Bệnh giả Gout có nguy hiểm?
Bệnh giả Gout là một dạng của viêm khớp được đặc trưng bởi sự đột ngột, đau sưng tại một hay nhiều khớp xương. Bệnh giả gout nếu không được điều trị có thể gây ra thoái hóa khớp nặng.
1. Bệnh giả Gout là gì?
Bệnh giả gout là một dạng của viêm khớp được đặc trưng bởi sự đột ngột, đau sưng tại một hay nhiều khớp xương. Những đợt đau có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Bệnh giả gout thường xảy ra ở người cao tuổi và ảnh hưởng chủ yếu đến đầu gối.
Bệnh giả gout hay còn được gọi là bệnh lắng đọng calcium pyrophosphate tương tự như bệnh gout. Bệnh giả gout và bệnh gout xảy ra khi tinh thể hình thành trong các chất lỏng bôi trơn khớp gây đau và viêm. Giả gout ảnh hưởng đến đầu gối và có thể phát triển trong mắt cá chân cổ tay và khuỷu tay, trong khi bệnh gout có xu hướng ảnh hưởng đến ngón chân cái.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân dẫn tới bệnh giả gout do các tinh thể calcium pyrophosphate dihydrate di chuyển từ sụn trong và xung quanh các khớp xương đến niêm mạc khớp gây viêm. Tuy nhiên, không rõ nguyên nhân hình thành tinh thể, chúng xuất hiện do sự liên quan đến quá trình lão hóa.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh giả gout như:
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh giả gout
- Chấn thương: Ví dụ như tổn thương hoặc phẫu thuật khớp bị ảnh hưởng, sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các tinh thể calcium pyrophosphate dihydrate trong khớp.
- Người lớn tuổi: Có nhiều tinh thể calcium pyrophosphate dihydrate thường thấy ở các khớp xương, và có nhiều khả năng trải nghiệm bệnh giả gout.
- Dư thừa lưu trữ sắt trong cơ thể: Lưu trữ sắt dư thừa trong cơ quan và các mô xung quanh các khớp xương, trong khớp có thể dẫn đến sự phát triển của tinh thể calcium pyrophosphate dihydrate.
3. Triệu chứng bệnh giả gout
Bệnh giả gout thường ảnh hưởng đến đầu gối, các khớp khác cũng ảnh hưởng như: Mắt cá chân, bàn tay, khuỷu tay và vai, cổ tay. Bệnh nhân giả gout có thể có các triệu chứng như:
- Sưng khớp
- Đau khớp
Bệnh giả gout có biểu hiện lâm sàng khá giống bệnh viêm khớp mạn tính, viêm khớp dạng thấp và bệnh gout. Khoảng 25% những người bị bệnh giả gout có triệu chứng lâm sàng giống hệt với bệnh gout. Khoảng 5% bệnh nhân phát triển các triệu chứng gần giống với viêm khớp dạng thấp. Trong khi khoảng 50% bệnh nhân bị bệnh giả gout phát triển các triệu chứng giống như viêm khớp mạn tính.
Giả gout thường phát triển từ một khớp và khi khởi phát khá đột ngột và dữ dội. Bệnh giả gout khi khởi phát thường kéo dài từ vài ngày đến hai tuần. Bệnh nhân có thể kèm theo sốt. Bệnh thường phối hợp với một bệnh khác ví dụ như: Nhiễm sắc tố sắt, nhiễm sắc tố ochronose, thiểu năng giáp trạng, cường cận giáp trạng, đái tháo đường, bệnh Wilson và bệnh gout. Bệnh giả gout sẽ gây tổn thương sụn khớp và khớp sau nhiều năm.
4. Bệnh giả gout có nguy hiểm không?
Bệnh giả gout có thể gây ra một số biến chứng như thoái hóa khớp. Các xương, khớp bị ảnh hưởng có thể phát triển thành các u nang, cựa xương và gây mất sụn, thậm chí dẫn tới gãy xương.
Bệnh giả gout không có biện pháp điều trị dứt điểm để loại bỏ hoàn toàn sự tích tụ các tinh thể tại các khớp. Do đó, các phương pháp điều trị chủ yếu kiểm soát các triệu chứng của bệnh, giảm các cơn đau và sưng. Các phương pháp giảm đau như sử dụng thuốc chống viêm không steroid, colchicine, tiêm nội khớp,... Ngoài ra, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, thường xuyên tập thể dục đặc biệt là các hoạt động tăng cường cơ bắp xung quanh các khớp bị ảnh hưởng có thể giúp giữ những khớp di động.
Tóm lại, bệnh giả gout là một dạng của viêm khớp được đặc trưng bởi sự đột ngột, đau sưng tại một hoặc nhiều khớp xương. Bệnh giả gout có thể gây ra biến chứng như thoái hóa khớp, u nang, mất sụn, gãy xương,... Vì vậy, khi có những biểu hiện bất thường ở khớp cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM