Chảy máu tử cung bất thường: Những điều cần lưu ý

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Hầu hết các trường hợp chảy máu tử cung bất thường đều là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Do đó, khi chị em nhận thấy hiện tượng chảy máu vùng kín thì cần phải đi khám ngay để được bác sĩ phụ khoa chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Xuất huyết tử cung ở phụ nữ thường chỉ xảy ra khi đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, có thể vì một rối loạn phụ khoa nào đó mà tình trạng chảy máu trở nên khác thường so với mọi lần. Vậy hiện tượng chảy máu ở tử cung thế nào mới được gọi là bất thường?

1. Nhận biết tình trạng xuất huyết tử cung bất thường

Khi nhận thấy vùng kín có hiện tượng chảy máu trong bất kỳ tình huống nào sau đây, thì được coi là chảy máu tử cung bất thường:

  • Ra máu hoặc phát hiện có lốm đốm máu khi chưa đến kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ
  • Chảy máu nhiều bất thường trong kỳ kinh nguyệt
  • Chu kỳ kinh nguyệt dài hơn 38 ngày hoặc ngắn hơn 24 ngày
  • Rối loạn kinh nguyệt xảy ra thường xuyên trong thời gian dài, trong đó độ dài chu kỳ kinh nhiều hơn 7 ngày
  • Xuất huyết tử cung sau mãn kinh
Xuất huyết tử cung tuổi mãn kinh
Tình trạng xuất huyết tử cung bất thường thường diễn ra sau tuổi mãn kinh

2. Chảy máu tử cung bất thường xảy ra trong độ tuổi bao nhiêu?

Trên thực tế, hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tại một số thời điểm nhất định trong cuộc đời của người phụ nữ, tỷ lệ xảy ra chảy máu tử cung bất thường sẽ thấp hơn.

Cụ thể, rối loạn kinh nguyệt dẫn đến xuất huyết tử cung thường ít xảy ra hơn đối với bé gái vừa bước vào giai đoạn dậy thì (khoảng 9 - 14 tuổi). Trong giai đoạn tiền mãn kinh (thường ngoài tuổi 40), khoảng cách giữa các kỳ kinh sẽ dài hơn. Một số phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh có thể bị mất kinh, ra máu nhiều hơn hoặc ít hơn. Điều này là hoàn toàn bình thường.

3. Xuất huyết tử cung bất thường là dấu hiệu của bệnh gì?

Một số nguyên nhân gây ra chảy máu tử cung bất thường, bao gồm:

  • Quá trình rụng trứng gặp vấn đề
  • U xơ tử cung và polyp tử cung
  • Rối loạn đông máu
  • Các vấn đề liên quan đến một số phương pháp ngừa thai, chẳng hạn như sử dụng dụng cụ tránh thai hoặc tác dụng không mong muốn của thuốc tránh thai
  • Sẩy thai
  • Thai ngoài tử cung
  • Bệnh ung thư, như ung thư tử cung.

Khi phát hiện dấu hiệu chảy máu tử cung bất thường, chị em nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám. Bác sĩ sản phụ khoa sẽ thực hiện chẩn đoán và kiểm tra khả năng mắc bệnh tương ứng với độ tuổi của bạn. Hầu hết các rối loạn rất dễ phát hiện, không nghiêm trọng và có thể điều trị được ngay. Một số khác có thể nghiêm trọng hơn và cần thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.

4. Phối hợp với bác sĩ để chẩn đoán bệnh chính xác

Trong quá trình hỏi bệnh, bác sĩ sẽ đề cập đến tiền sử bệnh và chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Một số chị em không thể nhớ chính xác chu kỳ kinh của mình trong tháng này so với những tháng trước đó. Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình thăm khám, chẩn đoán tình trạng chảy máu tử cung bất thường của bệnh nhân.

Do đó, chị em nên theo dõi và ghi nhận lại những thông tin quan trọng về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân từ trước đó. Lưu ý những thông tin như ngày bắt đầu, độ dài kỳ kinh và mức độ ra máu (nhiều, vừa, ít hay chỉ lốm đốm máu). Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng những ứng dụng trên điện thoại thông minh được thiết kế dành riêng cho việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt.

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một bài tập vận động để kiểm tra thể chất. Bạn có thể phải làm xét nghiệm máu, nhằm kiểm tra các thông số của máu và nồng độ hormone, từ đó loại trừ các bệnh về máu. Ngoài ra, khi có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thử thai hoặc xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là những nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết âm đạo bất thường.

Chu kỳ kinh nguyệt
Theo dõi và ghi nhận thông tin về chu kỳ kinh nguyệt

5. Xét nghiệm chẩn đoán chảy máu vùng kín bất thường

Dựa trên thông tin khai bệnh, các triệu chứng lâm sàng và độ tuổi của bạn, bác sĩ có thể cần thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết khác:

  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan vùng chậu.
  • Nội soi tử cung: Thủ thuật đưa một đèn chiếu vào âm đạo, qua khỏi cổ tử cung và giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong tử cung.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Thủ thuật lấy một mẫu nội mạc tử cung ra và quan sát dưới kính hiển vi.
  • Siêu âm nội soi: Xét nghiệm nội soi với sự hỗ trợ của sóng siêu âm.
  • Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI): Tạo ra hình ảnh giải phẫu của hệ cơ quan nhờ sử dụng từ trường và sóng radio.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Sử dụng tia X để tạo nên hình ảnh cắt ngang của các cơ quan và cấu trúc bên trong.

6. Những phương pháp điều trị chảy máu tử cung bất thường?

Quá trình điều trị xuất huyết vùng kín rất cần sự phối hợp của bệnh nhân. Thông thường, bác sĩ sẽ giải thích căn nguyên bệnh và hướng dẫn người bệnh cần phải làm gì khi bị chảy máu vùng kín. Tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ định một phương pháp điều trị phù hợp:

6.1. Sử dụng thuốc

Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây ra xuất huyết tử cung, hầu hết bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc. Việc dùng thuốc gì, khi nào và với liều lượng bao nhiêu là tùy thuộc vào bác sĩ điều trị. Các thuốc điều trị được sử dụng có thể bao gồm những tác dụng sau đây:

  • Ngừa thai bằng nội tiết tố, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
  • Ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt và giảm kích thước của u xơ tử cung.
  • Điều trị tình trạng chảy máu vùng kín nặng.
  • Chống viêm, kiểm soát tình trạng chảy máu, giảm đau bụng kinh.
  • Điều trị nhiễm trùng nếu có.
  • Nếu bị rối loạn chảy máu, có thể bao gồm thuốc giúp đông máu.

6.2. Phẫu thuật hoặc thủ thuật

Trong trường hợp thuốc không thể giải quyết được vấn đề, bệnh nhân có thể phải cần đến phẫu thuật hoặc thủ thuật. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật, thủ thuật như thế nào tùy thuộc vào tình trạng chảy máu, độ tuổi và quyết định của bạn đối với việc có muốn sinh thêm con hay không. Những phương pháp phẫu thuật, thủ thuật được sử dụng để điều trị xuất huyết tử cung bất thường:

  • Hút hoặc nạo buồng tử cung: Giúp chấm dứt tình trạng chảy máu hoặc giảm đi đáng kể.
  • Làm thuyên tắc động mạch tử cung: Được sử dụng để điều trị u xơ tử cung. Phẫu thuật này giúp chặn các mạch máu đến tử cung, từ đó hạn chế nguồn cung cấp máu đến khối u xơ. Một phương pháp điều trị khác không ảnh hưởng đến tử cung, đó là phẫu thuật loại bỏ u xơ.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Sử dụng khi các phương pháp điều trị khác đã thất bại. Cắt tử cung cũng là phẫu thuật để điều trị ung thư nội mạc tử cung. Sau khi tử cung được loại bỏ, người phụ nữ sẽ không thể có kinh nguyệt nữa, đồng thời cũng không còn khả năng mang thai.

Chị em khi phát hiện bệnh không nên quá lo lắng, song không được chủ quan với tình trạng của mình. Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Tầm soát phụ khoa tại Vinmec
Tầm soát sớm các vấn đề về phụ khoa tại bệnh viện Vinmec

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai GÓI KHÁM, SÀNG LỌC BỆNH LÝ PHỤ KHOA CƠ BẢN, giúp quý khách hàng phát hiện sớm các bệnh lý viêm nhiễm, từ đó quá trình điều trị sẽ dễ dàng, không tốn kém. Ngoài ra còn có thể Sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung) ngay cả khi chưa có triệu chứng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thành đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chuyên ngành Sản phụ khoa. Bác sỹ được đào tạo và tham gia các khóa học về chuyên ngành sản phụ khoa và vô sinh tại Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Y Dược Hà Nội và Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

394.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan