Miền Bắc đang trong những ngày giá rét, dự báo không khí lạnh còn kéo dài khoảng một tuần nữa. Đây cũng là thời điểm nhiều dịch bệnh mùa đông - xuân có nguy cơ bùng phát, đặc biệt là bệnh cúm A. Điều quan trọng là cần phân loại, nhận biết được những biểu hiện và cách phòng tránh điều trị bệnh này.
Đề phòng cúm ác tính
Chia sẻ với chúng tôi, BSCK II Trần Khắc Điền (khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, Hà Nội), người đã có 40 năm kinh nghiệm, đặc biệt trong khám và điều trị các bệnh truyền nhiễm cho biết: Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có tính lây lan mạnh do các chủng virut cúm gây nên. Chủng virut cúm có 3 loại A, B và C. Chủng cúm hay gặp ở người là cúm A, cúm B và ở Việt Nam gọi là cúm mùa.
Tính chất của cúm là gì? Đây là loại virut hay thay đổi tính chất kháng nguyên nên có thể bị tái phát bệnh nhiều lần. Do đó, vai trò của việc tiêm chủng hàng năm từ 1 - 2 lần là rất quan trọng.
Các chủng cúm A, cúm B đều lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
"Từ năm 1967, virut cúm A/H3N2 bắt đầu xuất hiện ở Hồng Kông. Năm 1977 xuất hiện cúm A/H1N1. Từ năm 2003 xuất hiện thêm chủng cúm A/H5N1, gần đây nhất là sự xuất hiện của virut cúm H7N9. Hơn 10 năm nay, virut cúm bắt đầu lây từ gia cầm sang người thông qua việc tiếp xúc, giết mổ hoặc sử dụng các chế phẩm từ gia cầm không được chế biến kĩ.
Thời điểm vào mùa đông xuân là lúc chúng ta cần chú ý tới bệnh cúm mùa. Dù là cúm lành tính nhưng vẫn phải hết sức cảnh giác đề phòng. Vì nhiều khi biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đơn giản, nhưng với những người đã có sẵn bệnh lý nền hoặc những người già, trẻ em hay phụ nữ mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Có thể là viêm đường hô hấp cấp rồi gây ra viêm phổi", BS Điền phân tích.
BSCK II Trần Khắc Điền - Khoa Khám bệnh, BV đa khoa quốc tế Vinmec Times City - Hà Nội. (Ảnh: Đình Tuệ)
Cũng theo BS Trần Khắc Điền, mọi người cần đặc biệt đề phòng biểu hiện của cúm ác tính. Cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng trong vòng 3 - 5 ngày, thậm chí dẫn tới tử vong. Mặc dù biểu hiện của cúm ác tính cũng giống với cúm thông thường nhưng do độc lực của virut gây ra những tổn thương đa phủ tạng.
Mặc dù tỉ lệ người nhiễm cúm ác tính thấp nhưng những đối tượng có nguy cơ mắc cao lại là người già (bị tiểu đường, bệnh khớp, suy giảm miễn dich) phụ nữ có thai hoặc trẻ em.
Trẻ em bị cúm cần chú ý gì?
Theo BS Trần Khắc Điền, thời gian ủ bệnh của cúm rất ngắn, chỉ khoảng 1 - 2 ngày. Sau đó xuất hiện triệu chứng lâm sàng, biểu hiện đầu tiên là các triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ (dưới 39 độ), đau đầu, đau mỏi toàn thân... Sau đó mới xuất hiện triệu chứng đường hô hấp như viêm họng, đau rát cổ họng, ho khan, đau tức ngực, ho có đờm, chảy nước mũi trong kèm ngạt mũi.
Riêng đối với trẻ em, khi bị cúm có thể kèm theo sốt cao gây nên tình trạng co giật mà nếu không xử lý sớm sẽ dẫn tới tổn thương về thần kinh không phục hồi. Ngoài ra, trẻ em cũng có thể bị nhiều biến chứng của cúm như viêm tai giữa, tiêu chảy kéo dài...
Cần tiêm vắc-xin dự phòng cho trẻ trước khi vào mùa cúm. Sau khi tiêm 2 - 4 tuần thì mới đáp ứng miễn dịch phòng bệnh được. Do cấu trúc kháng nguyên của cúm không bền vững và có thể thay đổi từng năm nên càng phải tiêm phòng. Nếu trẻ bị cúm thì cần được cách ly tại nhà để nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ chứ không nên cho trẻ ở những nơi công cộng như trường học, công viên...
Đặc biệt, cần vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng cách súc miệng nước muối. Trẻ cần có chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng.
Với các bệnh nhân cúm không có biến chứng thì tự cách ly tại nhà để điều trị. Còn bệnh nhân cúm nặng thì phải cách ly ở cơ sở y tế để cúm không lan rộng. Cần tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc cúm nếu không cần thiết.
Ngoài ra, đối với các bà mẹ đang mang thai, BS Điền khuyến cáo: Phụ nữ ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kì (tức từ tháng thứ 4 trở đi) thì đều có thể tiêm vắc-xin cúm được. Nếu phụ nữ mang thai ở 3 tháng đầu thì tuyệt đối không được tiêm vắc-xin cúm, vì đây là vắc-xin giảm hoạt lực.
Những nơi có khí hậu nồm ẩm là cơ hội cho virut cúm phát triển, thường là thời điểm cuối đông đầu xuân. Hơn nữa, đặc biệt chú ý tới sự lây lan của virut cúm gia cầm như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn để có cách xử lý kịp thời.
(Theo Vietnammoi/Đời sống & Pháp lý )