Bệnh tay chân miệng: Các dấu hiệu gợi ý nguy cơ biến chứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh tay chân miệng là căn bệnh lây lan rất nhanh, có nguy cơ tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não khiến người bệnh dễ tử vong. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh này.

1. Bệnh tay chân miệng là bệnh gì?

Bệnh tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm, lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa. Bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên những trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng thường gặp nhất, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

Vì vi rút đường ruột gây ra nên nguồn lây chính là từ nước bọt, phân, phỏng nước của trẻ bị nhiễm bệnh dễ lây lan thành dịch. Nguyên nhân chính gây bệnh là Enterovirus 71(EV71) và Coxsackievirus A16.

Bệnh có biểu hiện chính là da bị tổn thương, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng. Bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng có thể mắc đi mắc lại bởi bệnh này không có miễn dịch vĩnh viễn. Thêm vào đó, bệnh cũng bị gây nên bởi nhiều tác nhân khác nhau nên người đã mắc bệnh rồi vẫn có thể bị mắc lại. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, phổi bị phù dẫn đến nguy cơ tử vong.

2. Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng
Bệnh nhân tay chân miệng có da bị tổn thương, niêm mạc dưới dạng phỏng nước

Bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện sau:

  • Tình trạng mệt mỏi, chán ăn, thường xuyên bị đau họng.
  • Sốt.
  • Sau giai đoạn khởi phát, bệnh xuất hiện dấu hiệu đau trong miệng, có đốm đỏ và sau đó trở thành viêm loét, có thể bị viêm loét ở trên lưỡi.
  • Da bị phát ban.
  • Một số trường hợp bệnh nhân tay chân miệng không có bất cứ biểu hiện bệnh nào hoặc có một số trường hợp chỉ xuất hiện phát ban, loét miệng.
  • Xuất hiện vết bỏng nước, thường có kích thước từ 2-10mm, hình bầu dục, màu xám, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, có thể có bóng nước trong miệng và khi bóng nước này vỡ ra khiến cho trẻ bị đau do vết loét trong miệng dẫn đến tình trạng trẻ chán ăn, bỏ ăn. Sau khoảng từ 5-7 ngày, bóng nước sẽ xẹp đi và tự khỏi, trẻ có thể bị nôn ói, tiêu chảy sau khi bóng nước nổi hoặc sau khi bóng nước xẹp.

3. Các dấu hiệu gợi ý nguy cơ biến chứng bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường tự khỏi và không đe dọa tới sức khỏe của người bệnh, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Một số dấu hiệu gợi ý nguy cơ biến chứng bệnh tay chân miệng gồm:

  • Người bệnh sốt cao khó hạ.
  • Sốt cao liên tục nhiều ngày ( trên 2 ngày ) trên 39 độ C.
  • Người bệnh ói nhiều, ói không kèm theo tình trạng tiêu chảy, ói không sau ho.
  • Trẻ em hay quấy khóc, thường dễ bị hoảng hốt.
  • Bạch cầu máu của người bệnh tăng lên, trên 16000/mm3.
  • Đường huyết của người bệnh tăng lên.
  • Người bệnh thở khó, thở rít thanh quản.
  • Các tổn thương da cơ bản của người bệnh tăng lên.

Khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào trong các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện chuyên khoa để được xử lý kịp thời tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Khi nào cho trẻ uống thuốc hạ sốt
Trẻ bị tay chân miệng thường sốt cao khó hạ

4. Nguy cơ chẩn đoán nhầm bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng có thể có nhiều biến chứng đa dạng chính vì vậy, rất nhiều người nhầm lẫn bệnh tay chân miệng với một số bệnh lý khác như:

  • Bệnh viêm phổi, viêm thanh quản cấp do người mắc bệnh tay chân miệng cũng có các triệu chứng bệnh như thở nhanh, thở gấp, kèm theo co kéo hoặc thở rít
  • Bệnh nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng bởi bệnh nhân tay chân miệng có nguy cơ biến chứng với dấu hiệu đặc trưng là sốt cao kèm sốc.
  • Bệnh viêm màng não do vi trùng gây nên
  • Bệnh dại với dấu hiệu của bệnh là hoảng hốt, la hét. Đây cũng là biến chứng của bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng thường có diễn tiến rất nhanh, vì vậy, nếu trẻ không được điều trị kịp thời, tính mạng của trẻ có thể bị đe dọa.

5. Cách xử trí khi mắc bệnh tay chân miệng

Khám bệnh cho trẻ
Nếu có dấu hiệu bệnh trở nặng, ba mẹ cần đưa trẻ đến trung tâm y tế ngay lập tức

Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng. Chính vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng cần phải được theo dõi sát, phát hiện bệnh sớm, khi thấy có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng đồng thời luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể, cải thiện hệ miễn dịch nhằm chống lại những tác động tiêu cực do bệnh gây ra như vết loét, sốt cao, đồng thời phòng ngừa và hạn chế biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Bệnh tay chân miệng có nguy cơ lây lan nhanh và rất dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm, chính vì vậy những người bệnh phải đặc biệt chú ý khi thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần phải lưu ý và theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng ở trẻ.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Nhật đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận nhân tạo, và trong lĩnh vực truyền nhiễm, khám và quản lý các bệnh nhân mắc bệnh thận và các bệnh truyền nhiễm. Hiện đang là Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

50.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan