Cách chữa nhọt đầu đinh

Nhọt đinh râu là một dạng mụn viêm do tuyến bã nhờn hoạt động bất thường. Dạng bệnh da liễu này có thể để lại sẹo và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Vậy bệnh nhân cần áp dụng những cách chữa nhọt đinh râu như thế nào và lưu ý những vấn đề gì?

1. Nhọt đầu đinh là gì?

Để tìm hiểu về những cách xử lý nhọt đinh râu, điều đầu tiên chúng ta cần quan tâm chính là xác định nhọt đinh râu là gì. Nhọt đinh râu (hay còn gọi là mụn đinh râu hay nhọt đầu đinh) là một dạng mụn kích thước nhỏ kèm theo hiện tượng viêm, mưng mủ, sưng đỏ tương tự các vết phồng rộp do bề mặt da bị tổn thương.

Nhọt đinh râu thuộc thể mụn viêm trong các loại mụn trứng cá phổ biến (liên quan đến tình trạng viêm nang lông), có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và bất kể nam hay nữ.

Theo nghiên cứu, nhọt đinh râu thường xuất hiện ở các vị trí sau:

  • Da mặt, bao gồm vùng trán, mũi, má...;
  • Vùng vai;
  • Vùng cổ, lưng;
  • Các vùng da hay đổ mồ hôi như nách, bẹn...

Một vấn đề được đặt ra tiếp theo là nhọt đinh râu có để lại sẹo hay không. Theo các bác sĩ, nhọt đinh râu dù có kích thước lớn thì vẫn ảnh hưởng đến các lớp sâu trong cấu trúc da. Đặc biệt những trường hợp nhọt đinh râu bị viêm nghiêm trọng và kéo dài thì nguy cơ hình thành sẹo là rất cao. Sẹo nhọt đinh râu rất khó điều trị và thường đòi hỏi một thời gian dài mới đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là sớm áp dụng những cách chữa mụn nhọt đinh râu hiệu quả để ngăn ngừa hình thành sẹo mà vẫn đảm bảo an toàn cho làn da.

2. Nguyên nhân gây ra nhọt đinh râu

Để áp dụng cách chữa nhọt đinh râu hiệu quả, bệnh nhân cần xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến loại tổn thương da này. Theo bác sĩ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhọt đinh râu là sự hoạt động mức của các tuyến bã nhờn, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và viêm nang lông. Tuy nhiên, một số tác nhân khác có thể kích thích và làm nhọt đinh râu bùng phát khó kiểm soát, bao gồm:

  • Rối loạn Hormone, thường liên quan đến tuổi dậy thì, phụ nữ sau sinh và mãn kinh, khiến các hoạt động của tuyến bã nhờn thay đổi bất thường. Da tăng tiết bã nhờn khiến lỗ chân lông không thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho nhọt đinh râu bùng phát;
  • Dị ứng, bao gồm với thức ăn, môi trường hay do côn trùng cắn;
  • Bã nhờn và vi khuẩn Propionibacterium acnes;
  • Di truyền: Tiền sử gia đình có thế hệ trước bị nhọt đinh râu sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do liên quan đến gen di truyền.

3. Cách chữa nhọt đinh râu

Thông thường, nhọt đinh râu sẽ tiến triển theo 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn sưng đỏ, giai đoạn mưng mủ và giai đoạn hồi phục, để lại sẹo. Tương ứng với từng giai đoạn sẽ có cách chữa mụn nhọt đinh râu khác nhau, cụ thể như sau:

  • Giai đoạn sưng đỏ: Người bệnh có thể sử dụng cồn iod nồng độ 1-3% để chấm lên vị trí xuất hiện nhọt sưng khoảng 3-4 lần/ngày. Ngoài ra có thể sử dụng thêm các loại thuốc đặc trị để ngăn chặn và giảm nhẹ sự phát triển của nhọt đinh râu;
  • Giai đoạn mưng mủ: Cách xử lý nhọt đinh râu giai đoạn này phụ thuộc vào mức độ bệnh. Với nhọt nhỏ và nhẹ thì không nên can thiệp mà chỉ đợi đến khi nhọt chín sẽ tự vỡ, sau đó dùng bông y tế và các dụng cụ sạch để vệ sinh. Người bệnh không tự ý dùng tay nặn nhọt đinh râu, vì có thể biến dạng hoặc tổn thương thần kinh, đặc biệt là vùng da quanh miệng và mũi;
  • Giai đoạn hình thành sẹo: Nhân mụn đã được loại bỏ, tuy nhiên nhọt đinh râu vẫn để lại sẹo thâm trên da, đặc biệt trên vùng mặt. Khi đó bệnh nhân có thể sử dụng các loại mỹ phẩm để điều trị vết thâm.

Như đã nhắc ở trên, một số trường hợp nhọt đinh râu có thể tự lành theo cơ chế tự chữa lành của cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể rút ngắn thời gian điều trị và hạn chế nguy cơ viêm da nghiêm trọng bằng các loại thuốc bôi không kê đơn (OTC) và cả thuốc uống. Các loại thuốc bôi giúp da khô ráo và loại bỏ lượng dầu dư thừa, qua đó hỗ trợ giảm sưng đau cho cấu trúc da.

Một số thuốc bôi có thể sử dụng như một cách chữa nhọt đinh râu:

  • Acid Salicylic: Với tác dụng tẩy tế bào chết và làm lỗ chân lông thông thoáng. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi sử dụng sản phẩm này như kích ứng và nóng rát khi bôi liều cao;
  • Benzoyl Peroxide: Có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây ra nhọt đinh râu. Thông thường sản phẩm này được sử dụng để điều trị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ đến trung bình;
  • Retinoids: Còn được gọi là Tretinoin, chiết xuất từ vitamin A và có hiệu quả trong điều trị nhọt đinh râu.

Một số thuốc uống chữa nhọt đinh râu:

  • Kháng sinh, như Tetracyclin, Erythromycin, Minocycline hay Doxycyclin, thường được sử dụng để điều trị nhọt đinh râu. Tuy nhiên lưu ý bệnh nhân không tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ;
  • Isotretinoin: Nếu nhọt đinh râu bị viêm nghiêm trọng thì bác sĩ chuyên khoa da liễu có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng Isotretinoin. Tuy nhiên, sản phẩm này có một số tác dụng phụ, do đó khi sử dụng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và nên cân nhắc cẩn thận.

Những bệnh nhân áp dụng cách chữa mụn nhọt đinh râu tại nhà cần lưu ý một số vấn đề dưới đây để đảm bảo an toàn:

  • Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh;
  • Không chườm lạnh: Nhiều người mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng chườm lạnh sẽ giúp dịu tình trạng nhọt đinh râu. Các chuyên gia khẳng định việc chườm lạnh chỉ có thể khiến nhọt sưng to hơn, thậm chí là viêm nhiễm;
  • Không tự ý dùng các loại lá cây: Một số người lan truyền phương pháp đắp lá cây hay thảo mộc lên da mặt để điều trị nhọt đinh râu. Tuy nhiên khi không rõ các thành phần và áp dụng sai cách sẽ khiến nhọt bùng phát dữ dội hơn;
  • Không chạm hoặc nặn mụn: Hành động này vô tình đưa vi khuẩn lên da mặt, vì vậy cần hạn chế chạm tay trực tiếp lên nhọt để đảm bảo vệ sinh.

4. Cách phòng ngừa nhọt đinh râu

  • Rửa tay và mặt: Bệnh nhân cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với da mặt, tối thiểu 2 lần/ngày với sản phẩm chuyên dụng dịu nhẹ phù hợp với tình trạng da;
  • Sử dụng các sản phẩm Non-comedogenic: Bệnh nhân nhọt đinh râu nên sử dụng các sản phẩm kem chống nắng, kem dưỡng ẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm dành cho da khác được dán nhãn Noncomedogenic để hạn chế sự xuất hiện của nhọt;
  • Không tự ý nặn nhọt đinh râu: Nhiều bệnh nhân tìm cách loại bỏ nhọt đinh râu, tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo không nên. Việc nặn nhọt không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da, tăng nguy cơ hình thành sẹo và kéo dài thời gian điều trị;
  • Thay bao gối thường xuyên: Để hạn chế vi khuẩn tiếp xúc, gây tắc nghẽn tuyến bã nhờn và gây nhọt đinh râu;
  • Uống đủ nước: Việc này sẽ giúp cân bằng độ ẩm cho da, hạn chế tình trạng tăng tiết bã nhờn khiến nhọt phát triển;
  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, như hạn chế thức ăn quá nóng, nhiều dầu mỡ, tinh bột và thực phẩm ngọt vì chúng tạo điều kiện cho vi khuẩn Propionibacterium acnes phát triển;
  • Không trang điểm trong giai đoạn nhọt đinh râu đang bùng phát.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu hơn về cách chữa nhọt đầu đinh. Nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào thì người bệnh hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và hỗ trợ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan