh lý ở cột sống và thắt lưng như: Thoát vị hoặc thoái hóa đĩa đệm; đánh giá rễ thần kinh, chèn ép tủy sống;
  • Chẩn đoán u cột sống, di căn xương sống giai đoạn sớm, dây thần kinh và mô mềm xung quanh;
  • Phát hiện dị tật bẩm sinh của cột sống;
  • Đánh giá sau chấn thương cột sống nhằm phát hiện tổn thương, bất thường tại đĩa đệm, xương, dây chằng, tủy sống;
  • Đánh giá dây thần kinh bị nén, bị viêm;
  • Phát hiện lao cột sống;
  • Chẩn đoán bệnh lý tủy sống như viêm tủy, u tủy, chất trắng tủy;
  • Chẩn đoán bệnh trong ống sống như tụ máu, u trong ống sống.

5. Lợi ích của việc chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng

Cũng giống như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng có nhiều ưu điểm nổi trội trong việc chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh thu được từ chụp cộng hưởng từ rõ nét hơn gấp nhiều lần. Những người bị đau lưng lâu ngày nhưng chụp X-quang hoặc CT không rõ hình ảnh, khó xác định bệnh lý thì nên chụp MRI. Cũng vì thế mà phương pháp này không chỉ ứng dụng cho chụp xương khớp mà còn áp dụng cho rất nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể.

Bên cạnh đó, cộng hưởng từ còn giúp chẩn đoán tốt các tổn thương ở thân đốt sống, tủy sống, đĩa đệm và tổ chức phần mềm quanh cột sống. Hình ảnh cột sống thu được từ MRI rõ nét và chi tiết.

Thoát vị cột sống
Hình ảnh cột sống thu được từ MRI rõ nét và chi tiết

6. Những lưu ý khi chụp cộng hưởng từ cột sống

Khi chụp cộng hưởng từ cột sống cần lưu ý:

  • Không mang điện thoại di động và đồ kim loại trong người khi chụp MRI cột sống thắt lưng vì sóng từ của máy chụp sẽ tác động đến những thiết bị này gây hại cho người bệnh;
  • Những trường hợp cần gây mê để chụp MRI cần nhịn đói trước khi chụp 5 - 6 tiếng. Các trường hợp còn lại không cần thực hiện việc này;
  • Đối với những bệnh nhân phải dùng máy tạo nhịp nhân tạo, máy khử rung, máy trợ tim hoặc trợ thính, hoặc thiết bị bơm thuốc tự động dưới da của người bị tiểu đường bằng kim loại thì không được chụp cộng hưởng cột sống;
  • Bệnh nhân chỉ chụp cộng hưởng từ cột sống MRI khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa để có thể theo dõi sức khỏe và điều trị kịp thời khi cần thiết.

Để chẩn đoán hình ảnh thoát vị cột sống trong thời gian ngắn, có kết quả đúng và hỗ trợ điều trị hiệu quả thì người bệnh nên thực hiện kĩ thuật này tại các cơ sở y tế uy tín với hệ thống máy MRI hiện đại và phòng chụp đạt tiêu chuẩn. Đội ngũ bác sĩ thực hiện kỹ thuật cần được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm để có khả năng đọc phim chính xác, từ đó giúp bệnh nhân có được phác đồ trị liệu tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan