Hen suyễn có phải bệnh lây truyền không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bệnh hen suyễn là tình trạng phế quản bị viêm nặng và co thắt khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở phải thở gấp, rít lên từng hơi dài, thở khò khè... Cơn hen phế quản thường xảy ra vào sáng sớm hoặc đêm khuya. Vậy hen suyễn có phải bệnh lây truyền không?

1. Bệnh hen suyễn có triệu chứng như thế nào?

Triệu chứng của bệnh hen suyễn rất phong phú, bệnh nhân đôi khi chỉ có một vài triệu chứng ở thời điểm nhất định, ví dụ như đang tập thể dục, hoặc cũng có thể bị thường xuyên do cơ thể mỗi người khác nhau. Các triệu chứng bệnh hen suyễn bao gồm: Thở dốc. Đau ngực (Tức nặng ngực), mất ngủ do thở rít, ho hay thở khò khè ho, khó thở hoặc khò khè, thở rít. Ho, thở khò khè nặng hơn khi bị nhiễm virus đường hô hấp, ví dụ như cảm lạnh hay cảm cúm.

Bạn nên lưu ý một số dấu hiệu của việc hen suyễn trở lên nặng hơn như: các triệu chứng đến thường xuyên và mức độ nặng hơn, khó thở tăng, hạn chế hoạt động thể lực nhiều hơn, đặc biệt khi hạn chế các hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc (Khó thở tăng cao)tần suất sử dụng thuốc cắt cơn hen tăng...

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh hen suyễn, nhưng có thể do sự kết hợp của cả yếu tố môi trường và yếu tố cơ địa. Những yếu tố gây khởi phát cơn hen bao gồm:

  • Các hạt nhỏ như phấn hoa, bụi xi măng, lông động vật...
  • Các nhân tố gây nhiễm khuẩn đường hô hấp như vi khuẩn, virus.
  • Hoạt động thể chất (làm tăng mức độ nặng của bệnh nếu tập không đúng cách).
  • Không khí lạnh.
  • Khói thuốc.
  • Một số thuốc như chẹn Beta, aspirin, ibuprofen.
  • Stress, lo lắng, xúc động.
  • Nắp môn vị dạ dày đóng mở bất thường Trào ngược dạ dày thực quản.

2. Bệnh hen suyễn có lây không?

Bệnh hen suyễn tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống con người. Do đó không ít người lo lắng bệnh hen suyễn sẽ lây nhiễm đến những người khác trong gia đình, đặc biệt khi những người thân dùng chung vật dụng gia đình thường ngày. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh hen suyễn không do virus hoặc vi khuẩn gây ra, do đó đây không phải căn bệnh truyền nhiễm.

Bạn không cần lo lắng “bệnh hen suyễn có lây không”, thay vào đó, hãy yên tâm chăm sóc cũng như dùng chung đồ dùng sinh hoạt hàng ngày với người bệnh hen suyễn.

Mặc dù hen suyễn không phải là một căn bệnh lây truyền nhưng nó có tính di truyền. Có nhiều yếu tố được cho rằng làm tăng khả năng mắc hen suyễn bao gồm:

  • Có người thân bị hen.
  • Tiền sử dị ứng.
  • Béo phì.
  • Hút thuốc lá.
  • Hút thuốc lá thụ động.
  • Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất.
hút thuốc
Khói thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn

3. Bệnh hen suyễn có chữa được không ?

Do hen suyễn vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt căn nên cách tốt nhất cho bệnh nhân là cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế các cơn hen xảy ra nên cách tốt nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế cơn hen phế quản là tuân thủ điều trị và đánh giá định kì tình trạng bệnh. Liệu pháp điều trị bệnh hen suyễn cho người bệnh tương đối phức tạp, bệnh nhân cần nhận biết lúc nào sắp lên cơn hen, tránh những yếu tố khởi phát cơn hen, dùng thuốc đúng cách và có chế độ làm việc hợp lý. Trong nhiều trường hợp lên cơn hen, bệnh nhân có thể cần các thuốc cắt cơn nhanh như albuterol xịt họng hoặc khí dung.

Ngoài ra, tùy từng đối tượng người bệnh sẽ có các thiết bị hỗ trợ dùng thuốc khác nhau. Các thiết bị hỗ trợ dùng thuốc phổ biến như các bình xịt, hít định liều.

=>> Xem thêm: Bài tập thở cho người hen suyễn

4. Một số loại thuốc được dùng trong điều trị hen suyễn

Điều trị Hen phế quản bao gồm 2 mục đích chính: cắt cơn hen cấpngăn ngừa cơn hen cấp xuất hiện trở lại (thuốc điều trị dự phòng).

Các thuốc cắt cơn bao gồm:

Thuốc chủ vận Beta tác dụng ngắn (SABAs): Là những loại thuốc giãn phế quản và dùng để cắt cơn hen tại chỗ. Các thuốc thường gặp là Salbutamol, Terbutalin và Fenoterol.

Các thuốc dự phòng hen phế quản:

Thuốc corticosteroid dạng hít: Corticosteroid dạng hít được dùng phổ biến nhất trong điều trị hen suyễn, đặc biệt là hen suyễn dị ứng. Do có bản chất là thuốc chống viêm nên thuốc đi vào phế quản và phế nang giảm tình trạng viêm ở phổi, giúp làm giảm nguy cơ có cơn hen phế quản cấp ở người bệnh.

Thuốc kháng Leukotriene: Ức chế các chất gây viêm được gây ra bởi hệ miễn dịch. Thường dùng cho người bệnh hen phế quản chưa kiểm soát tốt hoặc hen phế quản có viêm mũi dị ứng.

Thuốc chủ vận Beta kéo dài: Cũng giống như SABAs nhưng tác dụng của thuốc này kéo dài hơn. Thường được kết hợp với corticoid và dùng với mục đích kiểm soát, dự phòng cơn hen.

Thuốc Omalizumab (Xolair): Dùng trong điều trị hen dị ứng. Thuốc gắn kết với Globulin miễn dịch E (IgE), làm giảm lượng IgE tự do gây kích hoạt các phản ứng dị ứng. Tuy nhiên thuốc này lại khá đắt nên hiện tại chưa được sử dụng nhiều ở Việt Nam.

Liệu pháp miễn dịch: Mục đích của liệu pháp miễn dịch là giúp cơ thể dung nạp với các dị nguyên làm khởi phát hoặc nặng lên các cơn hen trong khi các dị nguyên này không thể loại bỏ được hoàn toàn trong môi trường sống như: mạt bọ nhà, phấn hoa,...

Thuốc corticosteroid dạng uống: Thuốc điều trị hen có tác dụng ngắn và làm giảm nhanh cơn hen cấp tính. Nếu sử dụng lâu dài có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ.

Thuốc Theophylline: Thuốc được dùng hàng ngày để giãn phế quản. Tuy nhiên theophylline có nhiều tác dụng phụ trong khi lợi ích không vượt qua các nhóm thuốc khác nên không còn được sử dụng nhiều như trước kia.

Mặc dù các thuốc giúp ngăn ngừa và làm giảm triệu chứng, tuy nhiên bệnh nhân vẫn nên duy trì lối sống lành mạnh và phù hợp, làm giảm khả năng xuất hiện các cơn hen. Các cách để bệnh nhân có thể tự kiểm soát triệu chứng như tập thể dục thường xuyên; duy trì cân nặng hợp lý, chế độ làm việc, nghỉ ngơi phù hợp tình trạng bệnh,..

Hen suyễn là một bệnh lý mạn tính và không lây nhiễm. Do chưa có liệu pháp điều trị triệt để nên cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm số lượng xuất hiện cơn hen là cách tốt nhất giúp những người bị hen tiếp tục sống và làm việc tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

78.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan